UBND tỉnh An Giang vừa ban hành văn bản về ý tưởng dự kiến đầu tư Dự án Khu đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, sân gôn Tịnh Biên của BIM Group tại vùng biên giới An Giang.
Đây là kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình sau buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh và Công ty cổ phần Tập đoàn Bim (BIM Group). Theo đó, mục tiêu xây dựng Dự án Khu đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, sân gôn Tịnh Biên tại vùng biên giới An Giang sẽ góp phần rất lớn phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo UBND tỉnh An Giang phạm vi nghiên cứu của dự án sân gôn Tịnh Biên thuộc khu vực biên giới, có công trình quốc phòng, núi Dài, núi Két, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và cũng là khu kinh tế cửa khẩu…. liên quan đến quy hoạch đất rừng, quy hoạch quốc phòng an ninh, quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu. Vì vậy, tỉnh An Giang cần phải rà soát, xem xét mức độ phù hợp để trình cơ quan thẩm quyền điều chỉnh các quy hoạch liên quan, đảm bảo phát triển kinh tế gắn với quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường, sinh thái.
UBND tỉnh An Giang cho biết sẽ hoàn chỉnh quy hoạch phân khu làm cơ sở để đề xuất Dự án Khu đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, sân gôn Tịnh Biên đầu tư chậm nhất đến ngày 15/7/2023
UBND tỉnh ghi nhận toàn bộ ý tưởng đầu tư của Tập đoàn BIM. Tỉnh sẽ giao cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu kinh tế, UBND huyện Tịnh Biên rà soát quy hoạch tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khu kinh tế cửa khẩu và nghiên cứu ý tưởng đầu tư. Từ đó sẽ có đề xuất việc lập, điều chỉnh các quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh.
Cụ thể là hoàn chỉnh quy hoạch phân khu làm cơ sở để đề xuất Dự án Khu đô thị sinh thái, dịch vụ du lịch, sân gôn Tịnh Biên đầu tư chậm nhất đến ngày 15/7/2023. "Quá trình lập, điều chỉnh, thẩm định quy hoạch, các Sở, ngành chú ý đánh giá tác động môi trường, tham mưu UBND tỉnh lấy ý kiến Quân khu 9 và các Bộ, ngành liên quan (nếu có) theo quy định pháp luật về quy hoạch", văn bản của UBND tỉnh An Giang có ghi.
Được biết, BIM Group hoạt động trong 4 lĩnh vực kinh doanh chính: Bất động sản, nông nghiệp và thực phẩm, năng lượng tái tạo và dịch vụ tiêu dùng. Trong đó, mảng bất động sản được đại diện bởi Công ty cổ phần Bất động sản BIM (BIM Land). Thành lập từ năm 1994, hiện tại BIM Land có vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD.
Theo giới thiệu, BIM Land đang sở hữu hàng loạt quỹ đất tại nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nội, Vĩnh Phúc, Ninh Thuận, Lào. Các dự án nổi bật của công ty này là: Hạ Long Plaza, Khu đô thị Halong Marina (248 ha), Khu đô thị dịch vụ Hùng Thắng (Quảng Ninh), Phu Quoc Marina (155 ha), Park Hyatt Phu Quoc, Palm Garden Shop Villas Phu Quoc (7 ha), InterContinental Phu Quoc Long Beach Resort (9,2 ha),…
Đáng chú ý, tại Lào, BIM Land là nhà phát triển dự án tổ hợp khách sạn 5 sao, trung tâm thương mại và văn phòng hạng A đầu tiên tại trung tâm thủ đô Viêng Chăn, mang tên Royal Square - Crowne Plaza Vientiane; khách sạn Holiday Inn và không gian làm việc Toong Samsenthai.
Về tình hình tài chính, năm 2022, BIM Land báo lãi sau thuế giảm 16% so với cùng kỳ, đạt hơn 1.745 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2022, vốn chủ sở hữu của BIM Land đạt 6.623 tỷ đồng, tăng hơn 1.000 tỷ đồng sau một năm, tương đương tăng 19%. Hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu (D/E) đang là 2,86 lần, giảm so với 2021 là 3,33 lần.
Riêng dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu là 0,69 lần. Như vậy, doanh nghiệp có khoảng 5.563 tỷ đồng dư nợ trái phiếu. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của BIM Land đang là 0,26 lần, giảm so với năm 2021 là 0,37 lần.