Theo tổng giám đốc TCBS, sau những "cú sốc về khủng hoảng niềm tin" trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, sự thay đổi cơ sở hạ tầng của thị trường này trong hai năm qua đã bằng mười mấy năm trước cộng lại.
Tại Hội nghị thị trường vốn nợ Việt Nam 2024, bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Tổng giám đốc của chứng khoán Techcombank (TCBS) chia sẻ tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) trong năm vừa rồi rất khó khăn khi nhà đầu tư mất niềm tin.
Theo bà Hiền, sau những vụ việc tiêu cực trên thị trường trái phiếu, rất khó để phát hành TPDN với kỳ hạn dài như trước.
"Chúng tôi đã phải phát hành trái phiếu có kỳ hạn ngắn chỉ khoảng 13 tháng, đi kèm với bảo lãnh TPDN để tiếp cận đối tượng nhà đầu tư có tiền nhưng niềm tin của họ vẫn chưa đủ", bà Hiền chia sẻ.
Trong giai đoạn khó khăn đó, một số ngân hàng cũng tham gia vào bảo lãnh trái phiếu như Techcombank cùng với TCBS. Nhờ đó, các loại trái phiếu này dần được nhà đầu tư quan tâm hơn. Sau một loạt trái phiếu chỉ phát hành với thời hạn dưới 13 tháng thì đến nay, TPDN đã dần lấy lại niềm tin, các đợt phát hành gần đây đã có thời hạn kéo dài hơn, từ hai tới ba năm.
Tổng giám đốc TCBS cho biết, để lấy lại niềm tin của thị trường trái phiếu doanh nghiệp thì quan trọng nhất là sự minh bạch. Và cũng nhờ những "cú sốc" nên trong hai năm qua, sự thay đổi cơ sở hạ tầng cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp bằng mười mấy năm trước.
Nỗ lực của Chính phủ và Bộ tài chính đã đưa ra được cơ sở rất tốt cho thị trường, từ việc có sàn giao dịch trái phiếu riêng lẻ tập trung đến các quy định tăng tính minh bạch của thị trường. Thanh khoản của thị trường cũng sôi động hơn, nhà đầu tư giao dịch trái phiếu chứ không chỉ mua để nắm giữ chờ đến kỳ hạn thanh toán như trước.
Với những nỗ lực của các bên, bà Hiền cho rằng dù khó nhưng vẫn có thể sớm "mở khoá" thị trường trái phiếu doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc của FiinRatings cho biết, quy mô kênh trái phiếu doanh nghiệp đã đạt 11% GDP vào cuối năm 2023, phần nào thể hiện tín hiệu phục hồi tích cực sau những sự kiện "khủng hoảng niềm tin" cách đây hơn 1 năm.
Sự thay đổi về thành phần nhà đầu tư mua trái phiếu cũng thể hiện sự trưởng thành của thị trường. Sau khi có các quy định mới về nhà đầu tư chuyên nghiệp thì nhà đầu tư cá nhân hiện không còn chiếm tỷ trọng lớn khi tham gia vào trái phiếu riêng lẻ.
Theo ước tính của FiinRatings, cả năm 2023 chỉ có khoảng 7% trong tổng số hơn 300 ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp phát hành là nhà đầu tư cá nhân mua, trong khi con số này các năm trước là 30-40%.
“Đó là một chủ trương và xu hướng đúng theo thông lệ quốc tế và đặc biệt là theo đặc thù trong giai đoạn đầu mới phát triển của thị trường Việt Nam khi mà kiến thức và hiểu biết về sản phẩm này còn chưa cao, nhất là về khía cạnh rủi ro khi đầu tư”, ông Nguyễn Quang Thuân nhận định.
Hiện tại, nhà đầu tư là các ngân hàng thương mại và công ty chứng khoán vẫn có vai trò quan trọng nhất trên thị trường TPDN. Đây là nhóm tạo nền tảng cho thị trường vốn này. Mặc dù vậy, để đạt được kỳ vọng là kênh dẫn vốn quan trọng cho doanh nghiệp khi Chính phủ Việt Nam đã đặt mục tiêu tăng quy mô của thị trường này lên mức 20% GDP vào năm 2025 và 30% vào năm 2030 sẽ cần thêm những cơ chế thu hút đầu tư dài hạn thực sự hấp dẫn cho nhiều nhóm nhà đầu tư hơn nữa.
Chẳng hạn, nhà đầu tư nước ngoài đang gần như không tham gia vào thị trường TPDN Việt Nam. Theo các đại biểu thảo luận tại Hội thảo, điều các nhà đầu tư nước ngoài cần là thị trường minh bạch hơn, xếp hạng tín nhiệm rõ ràng, có cơ chế xử lý tài sản đảm bảo khi doanh nghiệp gặp khó khăn không thể đáp ứng được nghĩa vụ nợ hoặc thậm chí phá sản.
Cùng với những chính sách thông thoáng cho nhà đầu tư tổ chức và cá nhân tham gia để tăng tính thanh khoản, thì nhà đầu tư nước ngoài sẽ từng bước tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp của Việt Nam.
“Hiện dòng vốn tín dụng xanh cam kết bởi các nhà đầu tư nước ngoài rất lớn, các quỹ hưu trí quốc tế họ cũng có quy mô lớn hơn hàng trăm lần so với các quỹ đầu tư vốn cổ phần, tuy nhiên họ tham gia còn rất hạn chế vào Việt Nam”, ông Thuân nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, ông Mitsuhiro Yamawaki, Giám đốc Rủi ro CGIF (Quỹ tín thác của ADB) nói: “Việc bảo lãnh tín dụng, xếp hạng tín nhiệm là việc những tổ chức như chúng tôi đứng ra bảo lãnh cho các nhà phát hành trái phiếu, nếu xảy ra rủi ro về thanh khoản, chúng tôi sẽ đứng ra chi trả cho các nhà đầu tư, đồng thời làm việc với nhà phát hành để tái cấu trúc lại. Nghiệp vụ này cần được triển khai mạnh hơn ở Việt Nam để thị trường vốn nợ phát triển bền vững hơn”.
Cuối cùng, hầu hết các thành phần nhà đầu tư đều đồng tình để khơi thông được thị trường vốn nợ, vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm là không thể thiếu. Việc xếp hạng có chất lượng, cho vay dựa trên xếp hạng tín nhiệm giúp cho các doanh nghiệp có thể vay với lãi suất thấp hơn nhằm khơi thông thị trường vốn nợ Việt Nam.
Trần Anh