TikTok vẫn cứng rắn trước các áp lực từ Mỹ

Theo các nguồn tin mà Reuters thu thập được, chủ sở hữu của TikTok có ý định thà chấp nhận ngừng mọi hoạt động tại thị trường Mỹ còn hơn là phải bán ứng dụng cho một doanh nghiệp địa phương…
 

Chủ sở hữu TikTok, công ty công nghệ Trung Quốc ByteDance sẵn sàng đóng cửa ứng dụng của mình tại Mỹ và chấp nhận thua lỗ còn hơn là phải bán nó cho một doanh nghiệp Mỹ, 4 nguồn tin quen thuộc với vấn đề tiết lộ với Reuters.

Lựa chọn này sẽ được đưa ra nếu công ty dùng hết các khả năng pháp lý của mình để chống lại luật cấm nền tảng ở Mỹ.

KHÔNG CHỊU “BÁN MÌNH”

Bytedance vào cuối ngày 25/4 đã có một tuyên bố trên Toutiao - nền tảng truyền thông mà công ty sở hữu - rằng họ không có kế hoạch bán TikTok. Động thái này đáp lại một bài báo của The Information cho rằng ByteDance đang khám phá các kịch bản bán hoạt động kinh doanh của TikTok tại Mỹ mà không kèm thuật toán (algorithm) gợi ý video cho người dùng như trước.

Trước đó hôm 24/4, giám đốc điều hành của TikTok, Shou Zi Chew cũng chia sẻ với báo giới rằng công ty hy vọng sẽ chiến thắng trong các phản ứng pháp lý của riêng mình nhằm ngăn chặn chính phủ Mỹ ký đạo luật cấm ứng dụng TikTok. Hiện tại, TikTok có hơn 170 triệu người sử dụng tại Mỹ.

Dự luật cấm TikTok mà Thượng viện Mỹ thông qua với tỷ lệ áp đảo vào 23/4, được thúc đẩy bởi những lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc có thể truy cập dữ liệu của người dùng Mỹ hoặc sử dụng ứng dụng này để theo dõi người dùng.

Chính phủ Mỹ đã đặt ra yêu cầu Bytedance phải bán ứng dụng TikTok cho một doanh nghiệp Mỹ nếu muốn tiếp tục hoạt động ở nước này. Thời hạn được đưa ra là vào ngày 19/1/2025 - một ngày trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden kết thúc - nhưng cũng có thể gia hạn thêm ba tháng nếu xác định rằng ByteDance đang có tiến bộ trong các cuộc đàm phán.

Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết việc ngừng hoạt động tại Mỹ sẽ chỉ có ảnh hưởng hạn chế đến ByteDance bởi TikTok Mỹ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh thu và tổng số người dùng hàng ngày của công ty. Vì vậy, công ty mẹ thà đóng cửa ứng dụng này ở Mỹ trong trường hợp xấu nhất còn hơn là bán nó cho doanh nghiệp khác.

shou-zi-chew-testifies-house-hearing-gettyimages-1475626519-h-2024-1859.jpg
CEO TikTok Shou Zi Chew trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ diễn ra vào tháng 3/2023

Trên thực tế, ByteDance không tiết lộ công khai hiệu quả tài chính hay chi tiết tài chính của bất kỳ đơn vị nào của công ty. Nhưng một số nguồn tin riêng biệt cho hay, công ty kiếm phần lớn được phần lớn lợi nhuận ở Trung Quốc, chủ yếu từ các ứng dụng khác như Douyin (phiên bản TikTok của Trung Quốc). Vào năm 2023, thị trường Mỹ chỉ mang về khoảng 25% tổng doanh thu của Bytedance.

Reuters cũng đã trực tiếp phỏng vấn các chuyên gia từ hơn 10 ngân hàng đầu tư và họ đều nói rằng thật khó để định giá TikTok so với các đối thủ Mỹ như Facebook hay Snap vì thông tin tài chính của TikTok không được phổ biến rộng rãi cũng như không dễ để truy cập được.

Tuy nhiên, 2 trong số 4 nguồn tin mà Reuters tiếp cận có chia sẻ rằng doanh thu năm 2023 của ByteDance đã tăng lên gần 120 tỷ USD từ mức 80 tỷ USD vào năm 2022. Trong khi đó, người dùng hoạt động hàng ngày của TikTok ở Mỹ cũng chỉ chiếm khoảng 5% DAU (Daily Active Users) của ByteDance trên toàn thế giới.

THUẬT TOÁN CỐT LÕI

Các thuật toán mà TikTok dựa vào để vận hành được coi là cốt lõi đối với hoạt động tổng thể của ByteDance, điều này sẽ khiến việc bán ứng dụng rất khó xảy ra, các nguồn tin thân cận với công ty mẹ cho biết.

Nhưng cũng không thể loại bỏ các thuật toán khỏi TikTok vì giấy phép sở hữu trí tuệ được đăng ký theo ByteDance ở Trung Quốc và do đó rất khó để tách khỏi công ty mẹ. Hơn nữa, việc tách các thuật toán khỏi tài sản của TikTok tại Mỹ sẽ là một thủ tục cực kỳ phức tạp và ByteDance hoàn toàn không muốn phải tính đến lựa chọn đó.

Và tất nhiên, Bytedance cũng sẽ không bao giờ đồng ý bán một trong những tài sản giá trị nhất của mình - thuật toán TikTok - cho các đối thủ nước ngoài. Bởi có nhiều ý kiến chuyên gia trong ngành cho rằng thuật toán của Bytedance thậm chí còn vượt trội hơn so với các đối thủ lớn khác như Tencent hay Xiaohongshu.

im2w6d5vf5okzi7tsrk73q67tejpgavif-7525.jpeg
TikTok chia sẻ các thuật toán cốt lõi tương tự với ứng dụng nội địa của ByteDance - Douyin.

Vào năm 2020, chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã tìm cách cấm TikTok và WeChat Trung Quốc hoạt động trong lãnh thổ nước Mỹ nhưng bị Toà án Liên bang bác bỏ. Cho đến nay, ứng dụng TikTok đã phải đối mặt với các hạn chế và nhiều nỗ lực ban hành lệnh cấm ở cả Mỹ và một số quốc gia khác.

Tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 3/2023, đại diện của Bytedance cho biết họ sẽ từ chối việc buộc phải thoái vốn khỏi ứng dụng TikTok.

Ngay sau đó, trong một cuộc họp báo tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc cũng nhấn mạnh rằng chính phủ Trung Quốc sẽ kiên quyết phản đối việc Mỹ ép Bytedance phải bán TikTok. “Việc bán hoặc thoái vốn tại TikTok liên quan đến xuất khẩu công nghệ và phải trải qua các thủ tục cấp phép hành chính theo luật pháp và quy định của Trung Quốc”, đại diện chính phủ Trung Quốc tuyên bố.

Trung Quốc vào năm 2020 đã công bố Luật Kiểm soát Xuất khẩu, đồng thời mở rộng định nghĩa về các mặt hàng bị kiểm soát trong điều luật từ các dự thảo trước đó. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, việc sửa đổi và mở rộng để đảm bảo rằng xuất khẩu thuật toán, mã nguồn và dữ liệu tương tự cũng phải tuân theo đúng quy trình phê duyệt.

Bên cạnh các thuật toán, tài sản chính của TikTok còn bao gồm dữ liệu người dùng cũng như hệ thống hoạt động và quản lý sản phẩm/dịch vụ. Nhưng Bytedance vẫn khó có thể thu hút được bất kỳ người mua tiềm năng nào tại Mỹ đối với các tài sản khác ngoài thuật toán, 4 nguồn tin lưu ý với Reuters.

Trước đây, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin từng bày tỏ sự quan tâm đến việc tập hợp một nhóm nhà đầu tư để mua lại TikTok.

Vào tháng 12/2023, Bytedance, khi đó được định giá 268 tỷ USD, đã đưa ra đề nghị mua lại 5 tỷ USD cổ phiếu từ các nhà đầu tư dưới sự hỗ trợ của Sequoia Capital, Susquehanna International Group, KKR & Co và General Atlantic cùng nhiều công ty khác.

Cổ đông Sacombank lo lắng vì đã già, sợ không đợi được đến ngày chia cổ tức

Cổ đông Sacombank lo lắng vì đã già, sợ không đợi được đến ngày chia cổ tức

Sacombank là ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu nên chưa thể chia cổ tức. Hiện còn vấn đề liên quan đến cổ phiếu của ông Trầm Bê. Ngân hàng đã trình phương án mua lại số cổ phiếu đó từ Ngân hàng Nhà nước để bán đấu giá và xử lý dứt điểm vấn đề. Hoàn tất tái cơ cấu và xử lý xong mới được chia cổ tức...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.