BIM Group: Đế chế không người ngoài liên tục mở rộng lãnh thổ

Không ngừng mở rộng lãnh thổ tới nhiều lĩnh vực chủ chốt của nền kinh tế là mục tiêu và tham vọng của đại gia Đoàn Quốc Việt, Chủ tịch BIM Group...
BIM Group
Không dừng lại chỉ ở 4 lĩnh vực cốt lõi, năm 2022, tập đoàn BIM Group còn muốn lấn sân sang cả lĩnh vực hoá chất

Không chỉ tập trung phát triển mạnh lĩnh vực phát triển du lịch và đầu tư bất động sản, BIM Group còn khẳng định vị thế của mình trong những lĩnh vực khác như: nông nghiệp – thực phẩm (chuyên sản xuất muối và nuôi tôm); dịch vụ thương mại (với các thương hiệu nổi tiếng như: Elite Fitness & Spa, Zpizza); năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió); hoá chất.

THAM VỌNG NÔNG NGHIỆP - THỰC PHẨM

Sau khi về nước và thành công ở một số dự án bất động sản ở Hạ Long, ông Đoàn Quốc Việt đã dần lấn sang lĩnh vực nông nghiệp, cụ thể là chuyên sản xuất muối, tôm - hàu và gạo. Sự thay đổi này đã giúp BIM Group nổi danh là một trong những đơn vị sản xuất muối công nghiệp và nuôi trồng, sản xuất thủy hải sản lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Để phát triển lĩnh vực này, BIM Group đã lập nên một loạt các công ty con như: Công ty Cổ phần thực phẩm BIM, Công ty Cổ phần Muối Ninh Thuận, Công ty Cổ phần Xay xát và Chế biến Gạo BIM, Công ty Cổ phần Sản xuất và Chế biến muối BIM, Công ty Cổ phần Thuỷ sản BIM,...

Trong đó, Công ty Cổ phần thực phẩm BIM được thành lập từ những năm 2007 và có trụ sở chính tại toà nhà của BIM tại thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh - nơi mà hầu hết các đơn vị thành viên của BIM Group đăng ký làm trụ sở. Người đại diện đã được thay đổi từ ông Đoàn Quốc Việt thành Đoàn Quốc Huy - con trai ông Việt. Trong đó, ông Việt là Chủ tịch và ông Huy là Tổng giám đốc.

Theo đăng ký kinh doanh, tháng 4/2023, vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Thực phẩm BIM tăng từ 852 tỷ đồng lên 1.102 tỷ đồng; 2 tháng sau (ngày 12/6), tiếp tục tăng lên 1.626 tỷ đồng.

Đến năm 2018, BIM Group tiếp tục thành lập thêm Công ty Cổ phần Thuỷ sản BIM để hỗ trợ Công ty Cổ phần thực phẩm BIM thực hiện nhiều dự án về sản xuất tôm và hàu. Người đại diện, kiêm Tổng giám đốc công ty là ông Đoàn Quốc Huy.

Cũng giống như Công ty Cổ phần Thực phẩm BIM, theo đăng ký kinh doanh tháng 4/2023, vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Thuỷ sản BIM tăng từ 1.154 tỷ đồng lên 1.404 tỷ đồng; 2 tháng sau (ngày 9/6), vốn điều lệ đã được tăng lên 1.928 tỷ đồng.

Được biết, các công ty này của BIM là các đơn vị quản lý và thực hiện các dự án nuôi trồng và sản xuất thủy hải sản... của tập đoàn để cung cấp trong nước và đem đi xuất khẩu.

Hiện tại, diện tích nuôi trồng của tập đoàn này đã trải rộng hàng nghìn ha, tại các địa phương như Quảng Ninh, Kiên Giang và Ninh Thuận. Trong đó nổi bật như: Khu nuôi tôm Minh Thành (2001) quy mô 251ha tại Quảng Ninh, với sản lượng trung bình tới 2.000 tấn mỗi năm; trong khi, nhà máy chế biến thủy sản Tắc Cậu có sản lượng lên tới 13.000 tấn thành phẩm mỗi năm...

Hay như khu nuôi tôm Đồng Hoà (2004) có quy mô 1.234 ha tại Kiên Giang, với năng suất ổn định khoảng 16 tấn mỗi ha và xuất đi các thị trường như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản. Trung tâm phát triển nguồn giống đảo Phú Quốc (2005) với quy mô 42ha và mỗi năm BIM nuôi và gây tôm giống với công suất tối đa tới 3 tỷ con.

7B6C16248AE54218495B128F107DDCB0.jpg
Sản xuất tôm đang là một trong những thế mạnh của BIM Group

Bên cạnh việc đẩy mạnh nuôi tôm, các công ty phụ trách lĩnh vực nông nghiệp – thực phẩm của tập đoàn này còn đầu tư khu nuôi hàu Thái Bình Dương trên vịnh Bái Tử Long quy mô 1.000ha.

Trong những năm gần đây, tập đoàn này còn liên tục đẩy mạnh phát triển ngành thuỷ sản, điều này cho thấy phần nào tham vọng của BIM Group trong việc muốn làm "bá chủ" ngành thuỷ sản, cạnh tranh với những doanh nghiệp lớn khác trên cả nước. Nhất là trong bối cảnh kinh tế như hiện nay - lương thực, thực phẩm là mặt hàng "có giá trị cao".

Ngoài đầu tư vào lĩnh vực thuỷ sản, BIM Group còn giới thiệu đang sở hữu cánh đồng muối rộng 2.500ha tại Quán Thẻ, tỉnh Ninh Thuận - một trong ba cánh đồng muối lớn nhất Đông Nam Á, với sản lượng trên 350.000 tấn muối mỗi năm. Tính cả cánh đồng muối Cà Ná và Tri Hải, tập đoàn cung cấp khoảng khoảng 60-70% sản lượng muối công nghiệp cho cả nước.

Nhưng với sản lượng cung cấp này đã khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, liệu rằng, BIM Group có đang trở thành doanh nghiệp thao túng thị trường muối của cả nước?

Cũng giống như lĩnh vực thuỷ sản, BIM Group đã đầu tư vào ngành này từ những năm 2006 với pháp nhân là Công ty cổ phần Muối Ninh Thuận. Công ty đặt trụ sở tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Ninh Thuận. Người đại diện theo pháp luật, kiêm Giám đốc công ty là ông Nguyễn Đức Phấn (sinh năm 1955). Ông Phấn đăng ký hộ khẩu thường trú tại phường Cao Thắng, thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh.

Được biết, cổ đông sáng lập của Công ty cổ phần Muối Ninh Thuận gồm có: Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (đại diện giữ phần vốn là ông Đoàn Quốc Việt, ông Nguyễn Đức Phân, ông Nguyễn Công Niềm và bà Phan Thị Ngọc Ánh), chiếm 92,110% cổ phần, tương đương 104,144 tỷ đồng và các cổ đông khác chiếm 7,89% cổ phần, tương đương 8,924 tỷ đồng.

Đến ngày 4/10/2011, BIM Group tiếp tục lập thêm Công ty Cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận và hiện có 3 cổ đông chính, những vẫn là các thành viên trong tập đoàn như: Công ty Cổ phần Sản xuất và Chế biến muối BIM (đại diện giữ phần vốn góp là bà Khổng Thị Hiền), ông Đoàn Quốc Việt và ông Đoàn Quốc Huy.

Hai tháng sau, vào ngày 22/12/2011, tập đoàn này lập thêm một đơn vị sản xuất muối cho khu vực Cà Ná, đó chính là Công ty Cổ phần Sản xuất và Chế biến muối BIM. Hiện tại, cổ đông chính góp vốn cho công ty này gồm có: Công ty Cổ phần Thực phẩm BIM, Công ty Cổ phần Xay xát và Chế biến Gạo BIM, ông Đoàn Quốc Việt và ông Đoàn Quốc Huy.

29815A290C9BECE4676546D245772AE2.png
Vừa sản xuất muối, vừa thực hiện điện gió mục tiêu chiến lược của tập đoàn BIM Group

Đáng chú ý, trong lĩnh vực nông nghiệp - thực phẩm của BIM Group mang đậm dấu ấn của bà Khổng Thị Hiền - vợ của Chủ tịch Đoàn Quốc Việt. Đây cũng là người phụ nữ đã cùng đại gia Việt đi suốt những chặng đường từ Ba Lan về tới Việt Nam và xây dựng nên đế chế giàu gia đình "nứt đố đổ vách" BIM Group.

Ngoài giữ chức Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, bà Hiền còn là Chủ tịch HĐQT, kiêm người đại diện pháp luật của Công ty Cổ phần Xay xát và Chế biến Gạo BIM (chủ đầu tư dự án Nhà máy xay xát và chế biến gạo Hòn Đất).

Công ty này được thành lập năm 2011 và có địa chỉ đăng ký trụ sở chính tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang. Đại diện góp vốn góp của doanh nghiệp này gồm có Công ty Cổ phần Sản xuất và Chế biến muối BIM (đại diện là bà Khổng Thị Hiền), ông Đoàn Quốc Việt và Khổng Thị Hiền.

Được biết, nhà máy xay xát và chế biến gạo Hòn Đất hiện đang thực hiện việc sấy, xay xát gạo, đánh bóng gạo, điện trấu, chức năng kho gạo và sản xuất thức ăn gia súc cung cấp cho thị trường.

LẤN SÂN SANG LĨNH VỰC NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO

Năm 2018, tập đoàn BIM Group thực hiện việc tái cấu trúc và quyết định lấn sân sang lĩnh vực năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió) - lĩnh vực kinh tế đang nóng dần lên trong những năm qua. Với việc thành lập thêm một loạt công ty con như: Công ty cổ phần Điện gió BIM, Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM (BIM Energy), Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng BIM,...

Trong đó, đáng chú ý, BIM Energy được thành lập vào tháng 9/2017, bởi hai thành viên lâu năm trong hệ sinh thái BIM Group là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển sản xuất Hạ Long (chiếm 99,33% vốn góp) và Công ty Cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận (chiếm 5,33% vốn góp), cùng ông Đoàn Quốc Huy (chiếm 0,33% vốn góp).

Công ty có địa chỉ tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Người đại diện, kiêm Tổng giám đốc là ông Đoàn Quốc Huy và vẫn theo quy mô cũ ông Đoàn Quốc Việt là Chủ tịch HĐQT công ty.

Vốn điều lệ ban đầu của BIM Energy là 150 tỷ đồng, sau đó tăng 300 tỷ đồng và tiếp tục nhích dần lên 160,714 tỷ đồng, 214,285 tỷ đồng, 283,025 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại dừng ở mức 352,941 tỷ đồng.

Và tất nhiên, mỗi lần tăng vốn cũng đồng nghĩa phần góp vốn của các cổ đông cũng có sự thay đổi và bắt đầu ghi nhận sự góp mặt của cổ đông nước ngoài - AC Energy Vietnam Investments Pte Ltd, có trụ sở tại Singapore.

Đây cũng chính là thành viên của tập đoàn năng lượng Ayala (Philippines) và sau đó liên tục tăng tỷ lệ sở hữu tại BIM Energy, lên mức 47,002% vốn vào cuối năm 2019. Đến tháng 1/2021, tỷ lệ sở hữu của pháp nhân này tại BIM Energy đã nâng lên mức 49%.

Cùng với đó, Công ty Cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận thoái vốn hoàn toàn và ông Đoàn Quốc Huy chỉ còn sở hữu 0,353% vốn điều lệ của BIM Energy.

Vào năm 2019, Công ty Cổ phần Năng lượng tái tạo BIM đã đưa vào vận hành cụm dự án điện mặt trời 330 MW có tổng vốn đầu tư lên tới 7.000 tỷ đồng tại Ninh Thuận. Như vậy, tập đoàn BIM Group sở hữu nhà máy lớn nhất khu vực, bên cạnh Khu kinh tế công nghiệp muối lớn nhất Đông Nam Á, có diện tích hơn 2.200ha cũng nằm tại Ninh Thuận.

Điều đáng nói, khi đó, vốn điều lệ công ty chỉ vỏn vẹn có 214,285 tỷ đồng, bằng 3% tổng vốn đầu tư dự án này.

0C5CEDCCF6ADAEFB8DCE23F4E04DBEF6.jpg
Cụm nhà máy điện mặt trời của BIM Energy tại Quán Thẻ, Ninh Thuận của BIM Group

Đến đầu tháng 10/2021, BIM Energy tiếp tục đánh dấu bước tiến quan trọng của mình với việc đi vào vận hành thương mại nhà máy điện gió với tổng công suất 88 MW với vốn đầu tư 3.110 tỷ đồng chỉ trong vòng 11 tháng xây dựng. Như vậy, khi đi vào hoạt động, sản lượng khai thác dự kiến của nhà máy là khoảng 327 GWH/năm.

Trên website chính thức của BIM Group có giới thiệu rằng: "Với định hướng trở thành nhà đầu tư tiên phong hàng đầu về NLTT tại Việt Nam, BIM Group đang tiếp tục các bước để triển khai dự án điện gió với công suất dự tính 320MWp... BIM Energy tiếp tục triển khai xây dựng nhà máy điện mặt trời nữa với công suất 500Mwp, cố gắng khởi công trước năm 2025. BIM Energy một trong những nhà đầu tư tiên phong về năng lượng tái tạo tại Việt Nam. Mục tiêu dài hạn tới năm 2025 là phát triển ít nhất 1GW năng lượng sạch (điện gió và điện mặt trời)".

Chỉ một năm sau khi BIM Energy được thành lập, vào ngày 12/7/2018, tập đoàn BIM Group tiếp tục thành lập Công ty Cổ phần Điện gió BIM, do ông Đoàn Quốc Huy là người đại diện, kiêm Tổng giám đốc của công ty. Trụ sở chính của công ty tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận.

Giống như BIM Energy, Công ty Cổ phần Điện gió BIM liên tục tăng, giảm vốn điều lệ và đến thời điểm hiện tại chỉ còn 58,823 tỷ đồng. Trong đó, Công ty TNHH Tập đoàn BIM chiếm 10% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận chiếm 88% cổ phần.

Đến ngày 8/6/2020, đơn vị này tăng số lượng cổ đông góp vốn là ông Đoàn Quốc Huy, và giảm cổ phần của Công ty Cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận xuống chỉ còn 9,667% vốn điều lệ và tăng tối đa cổ phần của Công ty TNHH Tập đoàn BIM.

Năm 2021, cổ đông nước ngoài góp vốn vào BIM Energy - AC Energy VietNam Investments PTE.LTD cũng đã tham gia vào công ty này và chiếm 9,091% vốn điều lệ của công ty.

Một năm sau, Công ty Cổ phần Muối Cà Ná Ninh Thuận thoái vốn hoàn toàn, còn Công ty TNHH Tập đoàn BIM tăng cổ phần nắm quyền biểu quyết tại Công ty cổ phần Điện gió BIM. Ngày 30/9/2022, cổ đông nước ngoài tăng vốn lên tới 49% cổ phần.

Đáng chú ý, Công ty TNHH Tập đoàn BIM còn góp vốn vào Công ty Cổ phần Tập đoàn Năng lượng BIM, chiếm tới 95,833% cổ phần. Công ty này cũng được thành lập năm 2018, với vốn điều lệ tới thời điểm hiện tại là 318 tỷ đồng.

Như vậy có thể nói, lĩnh vực từ lĩnh vực năng lượng tái tạo phần nào củng cố thêm vị thế và tiềm lực cho "đế chế" BIM Group - vốn đã đồ sộ nhưng không kém phần hiệu quả - của vị doanh nhân sinh năm 1955.

ĐẾN HOÁ CHẤT VÀ DỊCH VỤ

Không dừng lại chỉ ở 4 lĩnh vực cốt lõi là bất động sản, nông nghiệp – thực phẩm (chuyên sản xuất muối và nuôi tôm); dịch vụ thương mại (với các thương hiệu nổi tiếng như: Elite Fitness & Spa, Zpizza) và năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió). Thậm chí, năm 2022, tập đoàn BIM Group còn muốn lấn sân sang cả lĩnh vực hoá chất khi thành lập liên tiếp 2 công ty là: Công ty Cổ phần Hoá chất BIM Công ty Cổ phần Hoá chất Cà Ná SB

Trong đó, đáng chú ý nhất là Công ty Cổ phần Hoá chất Cà Ná SB - ngay khi mới thành lập đã có vốn điều lệ lên tới 8.050 tỷ đồng. Công ty này có địa chỉ tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận. Người đại diện, kiêm Tổng giám đốc là ông Đoàn Quốc Huy.

Cổ đông gồm có Công ty Cổ phần Hoá chất BIM (chiếm 35% vốn điều lệ, tương đương 2.817 tỷ đồng), ông Đoàn Quốc Huy chiếm tới 65% cổ phần, tương đương 5.232 tỷ đồng và ông Đoàn Quốc Việt mua 1 cổ phần phổ thông với mệnh giá vỏn vẹn 10.000 đồng.

Công ty này ra đời để thực hiện dự án Tổ hợp công nghệ xanh và hóa chất sau muối, với tổng vốn đầu tư trên 2 tỷ USD, gồm 3 hợp phần là nhà máy sản xuất hóa chất sau muối, nhà máy điện mặt trời tự dùng cung cấp điện cho nhà máy hóa chất và cảng chuyên dùng, kho bồn phục vụ dự án.

Mục tiêu dự án là sản xuất, chế biến các sản phẩm sau muối (xút, clo) để phục vụ cho ngành công nghiệp.

Mới đây tại hội thảo: “Công nghiệp xanh sản xuất các sản phẩm sau muối và công tác bảo vệ môi trường” tại tỉnh Ninh Thuận, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Hoá chất BIM (Tập đoàn BIM Group) đã giới thiệu về dự án “Tổ hợp công nghệ xanh và sản phẩm sau muối”- đây là một dự án trọng điểm của Tập đoàn trong giai đoạn tới tại Ninh Thuận.

Trong lĩnh vực dịch vụ thương mại, thông qua Công ty Cổ phần Life Style Việt Nam, BIM Group sở hữu chuỗi phòng tập Elite Fitness, kinh doanh độc quyền thương hiệu Zpizza. Ngoài ra, công ty này thông qua công ty con là Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ Thiếu Nhi Mới sở hữu mô hình sân chơi Giáo – Trí mang thương hiệu "tiNiWorld".

Những thông tin trên phần nào hé lộ về cơ ngơi và con đường đi lên của đại gia bí ẩn Đoàn Quốc Việt - người xây dựng đế chế gia đình hùng mạnh "không có cổ đông bên ngoài".

Hàng không cũng là một trong những lĩnh vực từng được "đế chế" kinh doanh của ông Đoàn Quốc Việt lựa chọn với thương hiệu Air Mekong. Tuy nhiên, sau đó, thương hiệu này đã phải ngừng bay vào tháng 3/2013. Chia sẻ với truyền thông, ông Việt cho biết quyết định ngừng bay đã đến sau một đêm thức trắng, vì "càng bay càng thấy lỗ". Tới nay, website chính thức của BIM Group không còn giới thiệu về lĩnh vực này.

Kỷ nguyên "lao động giá rẻ" ở Châu Á sắp kết thúc?

Kỷ nguyên "lao động giá rẻ" ở Châu Á sắp kết thúc?

Các nhà máy ở châu Á đang trong tình trạng thiếu công nhân. Điều này khiến các doanh nghiệp buộc phải tăng lương và nâng cấp hạ tầng làm việc. Kéo theo chi phí sản xuất tăng. Đó cũng là tin xấu đối với các doanh nghiệp phương Tây - vốn đã quen với nguồn hàng hóa giá rẻ được sản xuất tại châu Á...
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.