Toàn cảnh Công ty Thời trang YODY bị nghi ngờ giao dịch với loạt 'doanh nghiệp ma'

Công ty Cổ phần Thời trang YODY bị thanh tra bêu tên vì không chỉ kê khai sai thuế. Ngoài ra thị trường đang nghi ngờ YODY mua hoá đơn của các "doanh nghiệp ma"...

 

Thanh kết luận của Thanh tra tỉnh Hải Dương, trong 3 năm (2020, 2021 và 2022), Công ty Cổ phần Thời trang YODY đã sử dụng hoá đơn của 65 nhà cung cấp có trạng thái “người nộp thuế ngừng hoạt động và đã đóng mã số thuế”, “người nộp thuế tạm nghỉ kinh doanh có thời hạn”, “người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đăng ký”, “người nộp thuế ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn thành thủ tục đóng mã số thuế”.

THAM VỌNG TRỞ THÀNH "KỲ LÂN" TIẾP THEO CỦA VIỆT NAM

YODY được biết đến là một thương hiệu thời trang nổi tiếng của Việt Nam. Bắt đầu từ thương hiệu thời trang Hi5 ra đời năm 2009, Hi5 được đổi tên thành YODY vào năm 2014.

Theo tìm hiểu của Thương gia, Công ty Cổ phần Thời trang YODY thành lập từ tháng 3/2017, trụ sở chính tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương. Ngành nghề kinh doanh chính là bán lẻ hàng may mặc, giày dép, hàng da và giả da trong các cửa hàng chuyên doanh.

Cổ đông sáng lập của công ty gồm 19 người, trong đó có 4 cổ đông lớn nhất chiếm tỷ lệ tới hơn 93% vốn điều lệ Nguyễn Việt Hoà (chiếm 41,5%), Nguyễn Trần Tiến (chiếm 32,1%), Nguyễn Thị Kim Thanh (chiếm 10,1%), Nguyễn Quang Thái (chiếm 10%).

Cổ đông sáng lập còn lại là: Đỗ Quang Hiếu (chiếm 0,3%), Đào Sơn Thao (chiếm 0,5%), Bùi Thị Ngân (chiếm 0,9%), Phạm Thị Dung (chiếm 0,3%), Nguyễn Thị Hương (chiếm 0,3%), Tạ Thị Mận (chiếm 0,2%), Nguyễn Văn Ánh (chiếm 0,1%), Vũ Thị Hồng Nhung (chiếm 0,3%), Nguyễn Anh Tuấn (chiếm 0,1%), Nguyễn Ngọc Hoa (chiếm 0,07%), Lê Thị Thuỷ (chiếm 0,1%), Nguyễn Thị Ngọc (chiếm 0,1%), Nguyễn Thị Thanh Huế (chiếm 0,07%), Bùi Thị Mỹ Hạnh (chiếm 0,3%), Nguyễn Thị Tâm (chiếm 2,1%).

Sau đó, cổ đông của công ty này đã có sự thay đổi, khi ông Đào Sơn Thao và nguyễn Thị Ngọc đã rời khỏi YODY, còn ông Nguyễn Trần Tiến giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 26,6%, ông Nguyễn Quang Thái và Nguyễn Thị Tâm tăng tỷ lệ lần lượt lên 15% và 2,1%. Các cổ đông khác giữ nguyên cổ phần.

Theo nội dung đăng ký thay đổi mới nhất vào tháng 10/2022, vốn điều lệ của Thời trang YODY tăng từ 450 tỷ lên 452 tỷ đồng. Tổng giám đốc, kiêm người đại diện pháp luật chính là cổ đông lớn nhất của công ty - ông Nguyễn Việt Hoà (sinh năm 1984).

Toàn cảnh Công ty Thời trang YODY bị nghi ngờ giao dịch với loạt 'doanh nghiệp ma'
Bài viết quảng cáo của Thời trang YODY trên website chính thức của thương hiệu này

Như đã nêu, đồng hành xây dựng YODY cùng với ông Nguyễn Việt Hoà là ông Nguyễn Trần Tiến (sinh năm 1982). Vị này là Giám đốc Công ty TNHH Hoà Tiến.

Được biết, Công ty TNHH Hoà Tiến cũng là doanh nghiệp do ông Hoà và ông Tiến thành lập từ năm 2010. Công ty có địa chỉ tại thành phố Hải Dương, tỉnh Hải Dương và người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Trần Tiến. Ngành nghề chính của công ty là may trang phục, bán lẻ may mặc, giày dép, hàng da...

Theo chia sẻ với báo chí, ông Hoà cho biết: "Chúng tôi cũng có mơ ước trở thành một phần nào đó, hoặc đóng góp vào việc thay đổi góc nhìn của thế giới về ngành thời trang của Việt Nam, có những thương hiệu toàn cầu có giá trị".

Quay lại với YODY, tham vọng của ông Hoà và ông Tiến là xây dựng thương hiệu thời trang YODY xây dựng một thương hiệu thời trang của Việt Nam đạt chất lượng cao, vừa phục vụ người Việt, vừa đi ra khắp thế giới.

Theo lời giới thiệu từ website chính thức của Công ty Cổ phần Thời trang YODY, sau 9 năm xuất hiện trên thị trường, hiện YODY đã chính thức vượt qua mốc 250 cửa hàng trên khắp Việt Nam, khẳng định vị thế là một trong những thương hiệu thời trang hàng đầu của đất nước.

"Hành trình 9 năm không ngừng phát triển của YODY đã chinh phục thành công 55 tỉnh thành với cam kết không ngừng về chất lượng sản phẩm và dịch vụ chăm sóc tận tâm đến tay khách hàng từ mọi miền và thậm chí trên thế giới", YODY cho biết.

Các sản phẩm của thương hiệu này có thiết kế khá đơn giản, phổ biến với giá thành từ vài trăm nghìn tới hơn 1 triệu đồng, nên thu hút được rất nhiều khách hàng trên khắp cả nước.

Hiện nay, fanpage của thời trang YODY tới có 1,1 triệu người theo dõi trên facebook, 343.000 lượt follow trên TikTok, với 463.000 lượt thích. Không chỉ vậy, thương hiệu thời trang này còn không ngại chi tiền để mời hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng để quảng bá sản phẩm như Đông Nhi - Ông Cao Thắng, Nhã Phương, Trường Giang, diễn viên Hồng Diễm, Việt Anh...

Được biết, YODY đặt mục tiêu đến năm 2025 là công ty thời trang số 1 Việt Nam, đồng thời IPO và trở thành "kỳ lân" tiếp theo của Việt Nam. Tầm nhìn là đến năm 2038 trở thành công ty thời trang số 1 thế giới.

KÊ SAI THUẾ VÀ "TUYỆT CHIÊU" CHI PHÍ BÁN HÀNG

Mặc dù đặt mục tiêu trở thành thương hiệu thời trang hàng đầu của Việt Nam nhưng YODY lại liên tục bị các cơ quan chức năng xử phạt.

Đầu tiên là bị xử phạt vì vi phạm về nhãn hàng hóa. Vào tháng 9/2021, Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định xử phạt Công ty Cổ phần Thời trang YODY 17,5 triệu đồng vì có hành vi kinh doanh vi phạm về nhãn hàng hóa.

Cụ thể, khi tiến hành kiểm tra địa điểm kinh doanh YODY Hương Khê tại số 376 Trần Phú (thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, Hà Tĩnh), Đội Quản lý thị trường số 3 của tỉnh đã phát hiện tại đây đang bày bán 119 chiếc quần jean nữ, tổng giá trị là 58.481.000 đồng. Toàn bộ số hàng hóa trên do Việt Nam sản xuất và có hóa đơn chứng từ đầy đủ nhưng vi phạm quy định về nhãn hàng hóa.

Đến năm 2023, Công ty cổ phần Thời trang Yody tiếp tục khiến dư luận “dậy sóng” khi dùng bản đồ không có Hoàng Sa, Trường Sa. Cụ thể, ngày 4/4/2023, YODY đã chia sẻ một video có sử dụng bản đồ Việt Nam lên 53 tài khoản fanpage Facebook, nhưng lại thiếu hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Thậm chí, khi xem được video, cộng đồng mạng còn đòi "tẩy chay" YODY vì sử dụng bản đồ sai lệch chủ quyền Việt Nam. Vì hành vi này, Thời trang Yody bị phạt 15 triệu đồng.

Và đến thời điểm hiện tại, YODY lại tiếp tục khiến khách hàng thất vọng khi bị Thanh tra tỉnh Hải Dương "vạch tội", phạt và truy thu thuế hơn 1 tỷ đồng. Nguyên nhân là do doanh nghiệp này khai sai thuế dẫn đến nộp thiếu số tiền thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp trong 3 năm, từ năm 2020, 2021 và 2022.

Chưa hết, trong kết luận còn thấy Công ty Thời trang YODY còn giao dịch với một loạt công ty đã ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động hoặc đã đóng mã số thuế... Nội dung này đã được Thương gia đăng tải trong bài "?

Nói thêm về 3 năm kê khai sai thuế của YODY. Trong báo cáo tài chính của công ty này cũng có một yếu tố rất nổi bật. Đó là việc ghi nhận lợi nhuận khiêm tốn, không bắt kịp tốc độ tăng của doanh thu.

Cụ thể, doanh thu về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2020 có vỏn vẹn 118 tỷ đồng thì năm 2021 đã vọt lên 1.094 tỷ đồng.

Doanh thu tăng gấp hơn 29 lần sau 2 năm. Tuy nhiên, lợi nhuận YODY lại chỉ ghi nhận gần 3 tỷ đồng (2020); 11 tỷ đồng (2021). Tương đương tỷ suất lợi nhuận giảm từ 2,54% xuống 1%, con số thấp đến ngạc nhiên đối với một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thời trang. Cũng theo báo cáo tài chính của YODY, tỷ suất lợi nhuận trên là kết quả của việc chi phí bán hàng khổng lồ.

Mặc dù lợi nhuận và doanh thu của năm 2022 đã cùng nhịp, tuy nhiên với loạt sự việc như trên, giới đầu tư vẫn đánh giá con đường tới mục tiêu IPO và trở thành "kỳ lân" của YODY đang khá khó khăn.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.