Trong năm 2024, kinh tế được kỳ vọng kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn ở mức 6 - 6,5%, theo đó nhu cầu điện được dự báo sẽ tiếp tục tăng lên 10 -11%...
Công ty Chứng khoán VPBank (VPBankS Research) mới đây đã công bố báo cáo cập nhật ngành điện quý 1/2024 với diễn biến trái chiều giữa lợi nhuận và sản lượng điện. Về triển vọng, VPBankS Research nhận định nhóm ngành này sẽ có những tín hiệu lạc quan trong thời gian tới khi dự báo nhu cầu điện tiếp tục tăng lên.
SẢN LƯỢNG TĂNG, DOANH THU GIẢM
Theo báo cáo của VPBankS Research, trong quý 1/2024, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu đạt 69,4 tỷ kWh, tăng 11,8% so với cùng kỳ. Trong đó, sản lượng điện than đạt xấp xỉ 40,0 tỷ kWh, tăng mạnh 42,7% và chiếm 57,6% tổng sản lượng. Trái lại, sản lượng thủy điện đạt 10,6 tỷ kWh, giảm 30,9% do ảnh hưởng của El Nino và để dành cho những tháng nóng cao điểm cuối mùa khô do lo ngại nguồn cung điện gặp khó cho các tỉnh miền Bắc.
Tương tự, sản lượng điện khí đạt 6,06 tỷ kWh, giảm 15,1% do nguồn khí thiếu ổn định và giá khí trong nước ở mức cao, tính cạnh tranh thấp. Ở chiều ngược lại, sản lượng điện năng lượng tái tạo tăng 12,0% lên 11,45 tỷ kWh, trong đó điện gió đạt 4,43 tỷ kWh và điện mặt trời đạt 6,61 tỷ kWh, lần lượt tăng 27,7% và 2,5% so với cùng kỳ năm trước.
Theo điều độ hệ thống, công suất nguồn điện đến tháng 5/2024 đạt 87.390MW, tăng thêm 6.840 MW so với cuối năm 2023, chủ yếu tập trung các nhà máy điện than, thủy điện và năng lượng tái tạo.
Xét về cơ cấu, nhiệt điện than chiếm chi phối với 34% tổng công suất đặt, thủy điện xếp thứ 2 với 27,5%. Năng lượng tái tạo đạt 26,7% và xếp thứ 3, còn điện khí dầu xếp thứ 4, tương ứng 10,7% tổng công suất đặt của hệ thống.
Trong khi sản lượng điện toàn hệ thống tăng, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp ngành điện lại có xu hướng giảm. Theo báo cáo của VPBankS Research, doanh thu của các doanh nghiệp điện trong quý 1/2024 giảm 7,9%, đặc biệt lợi nhuận trước thuế giảm 66,8% và có sự phân hóa lớn trong nhóm các doanh nghiệp thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí. Chủ yếu do các nguyên nhân sau:
Trước hết, giá thị trường điện điều chỉnh giảm 11,2% so với năm 2023, trong khi tỷ lệ điện hợp đồng Qc tăng lên mức 98%.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp thủy điện chịu ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng El Nino, dẫn đến lượng nước về hồ thấp. Đồng thời, các nhà máy phải trữ nước để dành cho mùa nắng nóng, khiến sản lượng điện giảm mặc dù tỷ lệ Qc vẫn cao (98%).
Ngược lại, các doanh nghiệp nhiệt điện than lại có kết quả kinh doanh khả quan nhờ giá cạnh tranh tốt và được huy động sản lượng cao, như QTP, HND, PPC. Trong khi đó, các doanh nghiệp nhiệt điện khí lại gặp khó khăn do giá khí cao và tình trạng thiếu khí cục bộ, được huy động thấp nên kết quả kinh doanh suy giảm, như PGV, POW, NT2, BTP.
Về mặt định giá, VPBankS Research cho rằng P/E các doanh nghiệp ngành điện (bao gồm phát điện và phân phối điện) đang được định giá cao hơn trung bình thị trường, P/E ngành điện ở mức 22.3 lần, trong khi VN-Index là 14,2 lần. Mức P/E ngành điện diễn biến cao hơn từ đầu năm 2024, và tăng nhanh khi lũy kế kết quả kinh doanh quý 1/2024.
Theo P/B, mức định giá doanh nghiệp ngành điện đang tương đương thị trường, ở mức 1,72 lần so với 1,76 lần toàn thị trường. Còn theo EV/EBITDA,các doanh nghiệp ngành điện được định giá thận trọng hơn với mức 8,8 lần so với 16,3 lần của thị trường.
KỲ VỌNG BỪNG SÁNG
Về triển vọng nhóm ngành điện, đội ngũ phân tích VPBankS Research cho rằng nhóm ngành này sẽ có những tín hiệu lạc quan trong những tháng tiếp theo khi dự báo nhu cầu điện tiếp tục tăng lên.
Cụ thể, Bộ Công thương và EVN vừa thực hiện điều chỉnh phương án nhu cầu điện tăng thêm 1,25% so với kế hoạch đầu năm, đưa tổng nhu cầu điện lên 310,6 tỷ kWh, tăng 10,68% so với 2023.
Về cơ hội, nền kinh tế được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ từ 6 – 6,5%, tạo điều kiện thuận lợi cho ngành điện. Bên cạnh đó, công suất nguồn dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 3.500MW từ các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là dự án điện khí LNG lần đầu tiên.
Đồng thời, đầu tư vào hạ tầng truyền tải cũng được kỳ vọng sẽ đáp ứng được nhu cầu điện tại khu vực miền Bắc trong mùa khô và nắng nóng.
Cơ chế giá điện cho dự án điện khí nhập khẩu LNG và giá điện cho năng lượng tái tạo đang được hoàn thiện, cùng với kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, tập trung vào các dự án điện giai đoạn 2021 - 2030, càng làm tăng thêm triển vọng tích cực cho ngành điện.
Tuy nhiên, thách thức vẫn tồn tại khi thủy điện vẫn phải đối mặt với thách thức từ hiện tượng El Nino, gây thiếu hụt nguồn nước ít nhất là đến hết nửa đầu năm 2024.
Ngoài ra, tình hình tài chính của EVN gặp khó khăn có thể tác động tiêu cực đến các dự án đầu tư và các doanh nghiệp phát điện. Dù vậy, với nhu cầu điện dự báo sẽ tăng từ 10-11%, ngành điện vẫn được kỳ vọng sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
Về cổ phiếu nhóm ngành điện tiềm năng, VPBankS Research có quan điểm tích cực đối với cổ phiếu POW nhờ động lực tăng trưởng ngắn hạn trong năm 2024 đến từ tổ máy S1 nhà máy Vũng Áng đã hoạt động trở lại và các nhà máy điện khí hoàn thành bảo dưỡng sẽ gia tăng sản lượng phát điện, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.
Trong dài hạn, dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và 4 tiếp tục là động lực phát triển của POW giai đoạn 2025 - 2026, khi đóng góp thêm 1.500 MW (tăng 36% công suất) và 9.200 triệu kWh (tăng 45% sản lượng điện).
Một cổ phiếu ngành điện khác cũng được đánh giá tích cực là REE với điểm nhấn lĩnh vực bất động sản của công ty sẽ bù đắp sự suy giảm từ lĩnh vực thuỷ điện. Theo đó, dự án Etown6 đang trong giai đoạn hoàn thiện và sẽ bàn giao mặt bằng cho khách hàng thuê từ đầu quý 2/2024.
Bên cạnh đó, bất động sản thương mại đóng góp từ dự án The Light Square với doanh thu khoảng 1.100 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế khoảng 250 tỷ đồng.
Trong ngắn hạn, lĩnh vực điện năng của REE được VPBankS Research kỳ vọng hoạt động ổn định và sẽ quay về mức thuận lợi khi El Nino được dự báo kết thúc trong nửa đầu năm 2024.
Trong trung và dài hạn, REE đang cùng các đối tác tìm kiếm đầu tư các dự án năng lượng tái tạo (điện gió gần bờ) với quy mô từ 1.800 - 2.000MW. Tiếp tục là đơn vị tiên phong trong phát triển năng lượng tái tạo.
Đối với PC1, VPBanS Research cho rằng doanh nghiệp này sẽ có sự hồi phục trong lĩnh vực xây lắp và sản xuất công nghiệp ngành điện từ năm 2024 trở đi với các dự án lưới truyền tải.
Song song với đó, các lĩnh vực khác như bất động sản khu công nghiệp, khoản đầu tư vào Western Pacific và khai thác khoáng sản tiếp tục đóng góp lợi nhuận khả quan cho doanh nghiệp.
Cuối cùng, cổ phiếu QTP cũng được khuyến nghị khả quan do sản lượng điện sản xuất đạt mức cao với với 7,73 tỷ kWh, trong khi đó chi phí sản xuất tiếp tục giảm.
Bên cạnh đó, đây là doanh nghiệp thường xuyên chi trả cổ tức tiền mặt ở mức hấp dẫn, từ1.000 - 1.500 đồng/cổ phiếu. Theo đó lợi suất cổ tức có thể đạt mức 8%-10%/năm.
Mạnh Duy