Một công ty có liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Tạo vừa đăng ký mua vào gần 38 triệu cổ phiếu ITA nhằm nâng mạnh tỷ lệ chi phối tại tập đoàn này.
Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Phát triển Tân Đông Phương - tổ chức liên quan đến bà Đặng Thị Hoàng Yến - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (Tập đoàn Tân Tạo, mã cổ phiếu ITA - sàn HoSE) vừa đăng ký mua vào gần 38 triệu cổ phiếu ITA.
Giao dịch dự kiến được thực hiện từ ngày 27/5 - 25/6/2024. Qua đó, nâng tỷ lệ sở hữu của Tân Đông Phương tại Tập đoàn Tân Tạo từ 7,79% lên 11,84%, tương đương 111,09 triệu cổ phiếu.
Trong ngày hôm nay, cổ phiếu ITA có giá tham chiếu tại mức 5.590 đồng/cổ phiếu. Tạm ước tính theo mức giá này thì Tân Đông Phương sẽ phải bỏ ra khoảng 212 tỷ đồng để thực hiện giao dịch trên.
Xét về hoạt động kinh doanh, trong quý 1/2024, Tập đoàn Tân Tạo ghi nhận doanh thu thuần đạt 71,4 tỷ đồng, tăng 16% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu cho thuê hoạt động nhà xưởng, kho bãi và đất chiếm 52%, đạt 37 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Theo sau là doanh thu cung cấp dịch vụ (chiếm 42%) đạt 29,8 tỷ đồng và doanh thu cho thuê nhà đất đã phát triển cơ sở hạ tầng (chiếm 7%) đạt 5,4 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong quý 1/2024, Tập đoàn Tân Tạo còn ghi nhận thêm doanh thu bán đất nền (4,9 tỷ đồng) trong khi cùng kỳ không ghi nhận doanh thu từ hoạt động này.
Sau khi trừ các khoản chi phí phát sinh trong hoạt động kinh doanh, Tập đoàn Tân Tạo thu về 20,2 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 33% so với cùng kỳ năm trước.
Tính đến cuối quý 1/2024, tổng tài sản của Tập đoàn Tân Tạo đạt 12.142 tỷ đồng, tương đương với hồi đầu năm. Trong đó, hàng tồn kho đạt 3.581 tỷ đồng, biến động không đáng kể so với hồi đầu năm, chủ yếu nằm tại Khu E-City Tân Đức (2.517 tỷ đồng).
Về phía nguồn vốn, tại ngày 31/3/2024, nợ phải trả của Tập đoàn Tân Tạo đạt 1.820 tỷ đồng, tăng nhẹ so với hồi đầu năm, chiếm phần lớn là chi phí phải trả ngắn hạn (740 tỷ đồng). Trong đó, chi phí xây dựng con đường dự án E-City đạt gần 519 tỷ đồng.
Xem thêm: Doanh nghiệp khu công nghiệp nào hưởng lợi nhất từ dòng vốn FDI “thế hệ mới”? trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Tập đoàn Tân Tạo được thành lập từ năm 1993 với hoạt động kinh doanh chính là đầu tư và khai thác thương mại bất động sản khu công nghiệp. Trong thời gian tới, Tập đoàn Tân Tạo kỳ vọng lĩnh vực kinh doanh này có thể được hưởng lợi từ làn sóng FDI từ Trung Quốc sang Việt Nam khi sở hữu hàng loạt khu công nghiệp được các nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm như Khu công nghiệp Tân Đức, Khu công nghiệp Tân Tạo, Khu công nghiệp Tân Tạo – Long An.
Theo Tập đoàn Tân Tạo, hiện nay các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Daiwa House (Nhật Bản), JD Logistics (Trung Quốc) và Tập đoàn Masan (Việt Nam) đều đã triển khai dự án tại Khu công nghiệp Tân Đức do Tập đoàn Tân Tạo làm chủ đầu tư.
Bên cạnh mảng kinh doanh chủ lực là khai thác khu công nghiệp, Tập đoàn Tân Tạo đã và đang mở rộng sang các mảng khác. Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023, bà Đặng Thị Hoàng Yến cho biết, công ty đang tham gia đầu tư khu công nghệ cao và dược phẩm tại Mỹ, nhằm hướng đến mục tiêu niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán New York trong giai đoạn 2025 - 2026.
Chủ tịch Tập đoàn Tân Tạo cũng đánh giá, dự án trên là khả thi khi có sự hợp tác, đồng hành của các đối tác tại Hoa Kỳ, bao gồm các trường đại học tại thung lũng Silicon.