Động thái thoái vốn đồng loạt của dàn lãnh đạo diễn ra trong bối cảnh An Phát Holdings chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024. Trên thị trường chứng khoán, phản ứng trước thông tin trên, thị giá cổ phiếu APH chịu áp lực giảm sàn, xuống còn 7.630 đồng/cổ phiếu...
Mới đây, Công ty Cổ phần Tập đoàn An Phát Holdings (mã chứng khoán: APH) đã có thông báo chốt danh sách cổ đông tham dự Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 vào ngày 9/9/2024.
Theo đó, An Phát Holdings dự kiến sẽ trình cổ đông thông qua việc thay đổi ngành nghề kinh doanhu; sửa đổi, bổ sung điều lệ và các nội dung khác trong Đại hội sắp tới. Nội dung chi tiết sẽ được công ty công bố trong những ngày tới đây.
Đáng chú ý là, sau thông báo này, hàng loạt lãnh đạo cấp cao của An Phát Holdings đồng loạt đăng ký bán cổ phiếu, hạ tỷ lệ sở hữu "về mo".
LÃNH ĐẠO RÚT VỐN TRƯỚC THỀM ĐẠI HỘI BẤT THƯỜNG
Cụ thể, Tập đoàn An Phát Holdings vừa có thông báo về việc Chủ tịch Hội đồng quản trị Phạm Ánh Dương đã đăng ký bán ra toàn bộ số cổ phiếu APH đang nắm giữ là 11,87 triệu cổ phiếu APH, tương đương 4,87% vốn tại An Phát Holdings.
Mục đích thực hiện giao dịch trên nhằm “tái cơ cấu danh mục đầu tư”. Thời gian thực hiện giao dịch dự kiến từ ngày 27/8 đến 25/9/2024 theo hình thức thoả thuận/khớp lệnh. Nếu giao dịch trên diễn ra thành công, ông Phạm Ánh Dương sẽ không còn sở hữu bất kỳ cổ phiếu APH nữa. Ước tính, thương vụ này sẽ mang về cho Chủ tịch An Phát Holdings khoảng 90,9 tỷ đồng.
Trước ông Dương, hàng loạt lãnh đạo cấp cao đồng loạt rút vốn khỏi An Phát Holdings. Điển hình như bà Hòa Thị Thu Hà, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Tài chính và bà Trần Thị Thoản, Thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc đều đăng ký bán sạch 500.000 cổ phiếu, tương ứng 0,21% vốn, đưa tỷ lệ sở hữu về còn 0%.
Tương tự, Tổng Giám đốc Phạm Đỗ Huy Cường cũng đăng ký bán 1.875.000 cổ phiếu, tương đương 0,77% vốn điều lệ, hạ tỷ lệ sở hữu về còn 0,46%. Bà Nguyễn Thị Tiện, Thành viên Hội đồng quản trị bán ra 875.000 cổ phiếu, tức 0,36% vốn An Phát Holdings, xuống còn 0,05%. Tính chung lại, nhóm lãnh đạo nêu trên đã rút tổng cộng 6,42 vốn điều lệ An Phát Holdings.
Trên thị trường chứng khoán, phản ứng trước thông tin thoái vốn của bộ máy nhân sự cấp cao, thị giá cổ phiếu APH chịu áp lực giảm mạnh, mất 6,59%, còn 7.630 đồng/cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 23/8. Theo đó, vốn hóa của An Phát Holdings giảm xuống còn 1.860 tỷ đồng. Không chỉ APH, phiên 23/8 cũng ghi nhận cổ phiếu của thành viên tập đoàn giảm giá, bao gồm NHH (-6,3%), AAA (-2,8%), HII (-2,2%).
VỐN ĐIỀU LỆ TĂNG “CHÓNG MẶT”
Nói đến Tập đoàn An Phát Holdings, người ta nhớ đến câu chuyện của một doanh nghiệp “lớn nhanh như thổi" với vốn điều lệ tăng vọt từ 15 tỷ đồng lên hơn 1.200 tỷ đồng trong chưa đầy một năm kể từ khi thành lập.
Trở về tháng 3/2017, Công ty Cổ phần An Phát Holdings - tiền thân của Tập đoàn An Phát Holdings được thành lập với vốn điều lệ 15 tỷ đồng. Sau đó, vốn điều lệ của công ty tăng vọt lên 1.241 tỷ đồng vào tháng 2/2018, tương đương tăng 82 lần sau chưa đầy một năm.
Năm 2020, An Phát Holdings niêm yết cổ phiếu APH trên sàn HOSE, trở thành doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất ngày nhựa tại thời điểm đó. Từ đó đến nay, vốn điều lệ của An Phát Holdings liên tục tăng mạnh, đạt đỉnh 2.512 tỷ đồng vào tháng 3/2022 rồi sau đó hạ xuống còn 2.438 tỷ đồng vào năm 2023.
Đáng chú ý, kể từ khi thành lập, An Phát Holdings và Nhựa An Phát Xanh (mã chứng khoán: AAA) luôn có sự liên kết mật thiết. Cụ thể, 3 thành viên góp vốn thành lập An Phát Holdings đều là người nội bộ của Nhựa An Phát Xanh vào thời điểm tháng 3/2017. Đồng thời, ông Phạm Ánh Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị An Phát Holdings cũng là Chủ tịch của Nhựa An Phát Xanh (đến tháng 6/2022, sau đó bổ nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị Nhựa An Phát Xanh cho ông Nguyễn Lê Thành Long).
Ngoài ra, cuối năm 2018, An Phát Holdings hoàn tất nâng sở hữu tại Nhựa An Phát Xanh lên 43,99% vốn điều lệ, trở thành cổ đông lớn nhất của công ty sau khi thực hiện giao dịch mua 10 triệu cổ phiếu. Sau đó, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2018 của Nhựa An Phát Xanh cũng đồng ý để An Phát Holdings nâng sở hữu lên 51% - trở thành cổ đông chi phối công ty.
Cũng trong khoảng thời gian trên, An Phát Holdings thực hiện loạt phi vụ lớn. Trong đó nổi bật là việc thâu tóm lại Công ty Cổ phần Nhựa Hà Nội từ tay Công ty TNHH MTV Cadivi Đồng Nai.
Sau đó, An Phát Holdings đã bắt tay VinFast để thành lập Công ty TNHH Linh kiện Nhựa Ô tô VinFast – An Phát (VAPA) sản xuất phụ tùng và bộ phận phụ trợ cho xe ô tô và xe có động cơ khác. Linh kiện Nhựa Ô tô VinFast – An Phát có vốn điều lệ 420 tỷ đồng do VinFast và An Phát Holdings mỗi bên góp 50%.
Liên tục tăng vốn và thực hiện các phi vụ đình đám, song tình hình kinh doanh của An Phát Holdings lại không ổn định, “lên thác xuống ghềnh” do biến động từ thị trường và hoạt động sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tại An Phát Holdings, giai đoạn 2017-2019, công ty ghi nhận bước chuyển mình lớn vào năm 2019, đẩy doanh thu tăng vọt lên 9.513 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế nhờ đó đạt 711 tỷ đồng; tăng lần lượt 3,8 lần và 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2017.
Chưa kịp vui mừng thì giá hạt nhựa giảm do ảnh hưởng bởi giá dầu, cùng việc thất thoát ở mảng bất động sản đã kéo kết quả kinh doanh của An Phát Holdings tăng trưởng âm trong cả năm 2020. Theo đó, doanh thu của công ty đạt 8.485 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 242 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm trước.
Tưởng chừng năm 2020 là năm buồn nhất lịch sử kinh doanh nhưng những năm sau đó, bức tranh tài chính của An Phát Holdings liên tục chìm trong màu buồn. Thậm chí năm 2022, lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm xuống còn 57 tỷ đồng, giảm 76% so với cùng kỳ năm 2020; riêng công ty mẹ An Phát Holdings lỗ 19 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ tăng trưởng mảng sản xuất, cải thiện thương mại và giảm các khoản chi phí, từ quý 3/2023, An Phát Holdings đã lấy lại được đà tăng trưởng.
LỢI NHUẬN SAU THUẾ CHƯA PHÂN PHỐI VẪN ÂM, CỔ PHIẾU CHƯA THOÁT DIỆN CẢNH BÁO
Trong quý 2 vừa qua, An Phát Holdings ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.252 tỷ đồng, hầu như không đổi so với quý 2/2023. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại giảm 155 tỷ đồng, lợi nhuận gộp theo đó tăng 54,4% lên 458,5 tỷ đồng.
Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng 45% lên 102 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí hoạt động tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp duy trì ở mức 91 tỷ đồng và 113 tỷ đồng, chi phí bán hàng tăng 47% lên 208 tỷ đồng.
Sau khi khấu trừ thuế phí, An Phát Holdings báo lãi hơn 109 tỷ đồng, cao gấp 11,5 lần so với quý 2/2023, tuy nhiên vẫn giảm đáng kể so với khoản lãi 133 tỷ đồng của quý 1/2024.
Theo giải trình của doanh nghiệp, trong kỳ, An Phát đã thực hiện điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm, tập trung vào các sản phẩm có biên lợi nhuận cao, khiến lợi nhuận gộp gia tăng. Bên cạnh đó, công ty được hưởng lợi từ giá nên doanh thu tăng mạnh so với cùng kỳ.
Nhiều yếu tố thuận lợi đã giúp lợi nhuận sau thuế của An Phát Holdings tăng trưởng ấn tượng trong quý 2 vừa qua, tuy nhiên một phần cũng vì mức nền lợi nhuận ở cùng kỳ năm trước tương đối thấp.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, An Phát Holdings ghi nhận doanh thu 6.640 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 242 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và tăng 438% so với nửa đầu năm 2023, tương ứng hoàn thành 47% kế hoạch doanh thu và 77% chỉ tiêu lợi nhuận đề ra tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức tháng 5 vừa qua.
Tại thời điểm ngày 30/6/2024, tổng tài sản của An Phát Holdings tăng 3,7% so với đầu năm lên 12.833 tỷ đồng, bao gồm 2.361 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, 1.417 tỷ đồng đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, 1.967 tỷ đồng các khoản phải thu ngắn hạn, 2.722 tỷ đồng tài sản cố định.
Ở bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của An Phát Holdings tăng 4,2% so với hồi đầu năm, lên 6.922 tỷ đồng, bao gồm 649 tỷ đồng phải trả người bán ngắn hạn, 184 tỷ đồng người mua trả tiền trước ngắn hạn, 1.926 tỷ đồng doanh thu chưa thực hiện dài hạn.
Ngoài ra, chiếm hơn nửa tổng nợ của An Phát Holdings là nợ vay tài chính, bao gồm 3.086 tỷ đồng vay ngắn hạn và 549 tỷ đồng vay dài hạn, phần lớn tới từ vay ngân hàng, bên cạnh 633 tỷ đồng dư nợ trái phiếu.
Vốn chủ sở hữu tính đến cuối quý 2/2024 của An Phát Holdings hiện đang ở mức 5.911,5 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đang ở mức âm gần 145 tỷ đồng.
Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính kiểm toán ghi nhận con số âm cũng là nguyên nhân khiến cổ phiếu APH của doanh nghiệp này bị đưa vào diện bị cảnh báo từ trước đó.
Hồi đầu năm 2023, An Phát Holdings ghi nhận lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 73,4 tỷ đồng nhưng đến cuối năm 2023 con số này lại ở mức âm 171 tỷ đồng.
Giải trình từ An Phát Holdings, điều này do tháng 11/2023, hai công ty con là Nhựa An Phát Xanh và Công ty Cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát (APC) đã nhận chuyển nhượng 18,3 triệu cổ phần của Công ty Cổ phần Khu công nghiệp kỹ thuật cao An Phát 1 (APC1), tương đương tỉ lệ 49%, với tổng giá phí 603 tỷ đồng.
Khoản chênh lệch 218,6 tỷ đồng giữa giá phí chuyển nhượng và phần sở hữu tăng thêm trong tài sản thuần của APC1 được ghi nhận làm giảm chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên báo cáo tài chính hợp nhất. Điều này dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phối phối đến ngày 31/12/2023 bị âm.
Nguyễn Lan