Cả tiền gửi cá nhân và tiền gửi của tổ chức kinh tế đều tăng trưởng dương trong tháng 3. Trong đó, tiền gửi của dân cư lập kỷ lục mới, đạt gần 6,68 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,62 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% - tương ứng hơn 210.000 tỷ đồng so với đầu năm...
Theo dữ liệu mới được Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến hết tháng 3/2024, tổng tiền gửi của khách hàng cá nhân và tổ chức kinh tế tại các tổ chức tín dụng là 13,3 triệu tỷ đồng, tăng 1,1% so với tháng liền trước, tức tăng hơn 140.000 tỷ đồng. Tuy nhiên so với mức đỉnh hồi cuối năm 2023, con số này đã giảm 0,5%, tương đương giảm khoảng 70.000 tỷ đồng.
Cả tiền gửi cá nhân và tiền gửi của tổ chức kinh tế đều tăng trưởng dương trong tháng 3. Trong đó, tiền gửi của dân cư lập kỷ lục mới, đạt gần 6,68 triệu tỷ đồng, tăng 2,2% so với đầu năm. Riêng trong tháng 3, tiền gửi cư dân đã tăng thêm khoảng 40.000 tỷ đồng.
Tiền gửi của doanh nghiệp đạt 6,62 triệu tỷ đồng, giảm 3,14% - tương ứng hơn 210.000 tỷ đồng so với đầu năm. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cuối tháng 2, tiền gửi doanh nghiệp đã tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng.
Kể từ tháng 4/2024, các ngân hàng đã có động thái tăng lãi suất huy động và bắt đầu lan rộng hơn từ tháng 6. Tình từ đầu tháng 6 đến nay, thị trường đã ghi nhận hơn 20 ngân hàng tăng lãi suất huy động. Phần lớn những ngân hàng đang áp dụng lãi suất tiết kiệm trong khoảng 5-5,5%/năm cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên. Tuy nhiên, một số ngân hàng đã triển khai mức lãi suất cao nhất cho tiền gửi thông thường trên 6%/năm, có thể kể đến HDBank, OceanBank, NCB…
Về phía 4 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank), lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất hệ thống và có xu hướng tăng chậm. Trong đó, Vietcombank có lãi suất cao nhất là 4,7%/năm; VietinBank lãi suất cao nhất là 5%/năm.
Trong báo cáo về ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lãi suất huy động sẽ không còn dư địa để giảm tiếp dưới áp lực của tỷ giá và lạm phát. Trong đó, áp lực lạm phát sẽ gia tăng từ quý 3/2024 do giá lương thực, giá điện, giá nhà và điều chỉnh tiền lương. Áp lực từ chênh lệch tỷ giá USD/VND khiến mặt bằng lãi suất khó giảm thêm.
Nhóm chuyên gia từ VCBS cho hay, mặc dù lãi suất huy động đang có xu hướng tăng dần lên từ mức đáy, tuy nhiên mặt bằng lãi suất ở thời điểm hiện tại vẫn đang thấp hơn mức lãi suất trung bình 3 năm trước giai đoạn dịch Covid-19 là 5,05%/năm.
Các chuyên viên phân tích dự báo mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ trong quý 2 và 3 từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm. Đồng thời, áp lực tăng có thể sẽ gia tăng trong quý 4/2024 và kỳ vọng cả năm lãi suất có thể đi lên từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm.
Còn theo quan sát của Công ty chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), lãi suất huy động ở một số ngân hàng đã tăng 10-30 điểm phần trăm so với vùng đáy ở các kỳ hạn ngắn 1-12 tháng.
Điều này có thể đến từ việc thiếu thanh khoản tạm thời trên thị trường liên ngân hàng phần nào đã tác động đến lãi suất huy động ở thị trường 1. Nhóm phân tích cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ tập trung ổn định tỷ giá thông qua các công cụ OMO, phát hành tín phiếu, bán dự trữ ngoại hối và vẫn giữ chủ trương duy trì mặt bằng lãi suất cho vay thấp để hỗ trợ nền kinh tế.
Theo đó, KBSV nghiêng về kịch bản lãi suất huy động có thể tăng thêm từ 30-50 điểm cơ bản từ nay đến cuối năm trong bối cảnh kinh tế hồi phục khiến nhu cầu vốn tăng lên từ đó tăng nhu cầu huy động. Với mức tăng kỳ vọng như trên, đây là nhịp điều chỉnh lên mức nền hợp lý hơn (hiện tại lãi suất huy động vẫn thấp hơn vùng đáy Covid-19) nhưng chưa xác lập xu hướng tăng lãi suất mạnh trở lại như giai đoạn 2022-2023, trừ khi tình hình tỷ giá căng thẳng trở lại, DXY vượt đỉnh.
Thúy An