Ngày 18/5, tại trụ sở Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải đã chủ trì cuộc họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn và khả năng suy thoái. Kinh tế Mỹ và EU là những thị trường thương mại lớn của Việt Nam chỉ tăng trưởng đạt dưới 1% và không loại trừ khả năng suy thoái. Các nền kinh tế mới nổi, đang phát triển phục hồi khó khăn hơn, tăng trưởng giảm. Lạm phát vẫn còn ở mức cao tại nhiều nước khiến xu hướng thắt chặt tiền tệ - lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục trong nửa đầu năm 2023.
Trong đó, giá lương thực và vật tư nông nghiệp ổn định ở mức cao, giá năng lượng vẫn có thể biến động do xung đột tại Ukraine và sự phục hồi khá mạnh của nền kinh tế Trung Quốc. Thị trường bất động sản tại nhiều quốc gia suy giảm mạnh, ảnh hưởng trực tiếp tới nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất, làm gia tăng rủi ro lên thị trường tài chính, tiền tệ… Những xu hướng này sẽ làm giảm sức cầu hàng hóa và ảnh hưởng đến đầu tư mới, từ đó ảnh hưởng đến sản xuất và xuất khẩu của các nước, trong đó có Việt Nam.
Toàn cảnh họp báo thường kỳ Bộ Công Thương ngày 18/5/2023
Xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đối diện nhiều thách thức
Báo cáo tại cuộc họp báo thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, do đó có khả năng chịu tác động từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, biến động thị trường và điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn. Hai động lực tăng trưởng chính của Việt Nam là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước có thể gặp nhiều thách thức.
Cán cân thương mại tiếp tục cải thiện, tuy nhiên xuất khẩu đối mặt với những thách thức chung của các thị trường đối tác. Nhu cầu thị trường trong nước tăng không cao, lạm phát có xu hướng tăng, cản trở sự hồi phục kinh tế... Trong bối cảnh đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhận định đúng tình hình, quyết liệt chỉ đạo, đôn đốc, linh hoạt trong điều hành để hài hòa các mục tiêu trước mắt và lâu dài; phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo, thực hiện quyết liệt các giải pháp phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ
Về tình hình sản xuất công nghiệp, tính chung 4 tháng đầu năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tính giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 7,8%). Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo vốn đóng vai trò là động lực cho tăng trưởng của nền kinh tế giảm 2,1% (cùng kỳ năm 2022 tăng 8,5%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 0,5% (cùng kỳ năm 2022 tăng 7%); ngành khai khoáng giảm 2,8% (cùng kỳ năm 2022 tăng 4,1%).
Phân theo địa phương, IIP trong 4 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước tăng ở 52 địa phương và giảm ở 11 địa phương trên cả nước.
Nhìn chung, sản xuất công nghiệp, nhất là ngành công nghiệp chế biến chế tạo, trong 4 tháng đầu năm 2023 gặp nhiều khó khăn do nhu cầu ở các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam yếu, các doanh nghiệp thiếu đơn đặt hàng mới, tồn kho hàng thành phẩm tăng, một số doanh nghiệp đã buộc phải cắt giảm số lượng việc làm cũng như giảm mua hàng hoá đầu vào. Tuy nhiên, khi giá nguyên liệu đầu vào đang có xu hướng giảm cộng với nhu cầu suy yếu, một số doanh nghiệp bắt đầu giảm giá bán hàng hoá để kích thích nhu cầu tiêu dùng.
Về xuất nhập khẩu hàng hoá, kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn đã tiếp tục ảnh hưởng đến kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá 4 tháng đầu năm 2023 đạt 206,76 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ tăng 16,73%), trong đó xuất khẩu giảm 13% (cùng kỳ tăng 17,18%); nhập khẩu giảm 17,7% (cùng kỳ tăng 16,27%). Cán cân thương mại hàng hoá 4 tháng đầu năm 2023 xuất siêu 7,55 tỷ USD.
Về thị trường trong nước, các mặt hàng thiết yếu 4 tháng đầu năm 2023 không có biến động bất thường, mặc dù chịu ảnh hưởng từ các yếu tố như giá nguyên liệu trên thị trường thế giới, dịch bệnh, mùa vụ,... nhưng cơ bản, cung cầu các mặt hàng được đảm bảo, giá có sự tăng, giảm đan xen đối với từng nhóm hàng.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 12,8% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,9%); trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 25,8% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 109,4%. So với so với 4 tháng đầu năm 2019 (năm trước khi xảy ra dịch Covid-19), tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm 2023 tăng 26,7%.
Lý giải về nguyên nhân của sự suy giảm trong sản xuất công nghiệp và hoạt động xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm. Bên cạnh việc giảm lượng, so với cùng kỳ giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản (nhân điều, cà phê, hạt tiêu, cao su…) giảm; giá xuất khẩu dầu thô, sản phẩm xăng dầu, các loại quặng, phân bón, sắt thép cũng giảm đã tác động đến tốc độ tăng giá trị sản xuất và xuất khẩu hàng hóa nói chung. Đồng thời, việc Trung Quốc mở cửa trở lại cũng tạo nhiều áp lực cạnh tranh đối với hàng xuất khẩu cùng chủng loại của Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp của ta vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đơn hàng nước ngoài giảm, chi phí đầu vào vẫn ở mức cao…
Tập trung tháo gỡ khó khăn để đột phá quyết liệt
Thời gian tới, để đạt mục tiêu tăng trưởng của toàn ngành, góp phần hoàn thành mục tiêu tăng trưởng chung của cả nước, ngành Công Thương tiếp tục tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh phát triển thị trường ngoài nước. Cần tập trung đổi mới và tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại hướng đến các thị trường mới, thị trường còn tiềm năng như Ấn Độ, châu Phi, Trung Đông và châu Mỹ La tinh, Đông Âu… và các thị trường ít bị ảnh hưởng bởi lạm phát và tăng trưởng khả quan như ASEAN. Quyết liệt đột phá vào các thị trường mới, nơi có tầng lớp trung lưu gia tăng như các thị trường mới nổi E7 (Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Mêxico và Indonesia; thị trường Halal (Trung Đông, Malaysia, Brunay).
Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa phục hồi, phát triển sản xuất thông qua các giải pháp về ổn định thị trường tài chính, tiền tệ tháo gỡ khó khăn về vốn (như: rà soát để tiếp tục đề xuất miễn giảm một số khoản thuế, phí) và giải pháp về tiền tệ (tạo thuận lợi trong tiếp cận tín dụng), tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp khu vực chế biến, chế tạo có thêm nguồn lực để phục hồi và phát triển.
Đẩy mạnh khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA). Tạo thuận lợi hoá, tăng cường chuyển đổi số trong công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ C/O ưu đãi, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các Hiệp định FTA.
Bên cạnh đó, thúc đẩy phát triển dịch vụ logistics, qua đó giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam.
Tiếp tục tổ chức các Hội nghị giao ban định kỳ hàng tháng giữa các cơ quan của Bộ, hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài với các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và các Bộ, ngành liên quan để kịp thời cập nhật cho doanh nghiệp, Hiệp hội về thông tin, nhu cầu, cũng như các quy định mới của thị trường.
Đồng thời, đẩy mạnh phát triển xuất nhập khẩu thông qua hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới.
Thứ hai, phát triển thị trường trong nước làm trụ đỡ khi thị trường bên ngoài gặp khó khăn. Tiếp tục thực hiện các biện pháp cân đối cung cầu, bình ổn thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.
Trong đó, triển khai kịp thời và hiệu quả các chương trình kích cầu tiêu dùng trong nước thông qua: Kích thích tiêu dùng; Tăng chi tiêu của Chính phủ; Đẩy mạnh áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa thông qua khuyến khích các hệ thống phân phối hiện đại tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển mạnh thương mại điện tử; Thực hiện hiệu quả Chương trình đẩy mạnh đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng thương mại khu vực biên giới, miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tại các địa phương.
Thứ ba, thúc đẩy phát triển sản xuất và hỗ trợ doanh nghiệp. Bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực; tổ chức làm việc với một số ngành, địa phương trọng điểm về công nghiệp theo phân công của Chính phủ để kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất. Tiếp tục tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp lớn toàn cầu.
Họp báo Bộ Công Thương: Giải đáp vấn đề điều hành nguồn cung và giá xăng dầu Nhóm PV