Khi doanh nghiệp bảo hiểm thể hiện trách nhiệm

Theo những thông tin sơ bộ từ Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), đến 17 giờ ngày 12/9 đã có hơn 9.000 vụ thiệt hại về tài sản và xe cơ giới, 14 trường hợp tử vong, 18 vụ thuộc nghiệp vụ bảo hiểm sức khỏe liên quan đến bão số 3 đã được các doanh nghiệp bảo hiểm tiếp nhận. Tổng số tiền chi trả thiệt hại về tài sản và con người ước tính ban đầu khoảng hơn 7.000 tỷ đồng.

Và thoạt nhìn, biểu đồ của một số doanh nghiệp bảo hiểm niêm yết trên sàn chứng khoán như Bảo Việt (BVH), Bảo Minh (BMI), Bảo hiểm BIDV (BIC), Bảo hiểm Dầu khí (PVI)… cũng theo chiều đi xuống. Nhưng nếu kết luận giá cổ phiếu (CP) bảo hiểm đi xuống do lo ngại về việc doanh nghiệp trong ngành sẽ phải tiến hành chi trả, bồi thường sẽ là võ đoán và phiến diện. Trái lại, cần biết rằng, đây là lúc để các doanh nghiệp trong ngành thể hiện năng lực, uy tín đã gây dựng và quan trọng hơn là thể hiện trách nhiệm với xã hội.

Những biến cố như cơn bão số 3 có thể là rủi ro bất ngờ nhưng trong hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm đều phải được tính toán chuẩn bị. Trong cách vận hành của công ty bảo hiểm nói chung, dòng tiền thu về sẽ được trích lập dự phòng, chuẩn bị cho hoạt động bồi thường, các kịch bản rủi ro, đồng thời sẽ có các hoạt động đầu tư thận trọng để bảo đảm sinh lời hợp lý tài sản. Ghi nhận từ những trường hợp ban đầu, các doanh nghiệp bảo hiểm thậm chí còn làm tốt hơn cả những nhiệm vụ chi trả hay bồi thường. Chẳng hạn, ngay ngày 10/9, tức là chỉ sau hai ngày khi bão số 3 đổ bộ, Bảo Việt đã chủ động công bố trích quỹ an sinh xã hội ủng hộ 5 tỷ đồng thông qua Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tổ chức các đoàn công tác tới địa phương để tiếp tục chia sẻ với các nạn nhân của bão, lụt.

Nếu quan sát biểu đồ của CP bảo hiểm sẽ thấy, mức độ giảm giá thực tế là theo xu hướng chung của thị trường chứ không hẳn xuất phát từ lo ngại chi trả. Hãy lấy mốc bão số 3 đổ bộ là vào đêm 7/9, thì đến ngày 9/9 các thống kê về thiệt hại mới xuất hiện, tuy nhiên nhiều cổ phiếu bảo hiểm đã điều chỉnh từ trước đó. PVI đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/9, phiên đầu tiên của tháng 9 với giá hơn 47.000 đồng/CP và đến 11/9 giảm còn hơn 44.000 đồng/CP. Trong ba phiên giao dịch 30/8, 4/9 và 5/9, BIC giảm nhẹ nhưng vẫn hơn 33.000 đồng/CP, sau đó giảm trong hai ngày 10 và 11/9 về mức hơn 30.000 đồng/CP. Cần nhấn mạnh, việc giảm trước ngày 9/9 của cổ phiếu bảo hiểm nằm trong xu thế điều chỉnh giảm chung của VN Index vì VN Index cũng giảm. Còn nếu xét mức độ điều chỉnh giảm sau ngày 9/9 thì tỷ lệ cũng chỉ ở mức thấp, chẳng hạn BVH giảm 4 phiên liên tục từ 10 đến 13/9 nhưng cũng chỉ từ 44.000 đồng/CP xuống 42.750 đồng/CP, tức là điều chỉnh khoảng 2,8%, mức độ bình thường của CP.

Uy tín, thương hiệu và cả thị phần của công ty bảo hiểm được củng cố bằng niềm tin của khách hàng, mà niềm tin tốt nhất chính là các hoạt động chi trả nhanh chóng, thực hiện đúng cam kết với khách hàng. Và cứ giả sử như những rủi ro như bão số 3 có một phần nào đó tác động đến hoạt động của các công ty bảo hiểm thì nên biết rằng, nếu các công ty bảo hiểm thể hiện tốt, niềm tin vào thương hiệu, uy tín trong dài hạn sẽ càng được củng cố.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.