Tham vọng thâu tóm 7-Eleven của chủ sở hữu Circle K có phải chỉ là một “giấc mơ viển vông”?

Chủ sở hữu Circle K mới đây đã đưa ra đề xuất mua lại công ty mẹ của 7-Eleven tại Nhật Bản. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng đây chỉ là một tham vọng viển vông và khó có thể trở thành hiện thực…
NAHQJS64ZFI6NMIXZFMKT67OLI.jpg
Một cửa hàng 7-Eleven tại Tokyo, Nhật Bản

Alimentation Couche-Tard, công ty chủ sở hữu chuỗi cửa hàng tiện lợi Circle K có trụ sở tại Canada, mới đây đã đưa ra đề nghị mua lại công ty mẹ của 7-Eleven là Seven & i Holdings Nhật Bản.

Seven & i Holdings, doanh nghiệp có mức vốn hoá 30 tỷ USD, cho biết họ đã thành lập một ủy ban đặc biệt gồm các giám đốc độc lập bên ngoài để xem xét đề xuất này.

KHAO KHÁT MỞ RỘNG

Couche-Tard, với giá trị thị trường lên đến 57,53 tỷ USD, đã nhanh chóng mở rộng vị thế của mình trong ngành nhiên liệu và cửa hàng tiện lợi trong vài năm trở lại đây. Nếu thương vụ 7-Eleven thành công, Couche-Tard chắc chắn sẽ có thể nâng tầm vị thế của mình trở thành một trong những tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới.

Động thái này diễn ra sau khi công ty đầu tư của Mỹ, ValueAct Capital, một cổ đông lớn của Seven & i, nhiều lần phàn nàn rằng ban lãnh đạo công ty Nhật Bản chưa khai thác được hết tiềm năng của 7-Eleven khi mà lợi nhuận của chuỗi có phần kém hơn so với các đối thủ. ValueAct đã thúc giục Seven & i tái cơ cấu công ty để tập trung vào phát triển mảng cửa hàng tiện lợi, thậm chí nên tách riêng chuỗi siêu thị Ito-Yokado thành một đơn vị độc lập.

Cùng ngày công bố đề xuất với Seven & i, Couche-Tard cũng thông báo về việc sẽ mua lại chuỗi 270 trạm xăng GetGo từ nhà điều hành siêu thị Giant Eagle. Năm ngoái, tập đoàn đã mua hơn 2.000 địa điểm trạm xăng ở châu Âu từ TotalEnergies SE.

e2072f4_1724080100011-808107.jpg
Một cửa hàng tiện lợi Couche-Tard ở Canada

Trước đó, Couche-Tard từng cố gắng mua lại Speedway nhưng thất bại trước Seven & i khi công ty Nhật Bản nhanh tay “chốt” giá 21 tỷ USD.

Trên thực tế, nếu Couche-Tard và Seven & i hợp nhất thành một, doanh nghiệp có tiềm năng giành được vị trí thống lĩnh trên thị trường toàn cầu.

Tại Mỹ, 7-Eleven nắm trong tay 14,5% thị phần cửa hàng tiện lợi, trong khi Couche-Tard chỉ chiếm 4,6%, theo nghiên cứu của GlobalData được chia sẻ với Associated Press.

Trích dẫn báo cáo lợi nhuận cuối cùng vào tháng 4, Alimentation Couche-Tard đang vận hành 10.445 cửa hàng tiện lợi. Bao gồm cả các cửa hàng nhượng quyền và các thỏa thuận khác, công ty kiểm soát gần 17.000 cửa hàng. Trong khi đó, Seven & i Holdings đang vận hành, nhượng quyền hoặc cấp phép cho khoảng 86.000 cửa hàng trên thế giới, trong đó có hơn 13.000 cửa hàng tại Bắc Mỹ.

Chuyên gia ngành bán lẻ Brandon Lawrence cho biết thỏa thuận này sẽ mang lại cho Couche-Tard một lợi thế định giá rất lớn. Tập đoàn sẽ sử dụng quy mô mới của mình để cạnh tranh giá với các đối thủ khác trên thị trường và thu hút khách hàng.

Frank Beard, giám đốc tiếp thị của Rovertown nhận xét rằng các chuỗi cửa hàng tiện lợi địa phương và khu vực cần tìm cách tạo điểm nhấn riêng: "Điều đáng buồn trong một thị trường đồng nhất là ai cũng giống như ai. Quy mô ngày càng lớn của Couche-Tard sẽ thúc đẩy và buộc các thương hiệu khác phải tập trung vào việc mang đến sự khác biệt hơn nữa”. Ông Beard nhắc tới một số ví dụ như Shop Rite ở Louisiana phục vụ đồ ăn nhanh kiểu Cajun, United Dairy Farmers ở Midwest mang đến các sản phẩm kem, bơ sữa đặc biệt hoặc Buc-ee’s ở Texas tạo dấu ấn với trải nghiệm độc đáo và nhiều sản phẩm từ thương hiệu riêng.

RÀO CẢN PHÍA TRƯỚC

Michael Causton, đồng sáng lập công ty nghiên cứu JapanConsuming, đã gọi đề nghị mua lại của Couche-Tard là một “giấc mơ viển vông" và sẽ khó có thể thành hiện thực.

"Đây là điều cuối cùng mà Seven & i muốn hay cần. Tất nhiên, Alimentation Couche-Tard là đối thủ lớn ở Bắc Mỹ và ngày càng mở rộng trên toàn cầu, nhưng đề nghị này sẽ gây rối loạn và cực kỳ tốn thời gian. Trong khi đó, Seven & i cũng đang có riêng các kế hoạch mở rộng và đang hoạt động khá tốt”, ông Causton nhấn mạnh.

Hơn nữa, ông Causton dự đoán thương vụ sẽ đối mặt với sự phản đối của gia đình sáng lập. Gia đình của nhà sáng lập Masatoshi Ito hiện vẫn sở hữu 8,1% cổ phần (tương đương khoảng 3,1 tỷ USD) trong Seven & i.

”Họ sẽ không muốn bán bất kể giá có cao đến đâu. Tôi nghĩ là không bao giờ”, ông Causton khẳng định.

Ông cũng tin rằng giới doanh nghiệp Nhật Bản sẽ lên tiếng chỉ trích thương vụ này. “Họ không muốn thấy thêm những lời đề nghị mua lại từ nước ngoài và việc ngăn chặn thương vụ sẽ được xem trọng”, ông nói thêm.

Trái với quan điểm này, giám đốc Azabu Research Mike Allen lại cho rằng vì Seven & i có một ban quản trị chủ yếu là độc lập nên rất có thể họ sẽ không từ chối nếu nhận được một đề nghị hợp lý.

Nhìn từ góc độ rộng lớn hơn, có hàng loạt lập luận chỉ ra rằng chính phủ Nhật Bản sẽ không muốn để một nhà cung cấp dịch vụ thiết yếu nằm trong tay người nước ngoài. Seven & i vẫn luôn được coi là một phần không thể thiếu trong dịch vụ ứng phó khẩn cấp của Nhật Bản đặc biệt trong việc cung cấp nhanh chóng các nhu yếu phẩm sau thảm họa thiên nhiên.

maxresdefault.jpg
Các món ăn tại 7-Eleven Nhật Bản thường rất được người dân và khách du lịch ưa chuộng

Couche-Tard cũng từng thất bại trong nỗ lực mua lại công ty bán lẻ Carrefour của Pháp với giá 20 tỷ USD, khi mà chính phủ Pháp thẳng thừng từ chối vì lo ngại an ninh lương thực. Thương vụ này cũng có thể thu hút sự chú ý của các cơ quan quản lý ở Mỹ.

Về phía 7-Eleven, việc cung cấp thực phẩm giá rẻ, chất lượng cao vẫn luôn là chiến lược quan trọng nhất của hệ thống. 7-Eleven Nhật Bản từ lâu đã nổi tiếng với các bữa ăn nhanh chóng và ngon miệng. Thậm chí, các cửa hàng 7-Eleven ở đây còn trở thành nơi nhất định phải ghé đối với khách du lịch nước ngoài khi đặt chân tới xứ sở hoa anh đào.

Hiện tại, Seven & i đang hợp tác với nhà cung cấp Warabeya Nichiyo Holdings để mang đến những thực đơn đa dạng hơn tại Mỹ, bao gồm sliders, bánh mì nướng kiểu Pháp và sandwich gà, theo CEO Ryuichi Isaka. "Chúng tôi tin rằng cần thay đổi mô hình kinh doanh ở nước ngoài, từ việc phụ thuộc vào xăng dầu và thuốc lá sang việc khách hàng chọn chúng tôi vì sản phẩm hấp dẫn. Chìa khóa cho sự thay đổi này chính là thực phẩm tươi ngon”, ông Isaka phân tích.

Tin liên quan

2 nhà máy ngừng hoạt động, Thép Pomina lỗ 9 quý liên tiếp

2 nhà máy ngừng hoạt động, Thép Pomina lỗ 9 quý liên tiếp

Thép Pomina cho biết, việc thua lỗ là do nhà máy Thép Pomina 3 và Pomina 1 ngưng hoạt động nhưng vẫn phải gánh chịu chi phí như chi phí quản lý, chi phí lãi vay. Để khắc phục tình trạng này, công ty cũng đang tìm kiếm nhà đầu tư để tái cấu trúc lại để có thể sản xuất lại trong thời gian sớm nhất...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.