Để hoàn thành mục tiêu nâng hạng, bên cạnh những cải thiện từ phía cơ quan quản lý thì chính các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư tham gia thị trường cần chung tay đóng góp, xây dựng một thị trường hấp dẫn trong mắt giới đầu tư nước ngoài.
Năm 2024 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó mục tiêu nâng hạng thị trường được Chính phủ đặc biệt quan tâm và Bộ Tài chính đang tập trung chỉ đạo và thực hiện mục tiêu này.
Việc nâng điểm đánh giá về quản trị công ty trong các chương trình đánh giá trong nước và khu vực nhằm nâng điểm trên mức bình quân khu vực Đông Nam Á là một trong những mục tiêu chính hỗ trợ nâng hạng thị trường.
Trong kỳ đánh giá tháng 9/2023, FTSE Russell đã tiếp tục xác định Việt Nam là thị trường mới nổi thứ cấp và đặt trong danh sách theo dõi. Để cải thiện tình hình, có hai nhóm vấn đề trọng yếu cần tập trung là việc yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (prefunding) và giới hạn sở hữu nước ngoài (FOL).
Theo ông Phan Lê Thành Long, Tổng giám đốc Viện Thành viên HĐQT Việt Nam (VIOD), FTSE có thể vẫn đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi nâng hạng thị trường mới nổi sơ cấp trong kỳ đánh giá tháng 3/2024.
"Tuy nhiên, các nhà đầu tư, đặc biệt là khối ngoại vẫn còn nhiều băn khoăn khi đầu tư vào Việt Nam", vị tổng giám đốc VIOD chia sẻ tại hội thảo mới đây với chủ đề “Vì một mùa đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả” do Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) tổ chức.
Về luật pháp, theo ông Long, còn quá nhiều sự bất định trong các vấn đề chính sách, giải quyết tranh chấp, cấp phép và tỷ lệ sở hữu nước ngoài – tiêu chí trọng yếu để xem xét nâng hạng.
Về công tác quản trị công ty, các quan ngại về tính chính trực của ban lãnh đạo, khả năng thẩm định thông tin, các tồn tại yếu kém trong quản trị và khó khăn trong việc giao dịch sau giờ đóng cửa là những rào cản đối với dòng vốn ngoại chảy vào thị trường.
Ngoài đáp ứng điều kiện nâng hạng, theo ông Long, một thị trường hoạt động chất lượng cùng với những “hàng hóa” chất lượng cũng là điểm trọng yếu giúp thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Bên cạnh những cải thiện từ phía các cơ quan quản lý, văn bản pháp quy thì chính các doanh nghiệp niêm yết, nhà đầu tư cùng các thành viên tham gia thị trường để cần chung tay đóng góp, xây dựng một thị trường hấp dẫn trong mắt giới đầu tư nước ngoài.
Để lượng hóa vấn đề còn tồn tại về quản trị công ty, ông Long cho biết Việt Nam đã tham gia dự án Đánh giá thẻ điểm quản trị công ty ASEAN (ACGS) và trải qua hành trình hơn 10 năm phát triển từ năm 2012.
Trong đó, VIOD là đơn vị đại diện cho Việt Nam tham gia công tác đánh giá, giúp các nhà đầu tư có cái nhìn rõ hơn về những doanh nghiệp có hệ thống quản trị công ty tốt, qua đó tăng khả năng tiếp cận vốn.
Theo thống kê, điểm quản trị của các doanh nghiệp Việt vẫn ghi nhận kết quả thấp nhất trong nhóm, thậm chí vẫn thấp hơn mức trung bình dù đã có nhiều cải thiện qua thời gian.
Trên khảo sát tại hơn 500 doanh nghiệp, vẫn còn tới gần 90% chưa ứng dụng công nghệ vào tổ chức họp ĐHĐCĐ theo đánh giá của ACGS và VLCA (Cuộc bình chọn doanh nghiệp niêm yết Việt Nam), tiêu biểu như các doanh nghiệp hàng đầu như Vinamilk, Hòa Phát, … với số lượng hàng trăm nghìn cổ đông.
Tuy nhiên, các vấn đề này hoàn toàn có thể được khắc phục trong thời gian tới, đặc biệt từ phía các doanh nghiệp nhằm đạt mục tiêu vượt lên mức trung bình với nhiều giải pháp đa dạng vừa được UBCKNN và Bộ Tài chính giao.
Chi tiết các vấn đề quản trị trong kỳ ACGS, ông Long chỉ ra 5 nội dung trọng tâm chính cần cải thiện bao gồm bảo vệ quyền cổ đông và công bằng giữa các cổ đông đồng thời đảm bảo trách nhiệm của HĐQT và thành lập các ủy ban chuyên trách.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần đảm bảo vai trò với các bên hữu quan, công bố thông tin minh bạch và tích hợp phát triển bền vững trong quản trị công ty.
Theo chia sẻ của bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN, bên cạnh yêu cầu ký quỹ trước giao dịch và giới hạn sở hữu nước ngoài, việc nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi còn phụ thuộc vào trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào TTCK.
Nói cách khác, mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được khi nhận được sự chung sức của các đơn vị tư vấn và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam.
Bản thân các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cần có cam kết và kế hoạch hành động để nâng cao công tác quản trị công ty gắn với ESG phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng trong khu vực, cũng như công bố thông tin minh bạch, chất lượng, và có báo cáo bằng tiếng Anh.
Dũng Phạm