Chậm nộp báo cáo tài chính và lỗ triền miên, loạt cổ phiếu HBC, POM và HNG đối diện 'án' huỷ niêm yết

Theo HOSE, cổ phiếu HBC và POM có khả năng bị hủy niêm yết do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp. Còn cổ phiếu HNG có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của công ty tiếp tục có kết quả kinh doanh thua lỗ...

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) mới đây đã đưa ra thông báo về khả năng huỷ niêm yết đối với các cổ phiếu HBC của Công ty Cổ phần Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cổ phiếu POM của Công ty Cổ phần Thép Pomina và cổ phiếu HNG của Công ty Cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico).

Theo đó, HOSE cho biết cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019: "Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây: i) Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp".

Do đó, HOSE lưu ý về việc cổ phiếu HBC có khả năng bị hủy niêm yết nếu công ty tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán năm 2023 là 3 năm liên tiếp.

Về kết quả sản xuất kinh doanh năm 2023, Xây dựng Hoà Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt 7.546 tỷ đồng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế âm 782,2 tỷ đồng, cải thiện hơn so với khoản lỗ 2.570 tỷ đồng trong năm 2022.

Tính đến hết ngày 31/12/2023, Xây dựng Hòa Bình đã nâng lỗ luỹ kế từ 2.100 tỷ đồng lên 2.877 tỷ đồng. Do đó, vốn chủ sở hữu của công ty chỉ đạt 453,6 tỷ đồng.

Tương tự, cổ phiếu POM của Thép Pomina cũng đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do công ty vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát theo quy định của Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

Căn cứ điểm i khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán: “Cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây: i) Tổ chức niêm yết vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm trong 3 năm liên tiếp”.

Do đó, HOSE lưu ý về việc cổ phiếu POM có khả năng bị hủy niêm yết nếu công ty tiếp tục vi phạm chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán năm 2023 là năm thứ 3 liên tiếp.

Theo báo cáo tài chính mới công bố, Thép Pomina thu về 3.281 tỷ đồng doanh thu thuần trong năm 2023, thấp hơn 3,9 lần so với cùng kỳ. Kéo theo đó, công ty báo lỗ sau thuế 960,9 tỷ đồng, vượt xa kế hoạch lỗ 150 tỷ đồng trong năm 2023.

Còn cổ phiếu HNG của HAGL Agrico hiện đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát do lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2021 âm 1.119 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ năm 2022 âm 3.576 tỷ đồng căn cứ báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2021 và năm 2022.

Ngày 30/1/2024, HOSE đã nhận được báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2023 của HAGL Agrico với doanh thu thuần đạt 605,5 tỷ đồng. Doanh thu dưới giá vốn khiến công ty lỗ gộp 616,3 tỷ đồng trong năm nay. Do đó, lợi nhuận sau thuế tiếp tục ghi nhận âm 1.050 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 âm 8.054 tỷ đồng.

Căn cứ điểm e khoản 1 Điều 120 Nghị định số 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 quy định cổ phiếu của công ty đại chúng bị hủy bỏ niêm yết khi xảy ra trường hợp: "Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ trong 03 năm liên tục hoặc tổng số lỗ luỹ kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét".

Vì vậy, HOSE lưu ý về việc cổ phiếu HNG có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của công ty tiếp tục có kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ.

Dệt may tháo gỡ điểm nghẽn xuất xứ hàng hóa

Dệt may tháo gỡ điểm nghẽn xuất xứ hàng hóa

Dự thảo Chiến lược phát triển ngành Dệt may và Da giày giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2035 đã định hướng thúc đẩy đầu tư sản xuất nguyên, phụ liệu ngành dệt may, da giầy, đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ của các FTA thế hệ mới, cũng như đẩy mạnh quá trình nội địa hóa.

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.