Các công ty khởi nghiệp “sốc” trước sự sụp đổ của Silicon Valley

Nhiều nhà khởi nghiệp đang tranh giành để thu hồi số tiền mà họ đã gửi với số lượng lớn tại ngân hàng Silicon Valley…

Các công ty khởi nghiệp hiện đang trải qua cú sốc sau sự kiện Ngân hàng Silicon Valley (SVB). Bởi lẽ, lượng lớn tiền của họ kẹt đằng sau cánh cửa đóng chặt của ngân hàng.

Roku, doanh nghiệp phát trực tuyến video, có gần nửa tỷ đô la trong SVB khi hoạt động ngân hàng bắt đầu, bằng một phần tư số vốn của họ.

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp khác đã tập trung tất cả nguồn vốn mà các kế hoạch tăng trưởng dài hạn và quỹ lương của họ vào chỉ một hoặc hai ngân hàng. Họ không cân nhắc đến việc các cơ quan quản lý sẽ chỉ bảo hiểm 250.000 USD trong trường hợp ngân hàng gặp rắc rối.

Quãng thời gian vật lộn để giải quyết các quỹ của công ty họ đã cho thấy một sự thật khó chịu trong thế hệ những công ty khởi nghiệp hiện nay. Bất chấp tất cả những nỗ lực các công ty khởi nghiệp đã bỏ ra để huy động tiền mặt, rất ít người dành nhiều thời gian để suy nghĩ về cách quản lý nó.

Sao nhãng trong quản lý ngân quỹ

Cựu giám đốc quản trị rủi ro của một trong những ngân hàng lớn nhất Hoa Kỳ nhận xét rằng: “chế độ dễ dãi với tiền bạc” trong những năm gần đây đã cho phép các công ty non trẻ tích lũy được một lượng tiền mặt lớn bất thường, vượt xa những gì họ cần.

Ông nói: “Vấn đề ở đây theo như tôi thấy là lượng tiền mặt họ có dường như quá lớn so với quy mô của công ty. Theo truyền thống, các công ty khởi nghiệp sẽ phát triển số tiền ấy theo thời gian. Trước sự bùng nổ của các vốn đầu tư mạo hiểm, không ai trao vài trăm triệu đô la cho một công ty khởi nghiệp với 20 người trong đó”.

David Koenig, người sáng lập Viện Quản trị Rủi ro DCRO chuyên đào tạo các giám đốc và giám đốc điều hành về vấn đề này cho biết: “Khi tiền đang chảy về tài khoản, bạn sẽ ít chú ý đến việc quản lý nó hơn. Rủi ro, đối với họ, là điều gì đó tách biệt với những gì họ làm trong công việc kinh doanh của mình”.

SVB sụp đổ kéo các công ty khởi nghiệp lao đaoSVB sụp đổ kéo các công ty khởi nghiệp lao đao theo

William C. Martin, người sáng lập quỹ đầu tư Raging Capital Management, lập luận rằng sự tự mãn là yếu tố lớn hơn khiến các công ty khởi nghiệp quản lý tiền mặt của họ một cách vô trách nhiệm.

“Họ không thể tưởng tượng được khả năng về bất ổn có thể xảy ra vì họ chưa từng trải qua nó. Là một quỹ phòng hộ vào năm 2008, khi chứng kiến các đối tác phá sản, chúng tôi đã có những phương án dự phòng, nhưng điều đó không tồn tại ở nhiều công ty khởi nghiệp”. Đồng thời, ông cho rằng việc một công ty trị giá hàng tỷ đô la hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm không có kế hoạch đối phó với khủng hoảng ngân hàng là vô trách nhiệm.

Tuy nhiên, Kyle Doherty, giám đốc điều hành của General Catalyst, không đồng tình với quan điểm đó. Ông nói: “Mọi thứ diễn ra rất nhanh trong giai đoạn đầu của một công ty: trọng tâm là tạo ra sản phẩm và phân phối sản phẩm đó. Đó không phải là thoái thác trách nhiệm, mà là ưu tiên cho những yếu tố khác. Và rủi ro ngân hàng thì luôn ở mức khá thấp trên các cấp độ ưu tiên”.

Cũng với suy nghĩ tương tự, Kris Bennatti, cựu kiểm toán viên và người sáng lập Bedrock AI, một công ty khởi nghiệp ở Canada được hỗ trợ bởi Y Combinator chuyên bán công cụ phân tích tài chính, cho rằng nhiều người đang phản ứng thái quá với sự việc.

“Ngụ ý rằng lẽ ra chúng ta nên tối ưu hóa tài chính của mình để đề phòng trường hợp ngân hàng đổ vỡ là vô lý đối với tôi. Đây là một sự kiện cực đoan, không phải là điều mà chúng ta nên hoặc có thể thấy trước được".

Đối với Betsy Atkins, người đã từng phục vụ trong các hội đồng quản trị bao gồm Wynn Resorts, Gopuff và SL Green, sự sụp đổ của SVB là một “lời cảnh tỉnh rằng chúng ta phải tập trung sâu hơn vào quản trị rủi ro doanh nghiệp”. Bà dự đoán, tương tự như việc các hội đồng quản trị bắt đầu xem xét kỹ lưỡng mức độ tập trung của chuỗi cung ứng trong thời kỳ đại dịch, giờ đây các doanh nghiệp sẽ phải xem xét kỹ hơn cách phân bổ tài sản trong tương lai.

Ngừng “cho hết trứng vào một giỏ”

Các công ty đầu tư mạo hiểm, bao gồm cả General Catalyst, Greylock và Kleiner Perkins, ủng hộ chiến lược chia nhỏ ngân quỹ trong bức thư họ gửi đến các công ty khởi nghiệp. Họ nói rằng những người sáng lập nên xem xét việc lập tài khoản tại hai hoặc ba ngân hàng, bao gồm một trong bốn ngân hàng lớn nhất ở Mỹ.

Theo đó, các nhà đầu tư mạo hiểm khuyên các đơn vị khởi nghiệp nên giữ số tiền mặt đủ dùng trong ba đến sáu tháng trong hai tài khoản hoạt động cốt lõi. Trong khi đó, các khoản tiền dư thừa nên được dùng để đầu tư vào “các lựa chọn có tính thanh khoản cao và an toàn” để tạo thêm thu nhập.

Các nhà đầu tư cảnh báo: “Làm đúng việc quản lý ngân quỹ có thể là sự khác biệt sống còn".

Ngoài ra, giám đốc điều hành của General Catalyst đã lưu ý rằng các ngân hàng thích “bán chéo” một số sản phẩm cho từng khách hàng, làm gia tăng rủi ro tập trung. Nhưng các doanh nghiệp không cần phải gửi tất cả tiền của mình vào một chỗ.

Cùng với đó, Russ Porter, giám đốc tài chính của Viện Kế toán Quản lý, một tổ chức chuyên nghiệp, cho biết các công ty cần đa dạng hóa các mối quan hệ ngân hàng và phát triển các bộ phận tài chính tinh vi hơn khi tình hình thế giới ngày càng phức tạp.

“Việc chỉ sử dụng một đối tác ngân hàng không phải là cách tốt nhất để thanh toán hóa đơn của bạn và đáp ứng bảng lương của cả công ty. Nhưng tôi không ủng hộ việc nguyên tử hóa các mối quan hệ ngân hàng,” ông nói.

Quản lý ngân quỹ trở nên phức tạp hơn trong tình hình hiện tạiQuản lý ngân quỹ trở nên phức tạp hơn trong tình hình hiện tại

Tuy nhiên, việc tìm kiếm các chuyên gia tài chính hiểu được các rủi ro hiện nay có thể gặp nhiều khó khăn. Russ Porter cho biết: “Chúng ta đang thiếu hụt các CFO có kinh nghiệm làm việc trong những thời điểm thực sự khó khăn. Họ chưa bao giờ phải đối phó với lạm phát cao; họ có thể vẫn đang học đại học hoặc mới bắt đầu sự nghiệp trong thời kỳ Đại khủng hoảng tài chính. Do đo, bộ kỹ năng cần thiết trong thời điểm hiện tại có thể thay đổi một chút, từ nhu cầu về một CFO năng động, có định hướng phát triển sang một CFO cân bằng hơn, có thể giải quyết và giảm thiểu rủi ro".

Đồng thời, có một lý do cấp bách khác để các công ty khởi nghiệp nghiêm túc hơn trong việc xây dựng bộ phận quản trị ngân quỹ. Sự kiện ngân hàng sụp đổ hiện tại đã tạo cơ hội cho những kẻ lừa đảo mạo danh các đối tác hợp pháp bằng cách yêu cầu các công ty khởi nghiệp chuyển tiền vào tài khoản mới.

Tyler Adams, đồng sáng lập công ty khởi nghiệp 50 người có tên CertifID cho biết: “Chúng tôi bắt đầu nhận được email từ các nhà cung cấp kèm theo hướng dẫn chuyển khoản trong đó như: bạn cần cập nhật các khoản thanh toán của mình và chuyển khoản tới tài khoản này”. Ông nói thêm: “Trong những tuần tới, chúng ta sẽ thấy rất nhiều kẻ lừa đảo cho rằng họ có thể tận dụng tình hình hiện tại”.

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu hơn 2 tỷ đồng/ngày

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thu hơn 2 tỷ đồng/ngày

Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài 51 km, tổng vốn đầu tư hơn 12.600 tỷ đồng, rộng 16m, 4 làn xe, hoạt động từ cuối tháng 4 và chính thức thu phí từ ngày 9/8/2022. Trung bình mỗi ngày có khoảng 17.900 lượt xe lưu thông, đạt doanh thu hơn 2 tỷ đồng…
Nguy cơ suy thoái kinh tế đang rình rập

Nguy cơ suy thoái kinh tế đang rình rập

Lãi suất cao đẩy nhiều doanh nghiệp vào tình trạng ngừng hoạt động, phá sản. Khủng hoảng và suy thoái kinh tế sẽ xuất hiện nếu không có giải pháp khai thông dòng vốn kịp thời.
Xem tiếp các bài khác

Địa chỉ: Số 3, ngõ 20 Nghĩa Đô, Cầu Giấy, Hà Nội.

Truyền thông - Quảng cáo: 0913240779

Email: [email protected]

Chịu trách nhiệm quản lý nội dung: Bà Phạm Thị Hà

Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử trên mạng số 3708/GP-TTĐT do Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cấp ngày 05/12/2022

Ghi rõ nguồn "Vietone.vn" khi phát hành từ Website này.