Ngay sau khi vấn đề ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán được tháo gỡ, đồng loạt các tổ chức, quỹ đầu tư quốc tế sẵn sàng rót thêm hàng nghìn tỷ đồng tham gia đợt phát hành riêng lẻ của Công ty CP Chứng khoán Vietcap.
Theo đó, Vietcap vừa công bố nghị quyết thông qua việc triển khai phương án chào bán 143,6 triệu cổ phiếu riêng lẻ, tương đương hơn 25% số lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Với giá chào bán 28.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn khoảng 20% so với vùng giá đang giao dịch, Vietcap có thể thu về hơn 4.000 tỷ đồng để bổ sung vốn cho vay giao dịch ký quỹ (3.523 tỷ đồng) và hoạt động tự doanh (gần 500 tỷ đồng).
Thời gian chào bán dự kiến trong năm 2024-quý I/2025, sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt.
Trước đó, Vietcap cũng đã chốt danh sách cổ đông để phát hành cổ phiếu thưởng với số lượng gần 132,6 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 30%) giúp nâng vốn điều lệ lên gần 5.745 tỷ đồng. Nếu hoàn thành đợt phát hành riêng lẻ, công ty sẽ tiếp tục nâng vốn lên hơn 7.180 tỷ đồng.
Theo danh sách công bố của Vietcap, có 66 nhà đầu tư dự kiến tham gia đợt chào bán, trong đó đáng chú ý có cổ đông mới là Pyn Elite Fund – quỹ ngoại đến từ Phần Lan đăng ký mua số lượng lớn nhất (21,5 triệu cổ phiếu) để sở hữu gần 3% vốn, tương ứng giá trị khoảng 600 tỷ đồng.
Ngoài ra, trong danh sách dự kiến tham gia còn có nhiều quỹ ngoại như Vietnam Enterprise Investments Limited đăng ký mua thêm 7,5 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 1,24%; Amersham Industries Limited đăng ký mua thêm 6,8 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu lên 1,21%; DC Developing Markets Strategies Public Limited Company đăng ký mua thêm 5 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu 1,2%...
Toàn ngành chứng khoán “sốt nóng” chờ nâng hạng
Trong bối cảnh các thành viên thị trường tích cực chuẩn bị nguồn lực và vị thế cho sự kiện nâng hạng chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, nhóm các công ty chứng khoán tiếp tục “cuộc đua” tăng vốn để đáp ứng nhu cầu sôi động từ thị trường.
Theo SSI Research, cổ phiếu VCI của Vietcap cùng các “ông lớn” trong ngành như SSI, VND (VNDirect) nằm trong danh sách các cổ phiếu có thể thu hút dòng tiền lớn khi Việt Nam được nâng hạng lên thị trường mới nổi, bên cạnh các cổ phiếu đầu ngành khác như VNM, VHM, VIC, HPG, VCB, MSN, DGC, VRE.
Trong ngành chứng khoán, không chỉ Vietcap, nhiều thành viên khác cũng đang tích cực trong “cuộc đua” tăng vốn. Chứng khoán MB (MBS) vừa phát hành thành công gần 110 triệu cổ phiếu và thu về gần 1.100 tỷ đồng, đồng thời nâng vốn điều lệ lên gần 5.500 tỷ đồng.
Chứng khoán VIX cũng mới hoàn thành các phương án phát hành cổ phiếu, qua đó tăng vốn lên hơn gấp đôi, đạt gần 15.000 tỷ đồng, lọt nhóm công ty dẫn đầu về vốn điều lệ trong ngành.
Chứng khoán SSI cũng đã được UBCKNN chấp thuận phát hành thêm hơn 453 triệu cổ phiếu giúp nâng vốn điều lệ lên gần 20.000 tỷ đồng.
Trước đó, hồi tháng 7/2024, VNDirect đã chào bán và phát hành thành công hơn 300 triệu cổ phiếu cho cổ đông, qua đó, vốn điều lệ của công ty này được nâng lên gần 15.223 tỷ đồng.
Với nguồn vốn bổ sung, các công ty có thể đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh cốt lõi là đầu tư và cho vay ký quỹ trong năm nay. Tăng trưởng lợi nhuận cao hơn từ các hoạt động kinh doanh này sẽ giúp các công ty tăng cường bộ đệm rủi ro.
Bên cạnh kế hoạch tăng vốn thành công, quá trình nâng hạng thị trường đang có những chuyển biến tích cực.
Mới đây nhất, việc giải quyết vấn đề ký quỹ của nhà đầu tư nước ngoài và kiểm soát rủi ro về mặt thanh toán là điều kiện thiết yếu để chuẩn bị cho mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Hiện Việt Nam vẫn nằm trong danh sách theo dõi với vai trò cận biên và được kỳ vọng phân loại lại lên Secondary Emerging. Hoạt động đánh giá lại sẽ được FTSE thực hiện tiếp tục vào đầu tháng 10/2024, và hai kỳ năm 2025, trong tháng 3 và tháng 9.
Với việc nâng hạng lên thị trường mới nổi, theo ước tính sơ bộ, dòng vốn từ các quỹ ETF có thể lên đến 1,7 tỷ USD, chưa tính đến dòng vốn từ các quỹ chủ động (FTSE Russell ước tính tổng tài sản từ các quỹ chủ động gấp 5 lần so với các quỹ ETF).
Một nghiên cứu từ học viện CFA đã chỉ ra rằng khi một thị trường được nâng hạng từ cận biên sang mới nổi, chỉ số chính sẽ tăng trung bình 23,2% từ ngày thông báo đến ngày có hiệu lực.
Ước tính từ World Bank cũng cho thấy việc nâng cấp thành thị trường mới nổi có thể mang đến thêm 10 tỷ USD đầu tư gián tiếp mới cho Việt Nam, trong đó riêng năm đầu tiên có thể tiếp nhận thêm từ 2 – 5 tỷ USD.
Dũng Phạm