Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
NHNN cho biết, Luật Các tổ chức tín dụng ban hành ngày 18/01/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/07/2024 (Luật Các TCTD 2024), trong đó có một số nội dung sửa đổi quy định liên quan đến phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu của tổ chức tín dụng.
Để phù hợp với Luật Các TCTD 2024, NHNN đã dự thảo Thông tư quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (dự thảo Thông tư).
Thông tư này quy định việc phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi là tổ chức tín dụng) trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Thông tư này áp dụng đối với:
Đối tượng phát hành chứng chỉ tiền gửi là Tổ chức tín dụng phát hành chứng chỉ tiền gửi theo Giấy phép thành lập, hoạt động của tổ chức tín dụng bao gồm: Ngân hàng thương mại; Ngân hàng hợp tác xã; Công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành; Chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Đối tượng mua chứng chỉ tiền gửi: Đối tượng mua chứng chỉ tiền gửi là tổ chức (bao gồm tổ chức tín dụng), cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này. Đối tượng mua chứng chỉ tiền gửi do công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành phát hành là tổ chức Việt Nam và tổ chức nước ngoài. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc phát hành chứng chỉ tiền gửi của tổ chức tín dụng.
Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi
Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi là 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam hoặc bội số của 100.000 (một trăm nghìn) đồng Việt Nam.
Mệnh giá của chứng chỉ tiền gửi được in sẵn trên chứng chỉ hoặc theo thỏa thuận của tổ chức tín dụng phát hành với người mua.
Nguyên tắc phát hành chứng chỉ tiền gửi
Tổ chức tín dụng tổ chức các đợt phát hành chứng chỉ tiền gửi theo quy định tại Thông tư này khi tuân thủ các tỷ lệ bảo đảm an toàn theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng và quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bao gồm: Tỷ lệ khả năng chi trả; Tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu 08% hoặc tỷ lệ cao hơn theo quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trong từng thời kỳ; Trạng thái ngoại tệ, vàng tối đa so với vốn tự có; Tỷ lệ mua, nắm giữ, đầu tư trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được chính phủ bảo lãnh.
Nội dung cơ bản của dự thảo Thông tư
Dự thảo Thông tư bao gồm 21 Điều, về cơ bản kế thừa các nội dung của Thông tư số 01/2021/TT-NHNN quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài ngày 31/3/2021 và có những nội dung sửa đổi chính như sau:
1- Về phạm vi điều chỉnh của Thông tư, dự thảo Thông tư điều chỉnh đối với hoạt động phát hành chứng chỉ tiền gửi trong nước của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Dự thảo Thông tư không điều chỉnh đối với hoạt động phát hành kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu do Luật Các TCTD 2024 bỏ quy định về phát hành kỳ phiếu, tín phiếu và đã quy định điều khoản chuyển tiếp đối với nội dung này.
Đồng thời, Luật Các TCTD 2024 cũng quy định việc phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng thuộc hoạt động kinh doanh khác, thực hiện theo pháp luật có liên quan; Luật Các TCTD 2024 cũng bỏ quy định Căn cứ Luật này và Luật chứng khoán, Chính phủ quy định việc phát hành trái phiếu, trừ trái phiếu chuyển đổi để huy động vốn của tổ chức tín dụng. Do đó, hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng thực hiện theo Luật Chứng khoán, các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán như Nghị định số 153/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (đã được sửa đổi, bổ sung); Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán… Theo đó, hoạt động phát hành trái phiếu của tổ chức tín dụng được thống nhất thực hiện như hoạt động phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp khác trên thị trường chứng khoán.
2- Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về phát hành chứng chỉ tiền gửi bằng phương tiện điện tử để phù hợp với Luật Giao dịch điện tử và quy định tại Luật Các TCTD 2024 về giao dịch điện tử trong hoạt động của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
3- Dự thảo Thông tư bổ sung quy định về biện pháp tra cứu thông tin và biện pháp thông báo khi có thay đổi thông tin của chứng chỉ tiền gửi; thông báo công khai, quy định nội bộ.... để bảo đảm việc phát hành và thanh toán chứng chỉ tiền gửi an toàn tài sản cho người mua chứng chỉ tiền gửi và an toàn hoạt động cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Xem toàn văn dự thảo tại đây