Trong đợt 2 này, SCIC dự kiến thoái sạch vốn tại nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn chứng khoán như FPT, NTP, AGF, SMA...
Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) vừa công bố danh sách thoái vốn đợt 2 năm 2024 với 31 doanh nghiệp.
Trong danh sách có 8 công ty niêm yết trên sàn chứng khoán gồm Công ty Cổ phần Nhựa Thiếu Niên Tiền Phong (mã chứng khoán: NTP), Công ty Cổ phần Cơ khí và Khoáng sản Hà Giang (mã chứng khoán: HGM), Công ty Cổ phần FPT (mã chứng khoán: FPT), Tổng Công ty Tư vấn Xây dựng Việt Nam (mã chứng khoán: VGV), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản An Giang (mã chứng khoán: AGF), Công ty Cổ phần Thiết bị phụ tùng Sài Gòn (mã chứng khoán: SMA), Công ty Cổ phần Xây dựng Vật liệu Bến Tre (mã chứng khoán: VXB) và Công ty Cổ phần Xây dựng và Phát triển cơ sở hạ tầng Hải Phòng (mã chứng khoán: CID).
Thương vụ đáng chú ý nhất trong đợt này là việc SCIC dự kiến thoái toàn bộ 5,8% vốn tại Công ty Cổ phần FPT, giá trị tương ứng khoảng 635 tỷ đồng. Đây là thương vụ có giá trị dự kiến lớn nhất trong danh sách thoái vốn của SCIC đợt 2/2024. Nếu thực hiện thành công, SCIC sẽ không còn là cổ đông của FPT.
Ngoài FPT, các thương vụ thoái vốn có giá trị lớn của SCIC trong đợt này có thể kể đến NTP (tỷ lệ 37,1%) với 480 tỷ đồng, VGV (tỷ lệ 87,3%) với 312 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Hợp tác đầu tư Giao thông vận tải (tỷ lệ 97,4%) với 231 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Phát triển Hạ tầng khu công nghiệp Thái Nguyên (tỷ lệ 98,8%) với 139 tỷ đồng,…
Trước đó, trong danh sách thoái vốn đợt 1 năm 2024, SCIC muốn thoái vốn khỏi 27 doanh nghiệp, với nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán như Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Y tế Domesco (mã chứng khoán: DMC), Công ty Cổ phần Sách Việt Nam - Savina (mã chứng khoán: VNB), Tổng Công ty Cổ phần Thủy sản Việt Nam - Seaprodex (mã chứng khoán: SEA), Công ty Cổ phần Nhựa Việt Nam (mã chứng khoán: VNP), Tổng Công ty Cổ phần Điện tử và Tin học Việt Nam (mã chứng khoán: VEC), … Trong đó, SCIC đã bán vốn thành công VNC và Công ty Cổ phần Phim truyện 1.
Theo báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của SCIC, tổng công ty đạt doanh thu 7.143 tỷ đồng, giảm 30,1% so với năm 2022. Trong đó, doanh thu từ các khoản đầu tư của doanh nghiệp này giảm 92% còn 116 tỷ đồng; doanh thu từ cổ tức và lợi nhuận được chia giảm 29,5% còn 5.383 tỷ đồng;
Trong năm 2023, SCIC đã được hoàn nhập 816 tỷ đồng khoản tiền trích lập giảm giá đầu tư, qua đó chi phí hoạt động đầu tư kinh doanh vốn được hoàn nhập 489,2 tỷ đồng. Nhờ lợi nhuận gộp tăng và khoản lỗ trong công ty liên kết giảm mạnh về còn 1.728 tỷ đồng, SCIC lãi trước thuế 5.650 tỷ đồng, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối năm 2023, tổng tài sản của SCIC đạt 52.750 tỷ đồng, tăng 6% so với hồi đầu năm 2022. Các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm 33.343 tỷ đồng, tăng 10,4%. Trong đó, lượng tiền gửi có kỳ hạn của tổng công ty tăng hơn 4.000 tỷ đồng lên 30.450 tỷ đồng, khoản đầu tư vào cổ phiếu giảm hơn 1.000 tỷ còn 2.945 tỷ đồng. Các khoản đầu tư tài chính dài hạn tăng 6,3% lên 28.023 tỷ đồng. Trong đó, đầu tư vào công ty con hơn 17.449 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm.
Cùng thời điểm, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 426 phê duyệt tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC – mã chứng khoán: BCM) đến năm 2025.
Theo quyết định, tỷ lệ vốn Nhà nước nắm giữ tại Becamex IDC từ 95,44% vốn điều lệ xuống mức trên 65% vốn điều lệ đến hết năm 2025, tức sẽ thoái hơn 30% cổ phần ông lớn khu công nghiệp này.
Đồng thời bãi bỏ nội dung về kế hoạch sắp xếp đối với Becamex IDC (số thứ tự 29) thuộc Mục 2 Kế hoạch giữ nguyên phần vốn Nhà nước tại Phụ lục III về Kế hoạch thực hiện thoái vốn và giữ nguyên phần vốn nhà nước giai đoạn 2022-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 1479 của Thủ tướng.
Becamex IDC là công ty khu công nghiệp lớn nhất tại Bình Dương, đồng thời cũng là một trong các nhà phát triển hạ tầng hàng đầu Việt Nam. Uỷ ban nhân dân tỉnh là cơ quan Nhà nước đại diện nắm phần sở hữu tại doanh nghiệp này.
Với 7 khu công nghiệp có tổng diện tích hơn 4.700 ha đang trực tiếp vận hành, Becamex IDC là chủ đầu tư khu công nghiệp lớn nhất tại tỉnh Bình Dương với hơn 30% thị phần cấp tỉnh và lớn thứ ba tại Việt Nam với 3,6% thị phần toàn quốc.
Tổng công ty còn sở hữu 49% cổ phần tại Liên doanh Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Đây là nhà phát triển khu công nghiệp và đô thị tích hợp bao gồm 12 dự án trên cả nước với tổng diện tích hơn 10.000 ha.
Becamex IDC được thành lập từ năm 1976, cổ phần hóa vào năm 2018 và đưa cổ phiếu BCM lên giao dịch tại UPCoM ngay trong năm này. Đến 2020, tổng công ty chuyển sang niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE).
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu BCM hiện đang giao dịch tại mức giá 58.800 đồng/cổ phiếu. Theo đó, vốn hóa của doanh nghiệp trên thị trường đạt gần 61.000 tỷ đồng.
Diệu Huyền