Cẩn trọng với hiện tượng giá vàng tăng cao

Theo nhận định của các chuyên gia, việc xuống tiền vào vàng thời điểm hiện tại khiến người mua phải đối mặt với rủi ro cao, bởi giá vàng đang tăng “nóng” và có thể có một cú sập giá bất ngờ.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp niêm yết tại mức 87 - 89 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 3 triệu đồng mỗi lượng so với ngày 21/10. So với đầu năm, mỗi lượng vàng miếng tăng khoảng 15 triệu đồng, tương đương mức tăng gần 19%, chỉ còn cách mức đỉnh 92 triệu đồng/lượng được thiết lập hồi tháng 5.

Trong khi đó, giá vàng nhẫn ghi nhận mức tăng “chóng mặt” đã được niêm yết ở mức 86,9 - 88,2 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Như vậy, từ đầu tháng 10 đến nay, mỗi lượng vàng nhẫn tăng 2,5 triệu đồng ở chiều thu mua và tăng 2,2 triệu đồng ở chiều bán ra. Còn so với đầu năm, mỗi lượng nhẫn trơn tăng hơn 21 triệu đồng, ghi nhận hiệu suất sinh lời hơn 35%.

Giá vàng tăng “nóng” nhưng khó giao dịch

Nguyên nhân giá vàng trong nước tăng mạnh được cho là đến từ việc nương theo diễn biến của thị trường quốc tế. Hiện giá vàng quốc tế đã đạt mức 2.715 USD/ounce, tương đương khoảng 83,4 triệu đồng/lượng theo tỷ giá hiện hành, chưa bao gồm thuế và phí. Hiện tại, chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế dao động từ 2 đến 4,5 triệu đồng/lượng, tùy thời điểm.

Theo ông Lưu Chí Kháng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Công ty chứng khoán Kiến Thiết, việc giá vàng SJC và vàng nhẫn tăng mạnh trong những ngày qua là điều bình thường. Bên cạnh nguyên nhân đến từ việc giá vàng thế giới liên tục “leo dốc”, giá vàng trong nước tăng còn do tỷ giá USD/VND nóng lên trong thời gian gần đây.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm tới nay, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank tăng 4,23%. Hơn một tháng qua, tỷ giá tăng 2,7% lên mức 25.442 đồng/USD (giá bán). Tỷ giá ngân hàng tăng kéo theo giá vàng quy đổi tăng lên, hơn thế vàng thế giới lại tăng rất mạnh. Do vậy, giá vàng miếng SJC và vàng nhẫn tăng nhanh theo là điều không tránh khỏi.

Giá vàng tăng nhanh, nhưng theo khảo sát của phóng viên Thời Nay, hoạt động mua bán vàng miếng và nhẫn trơn trong nước hiện khá trầm lắng, chủ yếu do nguồn cung khan hiếm. Nhiều người dân cho biết, khó tìm mua được vàng, trong khi các thương hiệu lớn thường xuyên rơi vào tình trạng "cháy" hàng.

Tại nhiều cửa hàng trên phố Trần Nhân Tông (TP Hà Nội), hầu hết các cửa hàng chỉ còn bán vàng trang sức. Khi được hỏi thời điểm bán vàng nhẫn đều nhận được câu trả lời “khi nào có sẽ thông báo sau”. Người dân có nhu cầu gấp phải tìm đến “chợ vàng” trực tuyến và chấp nhận mua chênh từ 1,5 - 2 triệu đồng/lượng để đáp ứng nhu cầu cá nhân.

Mới đây, trong báo cáo tình hình kinh tế - xã hội, Chính phủ cho biết, đã triển khai mạnh mẽ các giải pháp bình ổn thị trường vàng, giúp giảm chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế, đồng thời ổn định tâm lý người dân và doanh nghiệp.

Theo đó, vàng miếng SJC được phân phối qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước và SJC, bảo đảm người dân dễ tiếp cận. Đồng thời, tăng cường giám sát, xử lý các hành vi đầu cơ, buôn lậu vàng và yêu cầu 100% số doanh nghiệp kinh doanh vàng áp dụng hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế.

Tuy nhiên, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vẫn cho rằng, việc quản lý thị trường vàng còn bất cập, ảnh hưởng đến ngoại tệ và tỷ giá. Hiện, nhu cầu mua vàng miếng SJC rất cao, nhưng việc đặt mua trực tuyến khó khăn, khiến giá vàng không phản ánh đúng cung cầu.

Phân tích rõ hơn các nhận xét này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, nhu cầu mua vàng thực tế trong nước ở mức cao, thể hiện qua việc lượt đăng ký tại các ngân hàng quốc doanh và Công ty SJC luôn trong tình trạng “hết chỗ” chỉ sau ít phút đầu giờ, trong khi mỗi người chỉ được mua 1 - 2 lượng tùy đơn vị.

Các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank liên tục thay đổi cách thức, thời gian giao vàng cho khách hàng. Từ chỗ giao vàng trong ngày, người mua tại các đơn vị này nhận sau hai ngày làm việc từ thời điểm đăng ký, giao dịch thành công.

Bên cạnh đó, các thương hiệu được kinh doanh vàng miếng còn lại như DOJI, PNJ, Bảo Tín Minh Châu... cũng gần như ngừng bán vàng miếng ra thị trường từ sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam can thiệp "định giá" loại này, do không có nguồn.

Không nên kỳ vọng quá lớn

Ở góc nhìn của các chuyên gia thế giới, ông Darin Newsom của Barchart.com tỏ ra lạc quan về triển vọng của vàng, dự đoán giá sẽ tiếp tục tăng khi nhà đầu tư tìm đến kim loại quý để phòng ngừa rủi ro trước các bất ổn có thể xảy ra, đặc biệt trong bối cảnh chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Cùng với đó, trong bối cảnh lãi suất giảm sẽ tạo đà cho vàng chinh phục những mức giá mới, thậm chí có thể lên tới 3.000 USD/ounce trong quý đầu năm 2025.

Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, diễn biến giá vàng trong nước rất khó dự đoán, đặc biệt là việc có thể trở lại mức đỉnh 92 triệu đồng/lượng hay không, vì NHNN vẫn duy trì chương trình bình ổn giá và kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế. Nhà đầu tư cần theo dõi chính sách này có tiếp tục được duy trì hay không.

Dù đã thành công trong việc hạ giá vàng, chương trình này chưa thật sự thành công trong việc tăng nguồn cung đáp ứng nhu cầu thị trường. Nhu cầu tiết kiệm vàng vẫn hợp lý, nhất là với những người không có đủ kiến thức đầu tư chứng khoán hoặc khả năng mua bất động sản.

Đồng quan điểm, ông Lê Quang Trí, Giám đốc môi giới Công ty CP chứng khoán Nhất Việt cũng cho biết, bên cạnh những dự báo lạc quan, giá vàng thế giới cũng nhận được không ít dự báo cho rằng có thể điều chỉnh mạnh sau đợt tăng nóng vừa qua, thậm chí có thể về ngưỡng 2.500 USD/ounce, tương đương mức giảm 8 - 10%. Đây không phải mức điều chỉnh hiếm gặp trong một thị trường giá lên nhưng cũng là một chỉ báo xấu.

Chuyên gia vàng Trần Duy Phương cũng bày tỏ lo ngại về rủi ro khi giá vàng tăng "nóng" như hiện nay, vì điều này thường đi kèm khả năng giá có thể suy giảm đột ngột.

"Giá vàng đã tăng mạnh, rất có thể sẽ có một đợt điều chỉnh giảm. Chúng ta không thể chắc chắn khi nào điều đó sẽ xảy ra. Đầu tư vào vàng lúc này tiềm ẩn nhiều rủi ro, cả người mua lẫn người bán cần thận trọng. Nhà đầu tư nên chờ đến khi giá vàng thế giới điều chỉnh giảm khoảng 50 - 70 USD/ounce rồi mới xuống tiền mua, như vậy sẽ có cơ hội sinh lời tốt hơn", ông Phương khuyến nghị.

Trong bối cảnh nhiều biến động, vàng có thể là kênh trú ẩn an toàn, nhưng nếu chọn vàng làm kênh đầu tư, sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nếu người dân không đầu tư vào các kênh sản xuất, kinh doanh khác mà tiếp tục đổ tiền vào vàng, nguồn lực này sẽ bị “đóng băng” trong dân, không mang lại lợi ích cho nền kinh tế.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.