Kết thúc phiên 3/1, chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones giảm 284,85 điểm (-0,76%) xuống 37.430,19 điểm, S&P 500 mất 38,02 điểm (-0,8%) kết thúc ở 4.704,81 điểm, trong khi Nasdaq Composite trượt 173,73 điểm (- 1,18%) thành 14.592,21 điểm.
Đây là lần đầu tiên chỉ số S&P 500 chuẩn bắt đầu năm mới với hai lần giảm liên tiếp kể từ khi năm 2015 với ba phiên giảm điểm. Đây cũng là kết quả tồi tệ nhất trong hai ngày tính theo tỷ lệ phần trăm kể từ cuối tháng 10/2023.
Sự sụt giảm này trái ngược với đà đi lên tích cực của cả ba chỉ số chính trong hai tháng cuối năm vừa qua. S&P 500 đã tiến gần đến mức cao nhất mọi thời đại vào tuần trước khi các dấu hiệu lạm phát hạ nhiệt đã thúc đẩy các nhà đầu tư đặt cược vào khả năng cắt giảm lãi suất mạnh mẽ.
Các cổ phiếu vốn hóa lớn, vốn nhạy cảm với lãi suất, điển hình như Nvidia, Apple và Tesla đều giảm từ 0,7% đến 4%.
Cổ phiếu hàng không cũng chịu áp lực khi giá dầu tăng vọt sau các gián đoạn tại mỏ dầu hàng đầu của Libya, làm dấy lên lo ngại về chi phí nhiên liệu. Chỉ số hàng không hành khách S&P 1500 giảm 4%.
Trong khi đó, giá dầu thô cao hơn lại hỗ trợ chỉ số năng lượng, tăng 1,5%, mức dẫn đầu trong số ít các lĩnh vực S&P ghi nhận vùng tích cực.
Tài chính nằm trong số các lĩnh vực giao dịch thấp hơn, giảm 0,8%, trong đó Charles Schwab và Blackstone là những nguyên nhân kéo chỉ số này đi xuống. Cả hai doanh nghiệp lần lượt giảm 3% và 4,6% sau khi Goldman Sachs hạ mức xếp hạng cổ phiếu từ "mua" xuống "trung lập".
Cổ phiếu Citigroup tăng giá trong ngày thứ hai liên tiếp, thêm 1,1% lên mức cao nhất kể từ giữa tháng 8 năm 2022, do ngân hàng tiếp tục được hưởng lợi từ việc nâng cấp mục tiêu giá và báo cáo phân tích lạc quan từ Wells Fargo được công bố vào ngày hôm trước.
Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán của Mỹ là 11,84 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 12,35 tỷ cổ phiếu trong 20 ngày giao dịch vừa qua.
Cho đến nay, các nhà đầu tư vẫn tỏ ra thận trọng với diễn biến kinh tế và khả năng cũng như tốc độ ngân hàng trung ương Mỹ sẽ cắt giảm lãi suất trong năm 2024. Theo công cụ FedWatch của CMEGroup, trong khi Fed được nhiều người dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất vào tháng 1, thì các nhà giao dịch đã đặt cược 67% khả năng cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào tháng 3.
Biên bản cuộc họp của Fed công bố hôm 3/1 đã đưa ra một số góc nhìn sâu hơn, trong đó các nhà hoạch định chính sách dường như ngày càng tin rằng lạm phát đang được kiểm soát, với rủi ro tăng giá giảm dần và mối lo ngại về “thiệt hại” mà chính sách tiền tệ có thể gây ra cho nền kinh tế đã nguôi ngoai.
Tuy nhiên, vẫn chưa có nhiều tín hiệu được bật mí về việc khi nào cắt giảm lãi suất sẽ chính thức được bắt đầu.
Jason Betz, cố vấn tài sản tư nhân tại Ameriprise Financial, cho biết: “Thị trường muốn biết khi nào và Fed sẽ cắt giảm bao nhiêu, nhưng họ vẫn chưa có được thông tin cụ thể. Những gì chúng ta thấy trong đợt bán tháo hôm nay có thể là một chút thất vọng trước sự kín tiếng của Fed”.
Ông Betz cũng lưu ý thêm rằng việc chốt lời từ lợi nhuận của năm 2023 và động thái điều chỉnh lại cho năm mới có thể cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến suy nghĩ của các nhà giao dịch.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu tăng cao thêm 3% sau khi gián đoạn tại mỏ dầu hàng đầu của Libya làm gia tăng lo ngại rằng căng thẳng leo thang ở Trung Đông có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn cung dầu toàn cầu.
Hợp đồng tương lai dầu Brent tăng 2,36 USD, tương đương 3,1%, đạt mức 78,25 USD/thùng. Dầu thô WTI tăng 2,32 USD, tương đương 3,3%, đạt mức 72,70 USD/thùng.
Cả hai loại dầu thô chuẩn đều tăng cao sau 5 ngày với mức tăng phần trăm hàng ngày lớn nhất đối với WTI kể từ giữa tháng 11/2023.
Tại Libya, một thành viên OPEC, các cuộc biểu tình đã khiến quá trình sản xuất tại mỏ dầu Sharara, có công suất 300.000 thùng/ngày, phải dừng lại.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cao cấp tại công ty phân tích dữ liệu OANDA, nhận định: “Giá dầu giao dịch cao hơn trong ngày hôm nay do các cuộc biểu tình tại mỏ dầu lớn nhất Libya và lo ngại về các cuộc tấn công nguy hiểm ở Biển Đỏ”.
Kim Nguyễn