Thị trường đóng băng đã khiến cho nhiều địa phương tổ chức đấu giá đất, nhưng bị ế ấm, vì nhiều lô đất không có người tham gia trả giá.
Ví dụ như tại Bắc Giang, trong phiên đấu giá đất diễn ra đầu tháng 3 tại các phường Trần Phú, Đa Mai và xã Tân Tiến, Đồng Sơn, Tân Mỹ (thuộc TP Bắc Giang) có tới 40/98 lô không có khách trả giá, chiếm gần 41% tổng số lô đem ra đấu giá. Điều đáng nói, hầu hết các lô trúng đấu giá đều không chênh lệch nhiều so với giá khởi điểm.
Còn trong tháng 2, tại phiên đấu giá đất khu dân cư mới xã Cảnh Thụy và khu dân cư thị trấn Nham Biền (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), có tới gần 67% số lô đấu giá không có khách trả giá, tương tương 24 lô.
Tại tỉnh lân cận Bắc Giang là Nam Định cũng không thoát khỏi tình trạng ế ẩm này. Vì trong tháng 3 này, Công ty Đấu giá hợp danh Xuân Trường đã phải phối hợp với một số đơn vị, cơ quan liên quan của huyện Hải Hậu đấu giá lại quyền sử dụng đất hàng chục lô đất tại các xã Hải Lộc, Hải Phúc, Hải Thanh, Hải Giang, Hải Sơn… do các phiên đấu giá trước không có người trả giá.
Tại Hải Phòng, 85 lô đất đấu giá thì chỉ có 15 hồ sơ đăng ký
Hay như tại Hải Phòng, đầu năm nay, các xã An Hưng, An Hòa và Đồng Thái, huyện An Dương có 85 lô đất đấu giá thì chỉ có 15 hồ sơ đăng ký. Trong khi, số lô được trả giá cao hơn giá khởi điểm không cao.
Mới đây nhất, Trung tâm Dịch vụ đấu giá tài sản cũng đã 2 lần tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất thuê và đấu giá tài sản công gắn liền với đất để thực hiện Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà (huyện Cát Hải) nhưng đều không có đơn vị đăng ký tham gia.
Theo các chuyên gia, việc đấu giá đất không thành cũng là điều dễ hiểu. Vì thời gian này, thị trường đóng băng, các nhà đầu tư, hay người dân thì có tâm lý e ngại nên nghe ngóng là chính, chứ không xuất tiền.
Chưa kể, thời gian này, các lô đấu giá đất cũng là các lô nhỏ lẻ, diện tích không lớn nên thường đối tượng quan tâm cũng là các nhà đầu cơ thứ cấp, vốn ít. Trong khi, thị trường đã "bào mòn" họ, khiến tài chính của họ kiệt quệ nên dù giá có giá đấu có rẻ các nhà đầu tư cũng không còn tiền để tham gia.
Còn với những dự án lớn, ví như Dự án Khu du lịch, dịch vụ thương mại Vịnh trung tâm Cát Bà (huyện Cát Hải) thì phải trông trờ những nhà đầu tư mạnh mới đủ lực tham gia. Nhưng hiện thị trường đang có quá nhiều dự án hấp dẫn để thu hút những nhà đầu tư "ngầm" có nhiều tiền nên tất nhiên họ sẽ phải xem xét.
Được biết, dù thị trường khá ảm đạm, nhưng theo kế hoạch thì trong tháng 3 này, hàng trăm quyền sử dụng đất của Trung tâm Phát triển Quỹ đất huyện Đan Phượng, Đông Anh, Sóc Sơn (Hà Nội) cũng sẽ được đấu giá.
Vào ngày 24/3, Huyện Đan Phượng sẽ tổ chức phiên đấu giá 19 thửa đất ở lâu dài tại khu Bút Chỉ, xã Thọ An. Các thửa đất có diện tích 80,6-81,9m2/thửa và với mức giá khởi điểm 21-23 triệu đồng/m2.
Huyện Đông Anh tổ chức nhiều buổi đấu giá đất, trong đó là quyền sử dụng đất đối với 50 thửa đất ở thuộc khu đất X6, thôn Hà Lỗ, xã Liên Hà, huyện Đông Anh (đợt 2,3). Diện tích các thửa đất dao động 90-154,78m2/thửa và có mức giá khởi điểm 30,3-33,3 triệu đồng/m2.
Tương tự, tại huyện Sóc Sơn, 26 thửa đất tại thôn Dược Thượng, xã Tiên Dược được đưa ra đấu giá. Diện tích các thửa đất là 85,3-200 m2/thửa, mức giá khởi điểm 45-50 triệu đồng/m2.