Xuất khẩu dệt may lo khó cạnh tranh nếu thuế đối ứng có hiệu lực

Theo dự kiến, mức thuế đối ứng mà Mỹ tuyên bố tuần trước với nhiều đối tác thương mại, trong đó có Việt Nam, sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 9/4 tới đây. Việt Nam thuộc nhóm các nước chịu thuế cao nhất, ở mức 46%.

“Tác động tiêu cực của mức thuế này là quá lớn với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành dệt may nói riêng, nếu chính sách này được thực thi đúng thời hạn đã công bố”, ông Trương Văn Cẩm, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), nhận định trong phát triển tại hội nghị chiều ngày 7/8 với Thủ tướng.

“Đặc biệt, thuế này ảnh hưởng đến nguồn lực cho phát triển doanh nghiệp, đến giữ chân và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, đến khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam”, ông nhấn mạnh.

Trước đó, tại hội nghị ngày 4/4 với Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, ông Cẩm cho biết, các doanh nghiệp trong ngành lo lắng và có tâm lý bất an do biên lợi nhuận của dệt may rất mỏng. 

Cùng với đó, các doanh nghiệp phải cạnh tranh gay gắt với các nước xuất khẩu dệt may khác, đặc biệt khó khăn khi mức thuế áp cho Việt Nam cao hơn nhiều so các nước cùng cạnh tranh xuất khẩu vào Mỹ như Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia…

Ông cho rằng, lĩnh vực dệt may Việt Nam hoàn toàn không cạnh tranh với Mỹ, mà có xu hướng lấn dần tỷ trọng xuất khẩu dệt may của Trung Quốc tại thị trường này. 

Cùng với đó, mức thuế cao sẽ ảnh hưởng lớn đến thu hút đầu tư vào nguồn cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam là dệt vải và nhuộm để đáp ứng quy tắc xuất xứ các hiệp định thương mại. 

Hiện Mỹ là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng hơn 1/3 tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành này trong năm ngoái. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu tăng tới hơn 12% so với năm 2023. 

“Việc xuất khẩu này không chỉ tạo việc làm cho người lao động trong nước mà còn mang lại lợi ích cho người tiêu dùng tại Mỹ”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Tìm hướng cho xuất khẩu dệt may

Đại diện Vitas khuyến nghị, các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang Mỹ cần hết sức tỉnh táo, tự tin, cập nhật tình hình, hợp tác chặt chẽ với nhau, với các nhà mua hàng cùng tìm giải pháp, chia sẻ rủi ro, lợi ích. 

Đặc biệt, thực hiện đa dạng hóa thị trường, nhất là các thị trường có tiềm năng như thị trường Việt Nam đã ký hiệp định thương mại tự do như thị trường Halal, Nam Mỹ…

Cùng với đó, doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội về chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo để nâng cao năng lực nội tại, ứng phó hiệu quả với biến động và yêu cầu thị trường trong dài hạn.

Đại diện hiệp hội dệt may cũng kiến nghị, bên cạnh việc đàm phán với Mỹ về chính sách thuế mới công bố, Việt Nam nên xúc tiến nhanh đàm phán hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada hoặc có thể khởi động song phương FTA Việt Nam – Canada để có thể quy định xuất xứ 2 công đoạn mà dệt may Việt Nam và Canada cùng quan tâm, thay vì 3 công đoạn trong CPTPP mà hai nước là thành viên.

Không chỉ vậy, cần rà soát, ban hành mới và duy trì các chính sách thuế, phí, lệ phí, tiếp cận vốn vay, giảm lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ, giảm các khoản đóng góp để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tin liên quan

Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.