Thực phẩm Sao Ta (FMC): Doanh thu lập kỷ lục, đã trích trước chi phí thuế chống bán phá giá

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC) đã hoàn thành 107% mục tiêu doanh thu cả năm; trong đó, doanh thu quý 3/2024 ở mức cao nhất lịch sử hoạt động.
Doanh thu quý 3/2024 của Thực phẩm Sao Ta đã đạt mức cao nhất từ trước đến nay.

Kết thúc quý 3/2024, Công ty Cổ phần Thực phẩm Sao Ta (mã cổ phiếu FMC - sàn HoSE) ghi nhận doanh thu thuần tăng tới 59% so với cùng kỳ năm trước, đạt 2.845 tỷ đồng. Đây cũng là mức doanh thu theo quý cao nhất trong lịch sử hoạt động của doanh nghiệp này. Đồng thời, biên lợi nhuận gộp của công ty cũng được cải thiện lên mức 10,8%.

Tương ứng với sự mở rộng trong hoạt động kinh doanh, Thực phẩm Sao Ta cũng ghi nhận sự tăng vọt của các khoản chi phí. Trong đó, chi phí bán hàng tăng mạnh nhất 150% lên gần 169 tỷ đồng.

Kết quả, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận khoảng 95 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 6% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận theo quý cao thứ ba trong lịch sử hoạt động của công ty.

Ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cũng chia sẻ, do giá nguyên vật liệu tăng đột biến ở cuối quý 3/2024 làm cho việc trả nợ các đơn hàng không đạt hiệu quả như mong muốn.

Từ giữa tháng 8/2024, giá tôm thương phẩm đã bất ngờ bật tăng mạnh do tình trạng dịch bệnh trên tôm diễn biến phức tạp. Thông thường hàng năm, thời gian này là cao điểm thu hoạch tôm nuôi nên mặt bằng giá sẽ ở mức thấp. Diễn biến năm nay đã khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó trong việc đảm bảo nguồn cung nguyên liệu đầu vào.

Đối với các khoản chi phí, ban lãnh đạo Thực phẩm Sao Ta cho biết, chi phí bán hàng tăng vọt do cước vận chuyển đang giai đoạn tăng cao. Đồng thời công ty trích trước chi phí thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) trên doanh thu bán hàng sang Mỹ để tránh rủi ro thị trường này đang giai đoạn xem xét hồ sơ.

Giá cổ phiếu FMC Thực phẩm Sao Ta
Khối lượng giao dịch và xu hướng giá cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

Hiện Thực phẩm Sao Ta đang chờ một số thông báo từ Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) liên quan đến vụ việc trên. Công ty cho biết do thị trường Mỹ tiềm ẩn nhiều rủi ro nên từ năm 2020 đến nay, công ty đã có sách lược thị trường phù hợp để giảm thiểu rủi ro, bao gồm việc chuyển hướng sang khai thác thị trường Nhật Bản.

Trong năm 2023, Nhật Bản đã trở thành thị trường lớn nhất, chiếm 45% tổng doanh thu xuất khẩu của Thực phẩm Sao Ta. Theo sau là thị trường Mỹ (30%), EU (7%), Australia (chiếm 7%), Hàn Quốc (6%)…

Việc tập trung vào thị trường Nhật Bản cho phép Thực phẩm Sao Ta phát huy tối đa thế mạnh về các dòng sản phẩm cao cấp, chế biến sâu và giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh nhờ  vị trí địa lý gần và không cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm tôm giá rẻ của Ấn Độ, Ecuador.

Luỹ kế 9 tháng đầu năm nay, Thực phẩm Sao Ta ghi nhận doanh thu 5.549 tỷ đồng và 232 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lần lượt tăng 45% và 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Qua đó, hoàn thành 107% mục tiêu doanh thu và 73% mục tiêu lợi nhuận cả năm nay.

Tính đến cuối quý 3/2024, Thực phẩm Sao Ta đã trích trước 49,4 tỷ đồng chi phí thuế chống bán phá giá và 23,2 tỷ đồng chi phí thuế chống trợ cấp. 

Ngân hàng vẫn “ép” khách vay mua bảo hiểm

Ngân hàng vẫn “ép” khách vay mua bảo hiểm

Mặc dù các quy định pháp luật đã nghiêm cấm việc ngân hàng “ép” khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn nhưng tình trạng này vẫn “âm thầm” diễn ra, gây bức xúc cho người dân. Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc ngân hàng và bảo hiểm “ai về nhà nấy”.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.