'NHNN vẫn sẽ tiếp tục sử dụng công cụ phân bổ tín dụng cho đến khi các sản phẩm khác như trái phiếu doanh nghiệp phát triển đủ lớn, có thể đáp ứng được nhu cầu vốn', Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng. Ảnh: Quochoi.vn
Sáng 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn các Bộ trưởng theo chương trình của kỳ họp thứ 6. Tại đây, nhiều đại biểu đã chất vấn Thống đốc NHNN Việt Nam về điều hành tăng trưởng tín dụng.
Trả lời đại biểu về nguyên nhân và các giải pháp tăng trưởng tín dụng thấp, 9 tháng đầu năm chỉ đạt 6,91%, còn khá xa mục tiêu 14% cho cả năm 2023, thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết nguyên nhân tăng trưởng tín dụng thấp là do cầu về tín dụng. Số đơn hàng doanh nghiệp giảm sút. Người dân và các hộ kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Về nguồn cung tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã điều hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức tín dụng cung tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều giải pháp, chỉ đạo các tổ chức tín dụng rà soát các thủ tục cho vay vốn để có thể rút ngắn thời gian, hỗ trợ tốt hơn cho người dân. Đồng thời đưa ra một số kiến nghị với các bộ, các ngành liên quan để thực hiện các giải pháp cải thiện điều kiện tín dụng, đặc biệt với doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Về lĩnh vực ngân hàng, Nghị quyết 62 có nêu nghiên cứu hạn chế và tiến tới xóa bỏ việc điều hành, phân bổ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho từng tổ chức tín dụng. Tuy nhiên, Thống đốc cho biết đây là một trong các giải pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước, kết hợp với các công cụ chính sách khác.
Trên thực tế, Ngân hàng Nhà nước điều hành bám sát theo nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ. Qua tham khảo ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý, có thể thấy trong điều kiện hiện nay, chưa thể bỏ việc điều hành tăng trưởng tín dụng, vì nhu cầu vốn của nền kinh tế vẫn còn phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng.
“Tín dụng hiện vẫn ở mức cao theo cảnh báo của World Bank, do đó Ngân hàng Nhà nước vẫn sẽ tiếp tục sử dụng công cụ phân bổ tín dụng cho đến khi các sản phẩm tài chính khác như trái phiếu doanh nghiệp phát triển đủ lớn, có thể đáp ứng được nhu cầu vốn của doanh nghiệp”, Thống đốc cho biết.
Một chất vấn khác của các đại biểu Quốc hội vì sao gói 120.000 tỷ đồng cho vay mua nhà ở xã hội chưa thể giải ngân, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho hay, gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội với người thu nhập thấp, công nhân với mục tiêu có 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội tới 2030.
Nguồn tiền cho gói tín dụng này đến từ nguồn huy động tín dụng trong dân, với lãi suất ưu đãi từ nguồn tài chính của các ngân hàng tham gia. Thống đốc cho biết, khi chính sách này được ban hành, Ngân hàng Nhà nước đã hướng dẫn các nhà băng và đề nghị UBND các tỉnh quan tâm, công bố dự án thuộc chương trình cho vay.
Các ngân hàng cũng đưa ra quy trình nội bộ để triển khai gói tín dụng này. Hiện có 18/63 UBND gửi văn bản công bố dự án tham gia chương trình, 53 dự án với nhu cầu vay 27.000 tỷ đồng. Các ngân hàng đã giải ngân được 105 tỷ đồng cho 3 dự án tại 3 địa phương, tới cuối tháng 10.
Nêu nguyên nhân khiến gói này hạn chế, theo bà Hồng, trước tiên do nguồn cung về nhà ở hạn chế, nhu cầu vay của người lao động thấp cũng thấp. "Nhu cầu nhà ở lớn, nhưng nhu cầu vay để mua nhà thì họ cần cân nhắc kỹ", bà nói.
Bên cạnh đó, điều kiện được hưởng chính sách nhà ở xã hội còn bất cập, như quy định về thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, chưa có nhà ở... Theo bà Hồng, gói vay này thực hiện 10 năm, trong khi cho vay bất động sản thường kéo dài và giải ngân theo thời gian, nên đạt thấp.
Bà Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị, mong UBND tỉnh sớm công bố các dự án thuộc chương trình để các ngân hàng triển khai; và phối hợp với các bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện.
Trần Anh