Sau cuộc họp gần nhất của FED, một số ngân hàng trung ương trên thế giới dự báo sẽ bắt đầu giảm lãi suất sau giai đoạn dài tăng mạnh. Trong khi đó, dư địa giảm lãi suất của Việt Nam đã bị thu hẹp khi NHNN đã có 4 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Trong báo cáo cập nhật vĩ mô tháng 12, công ty chứng khoán VNDirect (VNDirect) tin rằng Ngân hàng nhà nước (NHNN) có thể xem xét cắt giảm lãi suất điều hành thêm 0,5% vào năm tới trong trường hợp Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất theo kế hoạch và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn dự kiến.
Nhận định của nhóm phân tích VNDirect đến từ việc FED không còn đề cập đến khả năng tăng lãi suất điều hành và dự báo khả năng cắt giảm lãi suất ba lần vào năm 2024 trong cuộc họp FOMC gần nhất.
Sau cuộc họp của FOMC, chỉ số sức mạnh đồng đô la (DXY) và lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm mạnh. Tính tới ngày 21/12, DXY ở ngưỡng 102,3 điểm, còn lợi suất trái phiếu đã tụt xuống 3,88%, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 7.
VNDirect dự báo lãi suất tiền gửi kỳ hạn 12 tháng sẽ duy trì ở mức thấp khoảng 5%/năm từ cuối 2023 đến cuối 2024. Đồng thời, lãi suất cho vay sẽ tiếp tục duy trì xu hướng giảm trong những tháng còn lại của năm nhờ chi phí vốn của các ngân hàng thương mại đi xuống nhanh chóng trong những tháng gần đây.
Hiện nay, mặt bằng lãi suất vẫn đang trong xu hướng giảm. Theo thống kê, tính đến ngày 14/12, lãi suất tiền gửi 12 tháng bình quân tại các ngân hàng thương mại đã giảm còn 5%/năm, thấp hơn 0,3 điểm % so với cuối tháng 10 và 2,8 điểm % so với cuối 2022.
Trong khi đó, ngân hàng UOB Việt Nam dự báo, NHNN sẽ giữ lãi suất điều hành ổn định trong năm 2024.
Theo UOB, NHNN đã phản ứng nhanh chóng trước tình trạng suy thoái kinh tế hồi đầu năm nay bằng việc nhanh chóng cắt giảm lãi suất. Lần giảm lãi suất chính sách cuối cùng diễn ra vào tháng 6/2023 đã hạ lãi suất tái cấp vốn tích lũy xuống 150 điểm cơ bản, còn 4,5%.
Với tốc độ tăng trưởng của các hoạt động kinh tế đang được cải thiện và tỷ lệ lạm phát đã xuống dưới mức mục tiêu, ít có khả năng tiếp tục cắt giảm lãi suất. Thực tế, Chính phủ đã chuyển trọng tâm sang các biện pháp phi lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế.
Lãi suất điều hành là một chỉ báo của NHNN để các ngân hàng lấy làm tham chiếu để đưa ra mức lãi suất huy động cũng như lãi suất cho vay. Thực tế, sau nhiều lần cắt giảm, lãi suất huy động đã về mức rất thấp.
Nhóm nghiên cứu của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCBS) nhận định, lãi suất huy động khó giảm thêm sau khi đã giảm sâu về mốc trước dịch Covid-19.
Lãi suất cho vay dự báo giảm nhưng tốc độ chậm và tiếp tục thể hiện sự phân hóa. Theo đó, biến động lãi suất cho vay có độ trễ so với lãi suất huy động. Biên lợi nhuận (NIM) của các ngân hàng trong xu hướng giảm, trong khi nợ xấu có xu hướng tăng sẽ khiến các ngân hàng có xu hướng thận trọng về “khẩu vị” rủi ro đối với các khoản tín dụng. Do đó, sự phân hóa trong mức giảm lãi suất cho vay sẽ vẫn diễn ra.
Về tỷ giá, áp lực tỷ giá đi xuống đã tạo điều kiện cho NHNN bơm lượng tiền đã hút ròng trước đó. Trong thời gian từ ngày 30/10 đến 8/12, NHNN đã bơm khoảng 205.000 tỷ đồng (8,4 tỷ USD) qua kênh OMO, giảm lượng tín phiếu đang lưu hành về 0. Động thái trên đã xóa bớt lo ngại thị trường về việc nhà điều hành có thể đảo ngược chính sách tiền tệ nới lỏng do áp lực tỷ giá.
Tỷ giá USD/VND trên thị trường ngoại hối vào ngày 21/12 ở mức 24.339, tăng 2,99% so với đầu năm. Tỷ giá đã giảm đáng kể so với mức đỉnh hồi cuối tháng 10, đầu tháng 11 khi có lúc tiền đồng từng mất giá tới 4,6% so với USD.
VNDirect dự báo tỷ giá USD/VND từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục ổn định do Fed phát đi tín hiệu sẽ kết thúc chu kỳ tăng lãi suất và bắt đầu cắt giảm vào năm tới.
Theo đó, nhóm phân tích kỳ vọng tỷ giá USD/VND sẽ dao động trong khoảng 24.200 đến 24.400 trong những tuần cuối năm. VNDirect cũng liệt kê một vài yếu tố thuận lợi, hỗ trợ sự ổn định của tiền đồng như thặng dư thương mại kỷ lục, thặng dư tài khoản vãng lai cao, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối ổn định.
Trần Anh