Chia sẻ với các cổ đông, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) cho rằng, trong bối cảnh ngành dệt may khó khăn như hiện nay thì mục tiêu kinh doanh đặt ra không dễ thực hiện...
Ngày 13/5, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã chứng khoán VGT) đã tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên 2024.
Năm 2023 được đánh giá là năm đặc biệt khó khăn với những diễn biến tiêu cực của thị trường do tác động của các yếu tố kinh tế vĩ mô, xung đột địa chính trị.
Trong cả năm, ngành dệt may nói chung và Tập đoàn nói riêng phải đối mặt với tình hình nhu cầu thấp, cạnh tranh gay gắt từ các quốc gia có lợi thế về giá gia công và thời gian giao hàng. Lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam giảm trên 10%, đơn giá giảm trên 20%.
Các thị trường xuất khẩu lớn của dệt may Việt Nam đều giảm. Trong đó, xuất khẩu sang Mỹ đạt 14,9 tỷ USD, giảm 17,2%; sang Châu Âu đạt 4 tỷ USD, giảm 13,2%; sang Nhật Bản đạt 4,3 tỷ USD, giảm 1,1%. Các đơn vị ngành may trong Tập đoàn Dệt may Việt Nam liên tục thiếu đơn hàng, ngành sợi kinh doanh dưới giá thành rất sâu kể từ tháng 7/2022.
Báo cáo kết quả sản xuất kinh doanh với cổ đông, ông Cao Hữu Hiếu, Tổng Giám đốc Vinatex cho biết, doanh thu hợp nhất đạt 17.612 tỷ đồng, đạt 106,7% kế hoạch và lợi nhuận hợp nhất đạt 538 tỷ đồng, đạt 145,5% kế hoạch.
Với hoạt động của công ty mẹ, doanh thu đạt 2.008 tỷ đồng, đạt 105,7% so với kế hoạch và lợi nhuận trước thuế đạt 133 tỷ đồng, đạt 102,9% so với kế hoạch. Tập đoàn quyết định chia cổ tức 3% vốn điều lệ năm 2023.
Các nhân tố chính tác động đến kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023 gồm tổng cầu dệt may 2023 đạt 679 tỷ USD, giảm 10,3% so với 2022; sức mua hàng may mặc giảm do chính sách tiền tệ, sự không ổn định chính trị, sự không chắc chắn thị trường từ chiến tranh thương mại dẫn đến áp đặt thuế lên hàng hóa của nhau; chi phí lãi vay tăng và lỗ tỷ giá, giá điện tăng 7,5%, lương cơ sở tăng, chi phí logistics tăng; cạnh tranh gay gắt về giá với các quốc gia khác; khách hàng đưa ra nhiều yêu cầu khắt khe.
Sang quý 1/2024, doanh thu hợp nhất Tập đoàn là 4.162 tỷ đồng, đạt 23,3% kế hoạch, lợi nhuận 102 tỷ đồng, đạt 18,5% kế hoạch. Kết quả quý 1 bị ảnh hưởng mạnh bởi các yếu tố địa chính trị và chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa của Trung Quốc.
Tập đoàn cũng đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất năm nay đạt 17.900 tỷ đồng, tăng 2%, lợi nhuận 550 tỷ đồng tăng 2%. Doanh thu công ty mẹ đạt 2.070 tỷ đồng tăng 3%, lợi nhuận đạt 150 tỷ đồng, tăng 12%.
“Lợi nhuận của công ty mẹ tăng khoảng 12% là kế hoạch rất thách thức”, Tổng Giám đốc Vinatex đánh giá.
Đồng tình với ý kiến trên, Chủ tịch Vinatex Lê Tiến Trường cho biết, ngành dệt may phụ thuộc rất nhiều vào thị trường bông. Thị trường này là ngành nông nghiệp 3 tháng/lần, chỉ cần biến động thời tiết khiến không có bông thì giá có thể lên 5 – 6 USD.
“Rủi ro quá cao của thị trường. Chúng ta mới chỉ có tháng 3 và tháng 4 làm sợi không lỗ thì lại thấy tháng 6 sắp lỗ do mua bông tháng 2. Giá của bông tháng 2 khoảng 2,6 USD, hiện khách hàng đang thỏa thuận giá bông mới từ ngày 1/5 tới nay. Nên chắc chắn từ tháng 6 trở đi là khó khăn. Chính vì vậy, chúng tôi đặt kế hoạch ở mức độ nhìn phần trăm tăng trưởng thì khiêm tốn nhưng thực sự để đạt những con số này năm nay không dễ”, ông Lê Tiến Trường chia sẻ.
Ngoài ra, Vinatex cũng đưa ra đề án tái cơ cấu tập đoàn giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến đến 2030 gồm cổ phần hoá Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân để có thể chủ động tham gia hợp tác với đối tác nước ngoài trong chuỗi cung ứng sản phẩm dệt kim. Đồng thời tập đoàn đề xuất cổ phần hoá, thoái toàn bộ (chuyển nhượng) Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Phương.
Ngọc Nhi