Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 đối mặt với nhiều thách thức nội tại.
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi mạnh mẽ sau đại dịch với tăng trưởng GDP cả năm 2022 đạt 8,2% trong khi lạm phát được kiểm soát tốt, dự báo CPI bình quân cả năm 2022 tăng 3,15% (thấp hơn mục tiêu khoảng 4%). Cùng với đó, thị trường tài chính tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng và điều tiết vốn cho nền kinh tế.
Mặc dù vậy, nhìn nhận một cách tổng thể bức tranh chung của kinh tế Việt Nam và thế giới, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, kinh tế thế giới và Việt Nam đã trải qua gần 3 năm ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 và đến nay vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Trong đó, có thách thức lớn đến từ tình hình thế giới. Kinh tế thế giới sau khi phục hồi mạnh mẽ năm 2021, đã và đang giảm đà phục hồi năm 2022, có nguy cơ suy thoái cục bộ trong năm 2023. Kinh tế Việt Nam có độ trễ nhất định so với thế giới và thị trường tài chính cũng có những tồn tại, rủi ro, có khả năng ảnh hưởng tới sự phát triển bền vững trong năm 2023 và sau đó.
Ông Lực phân tích, trong năm 2022, kinh tế thế giới hồi phục tốt trong 2 tháng đầu năm khi dịch bệnh được kiểm soát và hầu hết các nước dần mở cửa nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế toàn cầu đã đánh mất cơ hội phục hồi khi khủng hoảng nổ ra tại Ukraine từ cuối tháng 2 đến nay và dịch Covid-19 bùng phát trở lại cùng với chính sách Zero-covid tại Trung Quốc, từ đó, tác động tiêu cực đến sức cầu, chuỗi sản xuất, cung ứng, giá cả hàng hóa và lạm phát, thị trường tài chính – tiền tệ, tăng rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực ở nhiều nước.
Bên cạnh đó, lạm phát tăng mạnh tại hầu hết các nước, buộc ngân hàng thương mại các nước liên tục tăng lãi suất nhanh và mạnh; mặt bằng lãi suất, tỷ giá tăng nhanh; giảm mạnh sức cầu thương mại, đầu tư, tiêu dùng, tăng rủi ro tài chính, rủi ro nợ tại nhiều quốc gia, nguy cơ suy thoái hiện hữu.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự báo giảm mạnh từ 6% năm 2021 xuống khoảng 3% năm 2022 và 2,2-2,7% năm 2023. Nhiều nền kinh tế như Mỹ, châu Âu phải đối mặt với rủi ro suy thoái trong năm 2023.
Theo IMF (10/2022), các nền kinh tế phát triển dự báo tăng trưởng năm 2022 và 2023 lần lượt là 2,4% và 1,1%. Trong đó, tăng trưởng GDP Mỹ lần lượt là 1,6% và 1%, khu vực châu Âu là 3,1% và 0,5%; Nhật Bản là 1,7% và 1,6%...); các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển dự báo tăng trưởng năm 2022 và 2023 lần lượt là 3,7% và 3,7%. Tăng trưởng GDP Trung Quốc lần lượt là 3,2% và 4,4%; Ấn Độ là 6,8% và 6,1%...
Trong khi đó, dự báo lạm phát (CPI) toàn cầu năm 2022 tăng 8,8% (tại các nước phát triển là 7,2% và tại các nước mới nổi và đang phát triển là 9,9%), trước khi giảm xuống mức 6,5% năm 2023 và khoảng 4% năm 2024.
Năm 2023, sáu rủi ro, thách thức chính mà kinh tế thế giới sẽ tiếp tục phải đối mặt bao gồm: dịch Covid-19 và các dịch bệnh khác diễn biến phức tạp, khó lường; rủi ro địa chính trị và cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn còn hiện hữu; kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng chậm; lạm phát còn ở mức cao, áp lực lãi suất, tỷ giá tăng còn diễn ra (ít nhất là hết quý 2/2023), khiến kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại và có nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái ngắn hạn ở một số quốc gia.
Mặt khác, thiên tai, lũ lụt, biến đổi khí hậu bất thường; rủi ro tài chính (nợ công, nợ doanhng nghiệp và hộ gia đình, thanh khoản thị trường tài chính...) ở mức cao khi lãi suất còn cao, tỷ giá chưa giảm nhiều cũng ảnh hưởng tới khả năng phục hồi kinh tế.
Nhìn nhận về các rủi ro từ tình hình thế giới tác động đến kinh tế Việt Nam, Cushman & Wakefield cũng cho rằng, là nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam vẫn sẽ đối mặt với nhiều thách thức trong năm 2023.
Việt Nam là nền kinh tế có sự phụ thuộc vào các thị trường lớn, trong khi đó, kinh tế thế giới lại đang có dấu hiệu chững lại hoặc bước đầu suy thoái, lạm phát gia tăng và chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia.
Trong năm 2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã trải qua 4 lần tăng lãi suất với bước nhảy 0,5-0,75% mỗi lần, hiện ghi nhận ở mức 4,25-4,5%. Vào giữa tháng 12, FED dự kiến vẫn sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2023 và không giảm trước năm 2024, tuy với tốc độ giảm nhẹ so với trước đó (0,5%), và đặt mục tiêu ở mức 5,1%. Tuy vậy, trước đó các nhà đầu tư dự báo lãi suất có thể lên đến 6% trong kịch bản tiêu cực.
Bên cạnh các thách thức từ bên ngoài, đối với tình hình trong nước, ông Lực cũng chỉ ra sáu khó khăn, thách thức chính mà kinh tế Việt Nam vẫn phải đối mặt.
Thứ nhất là môi trường quốc tế đang kém thuận lợi; một số khu vực, quốc gia, đặc biệt là các đối tác kinh tế lớn của Việt Nam có thể rơi vào suy thoái nhẹ, làm giảm lực cầu xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng và du lịch quốc tế.
Thứ hai, giải ngân đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi 2022-2023 vẫn còn chậm. Thứ ba, áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất còn tăng và vẫn là thách thức lớn trong năm 2023.
Thứ tư, nợ xấu tiềm ẩn có thể gia tăng trong thời gian tới. Thứ năm, rủi ro thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản và thanh khoản hệ thống ngân hàng chưa giảm rõ rệt. Thứ sáu là thị trường lao động xuất hiện dấu hiệu đáng lo ngại.
Trước bối cảnh trên, ông Lực dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ chậm lại, nhưng vẫn đứng ở mức khá, khoảng 6-6,5%. Trong đó, xuất khẩu sẽ tăng khoảng 8-10%, đầu tư (trong và ngoài nước) tăng khoảng 8%, tiêu dùng cuối cùng tăng khoảng 9-10%.
Về lạm phát, dự báo CPI bình quân năm 2023 sẽ ở mức 4-4,5% (từ mức 3,3% năm 2022) do có độ trễ vì nhập khẩu nhiều, lượng cung tiền lớn hơn theo thời vụ cuối năm 2022 và năm tới cũng là thời điểm phải chấp nhận tăng một số mặt hàng do Nhà nước quản lý như lương cơ bản, giá điện, y tế, giáo dục...
Bên cạnh đó, áp lực lãi suất, tỷ giá tăng vẫn còn lớn và đang là thách thức đối với điều hành kinh tế vĩ mô; thu ngân sách cũng sẽ khó khăn hơn do doanh nghiệp còn nhiều rào cản, thách thức.