Để doanh nghiệp Việt Nam có thể đẩy mạnh kênh xuất khẩu thương mại điện tử, các chuyên gia cho rằng, quan trọng và ưu tiên nhất là nguồn nhân lực và kỹ năng chuyển đổi số của các nhân sự trong bối cảnh mới.
Trên thế giới, thương mại điện tử xuyên biên giới đã mở ra một kỷ nguyên mới cho nhiều doanh nghiệp trong việc gia tăng doanh số, tăng khách hàng tiềm năng, cũng như tăng khả năng tiếp cận các thị trường trước đây chưa thể đặt chân tới.
Tại Việt Nam, kênh xuất khẩu thương mại điện tử đang trở thành lựa chọn của nhiều doanh nghiệp trong nước. Tuy nhiên, thực tế thì việc thiếu nguồn lực và nhân lực phù hợp để bắt đầu chuyển đổi số cũng đặt ra nhiều thách thức trong kinh doanh.
Để giải quyết những bài toán này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho rằng, việc liên kết các hiệp hội, ngành hàng, doanh nghiệp với nhau là rất quan trọng.
Theo bà Huyền, sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, đơn vị cùng ngành sẽ giúp nâng cao nhận thức, từ đó giải quyết bài toán nguồn lực. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể tìm kiếm các tài nguyên, các chương trình đào tạo để học hỏi và phát triển kênh xuất khẩu thương mại điện tử cho riêng mình.
"Để thúc đẩy thương mại điện tử trở thành một trụ cột tiên phong của nền kinh tế số vào năm 2025, chính phủ đã thực hiện các chính sách chiến lược tích hợp các công nghệ tiên tiến của Cách mạng công nghiệp 4.0", bà Huyền chia sẻ những nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý.
Tới đây, Bộ Công Thương sẽ cùng với Amazon tạo cơ hội cho hàng nghìn doanh nghiệp Việt Nam tăng cường chuyển đổi kỹ thuật số, tiếp cận xu hướng tiêu dùng toàn cầu, tận dụng các công cụ phù hợp để xuất khẩu thông qua thương mại điện tử.
Đồng tình với quan điểm của Cục thương mại điện tử và Kinh tế số, đại diện Amazon Global Selling đã định hình ra bốn lĩnh vực trọng tâm mà các doanh nghiệp Việt Nam cần tập trung trong giai đoạn tới.
Quan trọng và ưu tiên nhất là nguồn nhân lực cho kênh xuất khẩu thương mại điện tử. Bên cạnh các chương trình đào tạo, kỹ năng chuyển đổi số cho các nhân sự được phía Amazon Global Selling đặc biệt nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, việc liên kết mạng lưới các nhà cung cấp dịch vụ thương mại điện tử xuyên biên giới cũng được xem là một ưu tiên, trong bối cảnh Việt Nam chưa thực sự hình thành một hệ sinh thái đầy đủ.
Ngoài ra, đại diện các doanh nghiệp cũng đề cập đến lực lượng các nhà sản xuất địa phương chưa được khai phá, và coi đây là một nguồn lực quý báu cần được kết nối, tăng cường nội lực nhằm thúc đẩy thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cuối cùng, phía Amazon Global Selling đưa ra lời khuyên, các doanh nghiệp nên tập trung vào việc xây dựng và phát triển thương hiệu, góp phần gia tăng giá trị của hàng Việt Nam trên thị trường toàn cầu.
Ông Gijae Seong - Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam chia sẻ: "Tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam là vô cùng lớn. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp trong nước nắm bắt cơ hội toàn cầu này".
Qua 5 năm đẩy mạnh kênh xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam, ông Gijae Seong cho biết, chỉ số tăng trưởng mạnh mẽ nhất chính là số lượng sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam bán ra trên Amazon đã tăng tới 300%.
Bên cạnh đó, số lượng doanh nghiệp Việt Nam đạt doanh số 1 triệu USD/ năm trên Amazon cũng tăng vọt gấp 10 lần trong vòng 5 năm qua.
Hiện tại, dữ liệu từ đơn vị này cho thấy, danh mục sản phẩm có tỷ lệ tăng trưởng cao nhất từ các doanh nghiệp Việt Nam bao gồm: sức khỏe và chăm sóc cá nhân; nhà cửa; nhà bếp, may mặc và làm đẹp.
Theo ông Gijae Seong, xu hướng này phản ánh nỗ lực đổi mới không ngừng của các doanh nghiệp, liên tục mở rộng, đa dạng hóa danh mục sản phẩm, đáp ứng thị hiếu ngày càng tăng của khách hàng.
"Lấy khách hàng làm trọng tâm là cách tiếp cập tạo yếu tố cạnh tranh quan trọng cho các doanh nghiệp Việt, cho thấy khả năng thích ứng linh hoạt để phát triển trên trường quốc tế, trở thành nhà cung ứng ngày một quan trọng trong thương mại điện tử xuyên biên giới", lãnh đạo Amazon Global Selling nói.
NextTech muốn đầu tư vào các startup thương mại điện tử
Việt Hưng