Gian nan tài chính xanh vì thiếu thông tin

Thiếu vắng các tiêu chuẩn chi tiết cùng những hạn chế về dữ liệu và báo cáo đang khiến tài chính xanh tại Việt Nam chậm lại.

Bà Lâm Thúy Nga, Giám đốc Khối Khách hàng doanh nghiệp lớn của HSBC Việt Nam, đánh giá, một trong những thách thức lớn nhất cho phát triển bền vững là Việt Nam chưa có hệ thống phân loại chi tiết tài chính bền vững để định nghĩa chính xác "xanh" và "bền vững" là gì.

Mặc dù chính phủ đang nghiên cứu khung pháp lý chính thức, ngành ngân hàng vẫn đang phải dựa vào hệ thống của nội bộ mỗi ngân hàng và phải tự giám sát liên tục.

Việc thiếu vắng những quy định rõ ràng cũng dẫn đến tâm lý chần chừ khi tiến hành dự án bền vững quy mô lớn – những dự án vốn đòi hỏi phải tuân theo một quy trình tài chính phức tạp.

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng nhà nước (NHNN) cũng nhấn mạnh, thiếu bộ tiêu chuẩn xanh ở cấp quốc gia là lý do quan trọng khiến dòng vốn khó chảy vào các dự án xanh.

Hiện chưa có quy định chung của quốc gia về tiêu chí, danh mục dự án xanh cho các ngành/lĩnh vực theo hệ thống phân ngành kinh tế, làm căn cứ để các tổ chức tín dụng xác định cấp tín dụng xanh.

“Đây cũng là lý do các nhà băng chưa có căn cứ để thống kê đầy đủ nguồn lực ngân hàng đầu tư cho lĩnh vực xanh”, bà Tùng cho biết.

Gian nan tài chính xanh vì thiếu thông tin
Thiếu các bộ tiêu chuẩn xanh khiến các tổ chức tín dụng khó khăn trong rót vốn vào các dự án xanh. Ảnh: Hoàng Anh

Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) gần đây đánh giá, ngoài vấn đề chính sách, Việt Nam cần lấp đầy khoảng trống trong vận hành. 

Khoảng trống này đến từ kinh nghiệm, chuyên môn về môi trường – xã hội – quản trị (ESG) trong nội bộ hệ thống ngân hàng còn hạn chế, thiếu hụt nhân sự chuyên trách ESG, dẫn đến khó khăn trong đánh giá, thẩm định dự án. 

Một trở ngại khác không nhỏ với tài chính xanh là hạn chế về dữ liệu và báo cáo, đại diện HSBC phân tích thêm.

Trong mắt nhà đầu tư, người tiêu dùng và cả nhân viên, báo cáo về chiến lược và hoạt động ESG cho thấy những chỉ số quan trọng phản ánh tình hình sức khỏe của doanh nghiệp và tác động mà doanh nghiệp tạo ra.

Mặc dù vậy, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp chưa có báo cáo ESG hoặc nếu có thì cũng hạn chế. Nguyên nhân là do bản thân doanh nghiệp cũng chưa hiểu rõ các yêu cầu về dữ liệu ESG.

Cùng với đó, hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khi chỉ các công ty niêm yết mới phải cung cấp thông tin chiến lược và hiệu quả hoạt động ESG trong báo cáo thường niên.

Tuy nhiên, hầu hết thông tin được cung cấp đều ở mức cơ bản, không có sự xác nhận của bên thứ ba, ngoại trừ một số lượng khiêm tốn các công ty có chứng chỉ quốc tế.

Các nhà đầu tư có thể không thể dùng thông tin đó để đánh giá mức độ áp dụng ESG của công ty, khiến họ chưa tin tưởng để đầu tư.

“Để cải thiện tình hình này, các nhà quản lý có vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn doanh nghiệp cũng như có những quy định yêu cầu nhằm tạo thêm động lực cho doanh nghiệp chú trọng hơn vào thu thập, phân tích dữ liệu và làm báo cáo chỉn chu”, bà Nga đề xuất.

Bà Nga nói thêm, để giúp chuyển dịch dòng vốn xanh và tăng cường phát triển bền vững ở Việt Nam, chính phủ cần tăng cường tính minh bạch, thắt chặt các quy định liên quan đến ESG và hạn chế độ vênh về thông tin giữa nhà đầu tư và doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ đã áp dụng việc công bố ESG tự nguyện để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài cũng như để đáp ứng các điều kiện khắt khe của một số thị trường xuất khẩu nhất định như châu Âu.

Tuy nhiên, để đạt được kết quả tích cực trên quy mô lớn, việc công bố ESG mạnh mẽ cần phải được pháp luật quy định.

Tiêu chuẩn chưa đồng bộ đang cản trở tín dụng xanh
Phân hóa khốc liệt

Phân hóa khốc liệt

Sau khi tạo đáy xấp xỉ 1.170 điểm trong phiên 23/4, VN Index đã phục hồi 80 điểm trong sự phân hóa khốc liệt đến mức… hợp lý.
Còn dư địa để hạ lãi suất điều hành

Còn dư địa để hạ lãi suất điều hành

Thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục giữ lãi suất cao cho đồng USD tới tháng 9, thậm chí sẽ không giảm lãi suất trong năm nay đã khiến đồng tiền của nhiều nước tăng tốc mất giá so với USD, chịu áp lực phải tăng lãi suất để bình ổn tỷ giá, hoãn thi hành chính sách nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên, dự báo của tổ chức Fitch Solutions cho rằng Việt Nam vẫn còn dư địa để hạ lãi suất điều hành.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.