Một thời làm mưa làm gió trên thị trường, các doanh nghiệp đa cấp giờ đây đang phải đối mặt với sự sụp đổ không phanh, niềm tin của khách hàng vào mô hình kinh doanh này suy giảm nghiêm trọng…
Thông tin từ Bộ Công Thương, cả nước hiện chỉ còn 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp còn tồn tại, giảm 48 doanh nghiệp so với năm 2016. Quy mô hoạt động của các doanh nghiệp này ngày càng thu hẹp.
HẾT THỜI HOÀNG KIM
Mô hình kinh doanh đa cấp bắt đầu xuất hiện tại thị trường Việt Nam từ những năm đầu của thập niên 2000. Tuy nhiên, phải đến giai đoạn 2006-2010, hình thức kinh doanh này mới thực sự tạo nên cơn sốt và được đông đảo người dân biết đến. Sự gia nhập của các công ty đa cấp nước ngoài vào thời điểm này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển và mở rộng của mô hình này, tạo ra một làn sóng quan tâm chưa từng có.
Sự gia nhập của các công ty đa cấp nước ngoài như Amway, Herbalife, Oriflame vào thời điểm này đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển và mở rộng của mô hình này. Hàng nghìn người đã bị thu hút bởi những lời hứa về thu nhập cao và cơ hội làm giàu chớp nhoáng, dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng số lượng người tham gia vào các mạng lưới đa cấp.
Đằng sau ánh hào quang của những lời mời gọi làm giàu nhanh chóng trong kinh doanh đa cấp là một thực tế phức tạp. Trong khi nhiều người tìm thấy cơ hội phát triển bản thân, thì một bộ phận không nhỏ lại trở thành nạn nhân của những chiêu trò lừa đảo tinh vi. Thay vì tập trung vào việc xây dựng một hệ thống kinh doanh bền vững, một số doanh nghiệp lại biến mô hình đa cấp thành công cụ để thu lợi bất chính, biến những giấc mơ làm giàu thành những nỗi thất vọng.
Thực tế, nhiều vụ lừa đảo đã được phanh phui, trong đó các doanh nghiệp tập trung vào việc tuyển dụng ồ ạt, vẽ ra những viễn cảnh làm giàu nhanh chóng để rồi "biến mất" sau khi đã thu gom được một khoản tiền lớn.
Trước bối cảnh chuyển dịch nền kinh tế, hoạt động đa cấp đã dần thu hẹp “đất diễn”, không còn sức hút như 10 năm trước. Như một lẽ tất yếu, hoạt động của các doanh nghiệp cũng đuối sức và “chết dần”. Theo thống kê của Bộ Công Thương, từ hàng trăm doanh nghiệp, hiện nay cả nước có 19 doanh nghiệp có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp đang hoạt động, giảm 48 doanh nghiệp so với năm 2016.
Tính riêng năm 2023, ngành này có hơn 768.000 người tham gia, với tổng doanh thu đạt 16.800 tỷ đồng, giảm 20% so với năm 2022.
HIỆU ỨNG DOMINO
Mới đây, ngày 21/11, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia (Bộ Công Thương) thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group.
Cơ quan này đã tiếp nhận hồ sơ thông báo dừng bán hàng đa cấp của doanh nghiệp vào tháng 4. Việc chấm dứt hoạt động do giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp đã bị thu hồi theo quyết định của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng vào ngày 26/3/2019.
Tại thông báo mới nhất, cơ quan quản lý cho biết doanh nghiệp đề nghị giải tỏa số tiền ký quỹ với lý do đã chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp và nộp hồ sơ thông báo tới Ủy ban Cạnh tranh quốc gia.
Công ty Cổ phần Đầu tư Sản xuất và Thương mại Sen Việt Group được thành lập vào tháng 8/2015 với vốn điều lệ ban đầu 20 tỷ đồng, trụ sở chính đặt tại quận Bình Thạnh, TP.HCM. Ông Phạm Ngọc Bình giữ chức vụ Giám đốc kiêm Người đại diện pháp luật.
Cũng trong năm 2024, hồi tháng 7, Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam tự đề nghị chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp trên địa bàn tỉnh Bắc Giang. Sở Công Thương Bắc Giang vừa có thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp tại địa phương của Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam.
Công ty TNHH Total Swiss Việt Nam có trụ sở chính tại phường 12, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh, có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cấp lần đầu vào 25/8/2014.
Công ty này có giấy chứng nhận đăng ký bán hàng đa cấp do Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Bộ Công Thương (nay là Ủy ban cạnh tranh Quốc gia) cấp lần đầu vào tháng 2/2015, sửa đổi bổ sung vào tháng 3/2023. Lý do chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của công ty trên tại Bắc Giang là tự doanh nghiệp đề nghị. Thời gian thực hiện từ ngày 20/7/2024.
Tương tự, trong khoảng thời gian đó, Ủy ban Cạnh tranh Quốc thông báo về việc xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty TNHH Phong cách sống kim cương Việt Nam - DLC Việt Nam (quận Phú Nhuận, TP.HCM). Được biết doanh nghiệp này hoạt động dưới hình thức bán hàng đa cấp với quy tắc hoạt động, kế hoạch trả thưởng... Đáng chú ý, các sản phẩm như thực phẩm chăm sóc sức khỏe, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm của doanh nghiệp có giá lên tới hàng triệu đồng.
Chẳng hạn, sữa bột dinh dưỡng Dinamond Active Nutritional drink có giá hơn 2,6 triệu đồng/hộp hay thực phẩm bảo vệ sức khỏe hỗ trợ tăng cường thị lực, hỗ trợ giảm các triệu chứng khô mắt, mỏi mắt, nhìn mờ... có giá bán lên tới hơn 1,7 triệu đồng/lọ. Trước đó, doanh nghiệp này đã từng bị xử phạt 305 triệu đồng về các hành vi vi phạm trong quá trình hoạt động.
Thực tế hiện nay, hoạt động đa cấp vẫn không ngừng bành trướng với những thủ đoạn hoạt động tinh vi, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ hàng loạt giải pháp nhằm chấn chỉnh, đảm bảo hoạt động bán hàng đa cấp diễn ra trong khuôn khổ pháp luật, ngăn ngừa tối đa những hệ lụy xấu cho người dân. Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng yêu cầu sở Công Thương các tỉnh, thành phố tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong bán hàng đa cấp, giám sát hoạt động hội nghị, hội thảo, đào tạo về bán hàng đa cấp trên địa bàn.