Nhà đầu tư xem xét yếu tố ESG như thế nào?

Mỗi nhà đầu tư sẽ quan tâm và xem xét tiêu chuẩn ESG theo một cách khác nhau khi đưa ra quyết định, tuy nhiên vẫn có những mẫu số chung, là những điều cốt lõi doanh nghiệp cần quan tâm khi xây dựng chiến lược phát triển bền vững nhằm mục đích gọi vốn.

Theo quy định công bố tài chính bền vững (SFDR) của Liên minh châu Âu (EU), các quỹ đầu tư và cố vấn tài chính phải công bố thông tin về ESG trong danh mục đầu tư, bao gồm việc tích hợp yếu tố ESG vào việc đưa ra quyết định như thế nào, rủi ro và các tác động tiêu cực tới tính bền vững trong những dự án được rót vốn.

Với chuẩn mực SFDR, EU mong muốn điều hướng dòng vốn vào các dự án phát triển bền vững một cách minh bạch và hiệu quả. Các quỹ đầu tư cũng phải dành một tỷ lệ nhất định danh mục đầu tư cho các dự án, doanh nghiệp thực hành tốt ESG.

Theo ông Vũ Chí Công, Giám đốc ESG và Giám đốc Quỹ đầu tư tác động VinaCarbon, VinaCapital, các dự án đáp ứng tiêu chuẩn đầu tư bền vững vẫn còn hạn chế so với lượng vốn dành cho ESG, mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp.

Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu gặp nhiều biến động, các xu thế dịch chuyển đầu tư biến chuyển khó lường.

Tuy nhiên, đối với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, bức tranh tài chính cho phát triển bền vững lại hoàn toàn trái ngược. Theo ông Bùi Quang Duy, Phó giám đốc đầu tư toàn cầu Bộ phận tài chính khí hậu của Quỹ responsAbility Investments AG, thách thức tài chính là một trong những rào cản đáng kể nhất cho thực hành ESG đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Không ít nguyên nhân được chỉ ra từ phía chính sách, khung pháp lý chưa đầy đủ và đang trong quá trình xây dựng, hoàn thiện. Tuy nhiên, việc thu hút vốn đầu tư ESG đòi hỏi nỗ lực không nhỏ từ phía doanh nghiệp, thể hiện thông qua việc thực hành tốt, đáp ứng yêu cầu của nhà đầu tư.

Làm gì để thu hút vốn bằng ESG

Theo GS. Robert Eccles, Chủ tịch sáng lập Hội đồng Chuẩn mực kế toán bền vững, nhà đầu tư có nhiều cách tích hợp ESG vào quá trình đưa ra quyết định. 

Một số lựa chọn loại bỏ doanh nghiệp thiếu trách nhiệm, không tuân thủ quy định pháp luật hoặc chuẩn mực quốc tế ra khỏi danh mục, lựa chọn đầu tư vào các doanh nghiệp tích cực triển khai ESG, đầu tư vào các doanh nghiệp có tích hợp ESG vào hoạt động hoặc kỹ hơn là những doanh nghiệp có hiệu suất ESG tốt nhất.

Số khác có thể tham gia tích cực vào điều hành doanh nghiệp theo hướng thực hành ESG, đầu tư vào các doanh nghiệp đang giải quyết tích cực một vấn đề thuộc ESG, ví dụ như doanh nghiệp tái chếnăng lượng tái tạo hoặc doanh nghiệp giải quyết việc làm cho lao động khuyết tật.

Một phương án phổ biến là đầu tư vào các doanh nghiệp đảm bảo cân bằng cả lợi nhuận và tác động tích cực tới môi trường, cộng đồng.

Các phương pháp đầu tư này có thể được tích hợp với nhau để tạo nên chiến lược của riêng mỗi quỹ đầu tư. Do đó, để thu hút vốn hiệu quả, doanh nghiệp có thể nhắm đến một hoặc một số quỹ đầu tư và tìm hiểu chiến lược của họ, từ đó có kế hoạch phù hợp nhằm điều chỉnh hoạt động ESG cũng như công bố thông tin.

Tuy nhiên, nhìn chung đa phần các quỹ sẽ lựa chọn phương án đảm bảo cân bằng giữa lợi nhuận và tác động tích cực tới cộng đồng, chỉ trừ trường hợp quỹ hoạt động với mục đích thiện nguyện.

Bởi lẽ, các cá nhân, tổ chức rót tiền vào quỹ luôn đặt kỳ vọng vào lợi nhuận, hoặc ở mức cao, hoặc được duy trì lâu dài. Ngoài ra, các dự án ESG không thể tạo ra lợi nhuận thì sớm muộn cũng sẽ ngừng hoạt động.

“Rất khó có quỹ đầu tư nào muốn rót vốn vào những dự án không khả thi về mặt kinh tế”, ông Công nói.

Bên cạnh đó, yếu tố đáng được quan tâm là tính minh bạch về tác động của các hoạt động ESG. Đầu tư vào các dự án cam kết ESG, quỹ đầu tư có thể không kỳ vọng vào mức lợi nhuận khổng lồ nhưng mong muốn đồng tiền của mình tạo ra tác động tích cực và thực tế tới môi trường và cộng đồng, hoặc tin vào lợi nhuận dài hạn khi doanh nghiệp theo đuổi phát triển bền vững.

Dù niềm tin là gì, nhà đầu tư đều đặt kỳ vọng rằng những giải pháp phát triển bền vững của doanh nghiệp tạo ra tác động thực tế chứ không chỉ dùng để tô vẽ, làm truyền thông. Nói cách khác, nhà đầu tư không muốn chịu “rủi ro đạo đức”, khi sự bất cân xứng về thông tin khiến họ không biết doanh nghiệp sử dụng tiền của mình để làm gì.

Vì vậy, hành vi “tẩy xanh”, tức là nói “lố” về hoạt động ESG sẽ khiến doanh nghiệp mất điểm nặng nề trong mắt nhà đầu tư. Việc “tẩy xanh” khó có thể được che dấu khi rất nhiều bên giám sát hoạt động phát triển bền vững của doanh nghiệp, không chỉ nhà đầu tư mà còn người tiêu dùng, đối tác, chính quyền hay cơ quan truyền thông, báo chí và các tổ chức phát triển.

Tuy nhiên, trên thực tế, doanh nghiệp hoàn toàn có thể mắc vào bẫy “tẩy xanh” dù không hề có ý định gian dối. Rủi ro này xảy ra thì doanh nghiệp quá tin tưởng vào giải pháp của mình, không tiến hành các nghiên cứu khoa học để chứng minh hiệu quả trong thực tế.

Do đó, để tiếp cận vốn thông qua thực hành phát triển bền vững, doanh nghiệp cần chắc chắn giải pháp của mình thực sự có hiệu quả trong thực tiễn, có thể chứng thực thông qua thử nghiệm hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp.

Rất có thể, sau khi qua các nghiên cứu và thử nghiệm, doanh nghiệp nhận ra giải pháp ESG của mình không hiệu quả như mong đợi. Tuy nhiên, điều cần thiết lúc này vẫn là công bố thông tin thật trung thực, kèm một lộ trình nâng cấp các giải pháp.

Bởi, không ít nhà đầu tư hướng đến các dự án ESG với quan niệm đang đầu tư cho tương lai và sẵn sàng đồng hành với doanh nghiệp để cải thiện các giải pháp. Trong trường hợp đó, nhà đầu tư hy vọng thấy được tinh thần trung thực và cầu thị ở doanh nghiệp hơn là những thông tin được tô vẽ hoa mỹ.

Thực tế, câu chuyện ESG không hoàn toàn chỉ nhằm mục đích để gọi vốn. Bỏ qua các tranh cãi rằng liệu ESG có thực sự đem lại sự tăng trưởng lâu dài thì tiêu chuẩn này đang dần trở thành điều kiện bắt buộc để doanh nghiệp xuất khẩu hoặc hợp tác với đối tác nước ngoài.

Vì vậy, thực hành tốt ESG là con đường bắt buộc. Nói với TheLEADER, một chuyên gia phát triển bền vững nhận định, nếu doanh nghiệp thực hành tốt thì việc chứng thực những thực hành đó không khó, bởi “chỉ là kể lại những việc mình thực sự đã làm”.

ESG giúp doanh nghiệp quản trị rủi ro
Kinh doanh èo uột, Phát Đạt vẫn thoát lỗ

Kinh doanh èo uột, Phát Đạt vẫn thoát lỗ

Đây không phải lần đầu bức tranh tài chính của Phát Đạt bớt tối nhờ ghi nhận các khoản lợi nhuận tài chính. Cùng kỳ năm ngoái, công ty có doanh thu tài chính gần 532 tỷ đồng, chủ yếu là lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.