Điểm mặt những 'ông lớn' nợ thuế nghìn tỷ tại Hòa Bình

Tình trạng nợ đọng thuế của một số doanh nghiệp bất động sản tại Hòa Bình vẫn tiếp tục dai dẳng.

Số liệu của Cục Thuế tỉnh Hòa Bình cho biết, tính đến hết 30/6/2024, tổng số nợ thuế của các doanh nghiệp trên địa bàn đã lên tới con số hơn 3.000 tỷ đồng. 

So với cùng kỳ năm trước và 2022, mức độ nợ của một số doanh nghiệp đã gia tăng ở thời điểm hiện tại.

Đơn cử, kết thúc quý II/2023, có 221 doanh nghiệp nợ tổng cộng khoảng 2.240 tỷ đồng tiền thuế. Số liệu này đã tăng so với con số chốt sổ năm 2022 là 96 trường hợp với số nợ 1.270 tỷ đồng và thấp hơn mức 3.000 tỷ đồng vừa công bố.

Trong tổng số tiền nợ thuế hơn 3.000 tỷ đồng, riêng ba trường hợp gồm Công ty CP đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình, Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn, Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai đã chiếm tới hơn 2.600 tỷ đồng, tức khoảng 85%.

Xếp sau ba trường hợp trên là hàng loạt doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, đầu tư phát triển đô thị với mức nợ khoảng 10 – 30 tỷ đồng như Công ty CP Tập đoàn VHC Lucky Singapore – Hòa Bình, Công ty CP dự án khu đô thị Thống Nhất, Công ty CP cơ khí – lắp máy Sông Đà – chi nhánh 1, Công ty CP đầu tư phát triển và xây dựng Sao Vàng.

Một điểm đáng lưu ý là hầu hết các tên tuổi nêu trên đều khá "quen thuộc" mỗi khi cơ quan thuế tỉnh Hòa Bình công khai danh sách nợ suốt thời gian vừa qua. Số nợ của các doanh nghiệp này đều gia tăng so với thời điểm cuối tháng 12/2022.

Trong đó, ngôi đầu bảng nợ thuế liên tiếp trong ba năm nay vẫn là Công ty CP Đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình với khoản nợ hiện khoảng 1.130 tỷ đồng. 

Công ty CP Đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình là chủ đầu tư dự án khu nhà ở cao cấp dầu khí Hòa Bình (tên thương mại là La Saveur de Hoa Binh). Nằm cạnh hồ Đồng Chanh, huyện Lương Sơn, dự án quy mô khoảng 60ha với 440 căn biệt thự cao cấp tái hiện lại phong cách nghỉ dưỡng từ những ngôi làng miền Đông nước Pháp. Hiện giai đoạn 1 của dự án đã đi vào khai thác. 

Đáng chú ý, Công ty CP Đô thị sinh thái dầu khí Hòa Bình từng bị Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình cảnh báo hai lần trong năm 2022, với chính dự án này về chưa đủ điều kiện được huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản.

Vị trí á quân bảng xếp hạng nợ thuế là Công ty TNHH Đảo Ngọc Xanh Kỳ Sơn với tổng nợ khoảng 930 tỷ đồng. 

Tiếp đó là Công ty CP Đầu tư phát triển đô thị Hoàng Mai nợ 699 tỷ đồng. Doanh nghiệp này được ra đời bởi Tổng công ty đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC và hai doanh nghiệp có liên quan đến Tập đoàn Lã VọngCông ty CP Thương mại Ngôi nhà mới và Công ty CP đầu tư và thương mại Louis để thực hiện dự án khu đô thị mới Hoàng Văn Thụ tại Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 2.400 tỷ đồng. Trong đó, UDIC chỉ nắm 15% vốn điều lệ.

Ở mức nợ dưới 100 tỷ đồng, vẫn là danh sách quen thuộc như Công ty CP Tập đoàn VHC Lucky Singapore - Hòa Bình, Công ty CP cơ khí – lắp máy Sông Đà – chi nhánh 1 (khoảng 26 tỷ đồng), Công ty CP Tập đoàn Xây dựng và du lịch Bình Minh với mức tăng trưởng dương về nợ thuế qua từng năm thời gian qua.

Ít tháng trước, Sở Xây dựng Hòa Bình cảnh báo rủi ro giao dịch đối với 19 dự án bất động sản chưa đủ điều kiện bán hàng trên địa bàn. Trong số này, ghi nhận nhiều khu đô thị sinh thái, biệt thự nghỉ dưỡng do các liên danh đầu tư như Công ty CP đầu tư phát triển Xanh Kỳ Sơn – Công ty CP Tập đoàn Telin; Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ quốc tế Seika – Công ty TNHH dịch vụ thương mại Nam Hà Nội – Công ty CP Vinaconex 39; Công ty CP bất động sản Hoàng Vân Hòa Bình – Công ty CP Tập đoàn Landora; Công ty CP Lã Vọng Group – Công ty CP thương mại Ngôi nhà mới; Công ty CP Thăng Long Land – Công ty TNHH Xây dựng Thành Hưng – Công ty CP phát triển đô thị An Thịnh và Công ty CP thương mại Dạ Hợp.

Tham vọng của An Thịnh Group trên thị trường bất động sản

Tin liên quan

A0 chính thức tách khỏi EVN

A0 chính thức tách khỏi EVN

The LEADER Phó thủ tướng Trần Lưu Quang đã ký quyết định tách Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia khỏi Tập đoàn Điện lực Việt Nam và chủ trương thành lập mới đơn vị điều độ hệ thống điện quốc gia.
Doanh nghiệp hàng không: Chuyển mình sau cơn bão

Doanh nghiệp hàng không: Chuyển mình sau cơn bão

Nhóm ngành hàng không có thể tiếp tục phục hồi nhờ nhu cầu du lịch và vận chuyển hàng hóa tăng. Việc tăng trần giá vé máy bay nội địa giúp các hãng hàng không bù đắp chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, triển vọng dài hạn còn được hỗ trợ bởi sân bay Long Thành...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.