Luật chơi mới cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng

Thực hành ESG trong các doanh nghiệp ngành vật liệu xây dựng là con đường bắt buộc phải đi nếu muốn tồn tại trong xu hướng phát triển bền vững chung hiện nay.

Con đường bắt buộc phải đi

Ông Đinh Hồng Kỳ, Chủ tịch hội đồng Viện ESG và phát triển bền vững (IES) cho biết, vật liệu xây dựng là ngành thâm dụng tài nguyên và phát thải khí nhà kính lớn khi chiếm 40% lượng CO2 thải ra môi trường hàng năm.

Luật chơi mới cho doanh nghiệp vật liệu xây dựng
Sản xuất thép ở khu liên hợp sản xuất gang thép Hoà Phát Hải Dương. Ảnh Hoàng Anh

Theo số liệu kiểm kê phát thải nhà kính của Bộ Xây dựng, năm 2015 ngành vật liệu xây dựng phát thải 63 triệu tấn CO2 ra môi trường, năm 2020 tăng lên 87 triệu tấn. Dự báo con số này có thể tiếp tục tăng lên mức 125 triệu tấn vào năm 2030 và lên đến 148 triệu tấn vào năm 2050.

Hiện nay, Việt Nam có 50 cơ sở sản xuất xi măng và 91 cơ sở sản xuất thép. Trong đó, lượng phát thải CO2 mà các cơ sở sản xuất xi măng thải ra môi trường vào năm 2015 chiếm 70% lượng phát thải trong ngành vật liệu xây dựng và đến năm 2020 là 75%. Đối với sản xuất thép, năm 2016 lượng phát thải ra môi trường khoảng 12,7 triệu tấn CO2.

Thực trạng này cho thấy, ngành vật liệu xây dựng đang cần nhanh chóng thực hành ESG để hoà nhập vào xu hướng phát triển bền vững của nền kinh tế cả trong nước và thế giới. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi để phát triển bền vững trong ngành vật liệu xây dựng vẫn còn gặp nhiều khó khăn và diễn ra chậm hơn so với mặt bằng chung.

Theo ông Kỳ, để đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững trong lĩnh vực này, các doanh nghiệp không chỉ cần nhận thức đúng đắn mà còn phải hiểu được những giá trị mà ESG mang lại để chuyển đổi từ chiến lược sang thực hành hiệu quả.

ESG không chỉ đơn thuần là một bộ tiêu chuẩn, không phải đích đến mà là một hành trình dài. Điều này có nghĩa, khi xây dựng được bộ tiêu chuẩn ESG rồi thì phải duy trì thực hành liên tục đến khi nào doanh nghiệp còn tồn tại. Đây cũng là nguyên nhân khiến ESG không có khung chuẩn cố định mà mỗi ngành, mỗi doanh nghiệp sẽ có một khung khác nhau.

Hoạt động trong lĩnh vực thâm dụng nguyên liệu, phát thải khí nhà kính lớn, câu chuyện thực hành và triển khai thành công báo cáo ESG của Xi măng Fico-YTL để lại nhiều bài học lớn cho các doanh nghiệp nhất là trong lĩnh vực sản xuất xi măng.

Giám đốc điều hành xi măng Fico-YTL Nguyễn Công Bảo cho biết, thực hành ESG là con đường tất yếu của doanh nghiệp sản xuất xi măng, đây là khoản đầu tư cho tương lai nhằm thích ứng với luật chơi toàn cầu. Từ năm 2019, khi tập đoàn YTL trở thành cổ đông chiến lược, công ty đã công bố chiến lược phát triển bền vững giai đoạn 2020 - 2025.

Nhờ có sự chuẩn bị sớm nên sau hơn 1 năm thực hiện, năm 2023 Xi măng Fico-YTL đã tiên phong phát hành báo cáo bền vững và coi đây là con đường chiến lược để có chỗ đứng trên thị trường trong tương lai.

"Thực hành ESG là con đường tất yếu của doanh nghiệp sản xuất xi măng, đây là khoản đầu tư cho tương lai nhằm thích ứng với luật chơi toàn cầu", ông Nguyễn Công Bảo Giám đốc điều hành xi măng Fico-YTL.

Phát thải của Xi măng Fico-YTL năm 2023 ở mức 490kg CO2/tấn xi măng, thấp hơn so với mục tiêu 650kg/tấn trong Quyết định 1266/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050. Hiện nay các sản phẩm của Fico-YTL đều đạt các thứ hạng cao nhất về “Nhãn Xanh” của Hội đồng Công trình xanh Singapore.

Cần khung pháp lý về ESG

Mặc dù phát triển bền vững được xem là xu hướng tất yếu nhưng để hiện thực hóa chiến lược này nhất là thực hành ESG, doanh nghiệp vật liệu xây dựng gặp không ít rào cản.

Theo TS. Lê Văn Quang, Giám đốc Phân viện Vật liệu xây dựng miền Nam, áp dụng ESG là cơ hội của các doanh nghiệp, tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam chưa có chế tài nên việc thực hành ESG trong doanh nghiệp chưa phổ biến. Do đó, Chính phủ cần có khung pháp lý cụ thể để thúc đẩy các doanh nghiệp thực hiện.

Từ thực tế quan sát hoạt động của nhiều doanh nghiệp, Chủ tịch IES Đinh Hồng Kỳ cho biết, hầu hết doanh nghiệp vật liệu xây dựng đều nghe đến Net Zero nhưng lại không biết bắt đầu từ đâu để thực hiện nó. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến số lượng doanh nghiệp trong ngành này thực hành ESG còn ít.

Trong khi đó, các thị trường nhập khẩu chính đặc biệt là EU đã bắt đầu áp dụng những quy định chặt chẽ hơn. Đơn cử như tháng 10/2023, thị trường EU đã triển khai cơ chế điều chỉnh carbon xuyên biên giới (CBAM) cho sáu mặt hàng nhập khẩu bao gồm xi măng phải có khai báo phát thải khí nhà kính. Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng có sản phẩm xuất khẩu sang EU buộc phải có chiến lược thực hành ESG nếu không muốn tự loại mình khỏi cuộc chơi.

Một bài học được ông Kỳ dẫn lại, sau dịch Covid-19, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam lâm vào tình trạng thiếu đơn hàng, trong khi doanh nghiệp cùng ngành của Bangladesh lại không đáp ứng hết đơn hàng.

Nguyên nhân chính là họ đã thực hiện các tiêu chuẩn xanh từ trước đó và hầu như đáp ứng được các điều kiện của thị trường EU và Mỹ đặt ra nên đã thắng thế trước doanh nghiệp Việt.

Từ thực tế thực hành chiến lược ESG tại doanh nghiệp, ông Nguyễn Công Bảo, Giám đốc điều hành Xi măng Fico-YTL cho rằng, thiếu tư duy phát triển bền vững là một trong những rào cản lớn nhất khiến các doanh nghiệp khó thực hành ESG.

Một nguyên nhân nữa theo ông Bảo là Việt Nam chưa có lộ trình cụ thể đối với ngành nào, doanh nghiệp nào cần có báo cáo ESG bài bản để hướng đến phát triển bền vững.

Giải quyết tận gốc điểm yếu ngành lúa gạo

Giải quyết tận gốc điểm yếu ngành lúa gạo

Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 được kỳ vọng sẽ giải quyết vấn đề phân mảnh, nhỏ lẻ, tự phát của ngành lúa gạo, hướng đến chuyên nghiệp, minh bạch, bền vững và có trách nhiệm.

Chậm nộp báo cáo tài chính và lỗ triền miên, loạt cổ phiếu HBC, POM và HNG đối diện 'án' huỷ niêm yết

Chậm nộp báo cáo tài chính và lỗ triền miên, loạt cổ phiếu HBC, POM và HNG đối diện 'án' huỷ niêm yết

Theo HOSE, cổ phiếu HBC và POM có khả năng bị hủy niêm yết do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp. Còn cổ phiếu HNG có khả năng bị hủy niêm yết bắt buộc nếu báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán năm 2023 của công ty tiếp tục có kết quả kinh doanh thua lỗ...

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.