Với việc hủy hơn 7,1 cổ phiếu quỹ, vốn điều lệ của VNG giảm từ 358,4 tỷ đồng xuống còn 287,3 tỷ đồng...
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa có thông báo chấp thuận cho Công ty Cổ phần VNG (mã chứng khoán: VNZ) hủy bỏ hơn 7,1 triệu cổ phiếu quỹ để giảm vốn điều lệ. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 22/08/2023.
Sau khi hủy bỏ, vốn điều lệ của VNG giảm từ 358,4 tỷ đồng xuống còn 287,3 tỷ đồng, tương ứng còn hơn 28,73 triệu cổ phiếu lưu hành trên thị trường.
Trước đó, số cổ phiếu quỹ trên đã được Đại hội cổ đông năm 2022 phê duyệt chào bán cho Công ty Cổ phần Công nghệ BigV. Tuy nhiên, vì một số lý do khách quan nên việc chào bán không thể tiến hành, Hội đồng quản trị VNG đã đề xuất phương án hủy cổ phiếu để giảm vốn điều lệ và được Đại hội cổ đông thường niên 2023 thông qua.
Một thông tin đáng chú ý khác, mới đây, ông Lê Hồng Minh Tổng giám đốc kiêm thành viên Hội đồng quản trị VNG đăng ký bán 983.783 cổ phiếu. Giao dịch dự kiến thực hiện theo phương thức thỏa thuận trong thời gian từ 22/8 đến 31/8. Ông Minh hiện sở hữu 3,53 triệu cổ phiếu VNZ, tương ứng tỷ lệ 12,27%. Nếu bán thành công toàn bộ số cổ phiếu đăng ký , ông Minh sẽ giảm tỷ lệ sở hữu tại VNG xuống còn 8,85%.
Về tình hình kinh doanh, quý 2/2023, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.246 tỷ đồng, tăng 12,4% so với cùng kỳ. Theo đó, lợi nhuận gộp của công ty cũng tăng 25,5% lên 1.099 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, doanh thu từ hoạt động tài chính trong quý 2 của VNG giảm 45% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 24,4 tỷ đồng. Mặc dù chi phí tài chính lại tăng đột biến gấp 11,3 lần lên 83,4 tỷ đồng nhưng bù lại, chi phí bán hàng được tiết giảm 25,7% còn 554 tỷ đồng.
Kết quả, quý 2/2023, lợi nhuận sau thuế của VNG đạt 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ ghi nhận mức lỗ 379,6 tỷ đồng. Riêng lãi ròng thuộc về cổ đông công ty mẹ là 100 tỷ đồng.
Luỹ kế 6 tháng, VNG ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.098 tỷ đồng, tăng 11,8% so với nửa đầu năm ngoái. Mặc dù quý 2 báo lãi nhưng không thể bù khoản lỗ quý 1 là 90 tỷ đồng nên lũy kế nửa đầu năm, VNG vẫn lỗ sau thuế gần 40 tỷ đồng.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của VNG tăng 7,5% lên 9.569 tỷ đồng. Trong đó, các khoản tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng tăng gấp 3 lần lên 1.571 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khoản đầu tư vào công ty liên kết của cũng ghi nhận tăng 104 tỷ đồng lên 1.980 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù đầu tư khủng nhưng chỉ có lãi vỏn vẹn 4 tỷ đồng là từ Dayone, còn lại các công ty Tiki Global, Rocketeer, Ecotruck, Beijing Youtu, Telio và Funding Asia đều ghi nhận lỗ.
Cụ thể, khoản đầu tư của VNG vào Tiki lỗ sạch, bởi khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư đúng số tiền đầu tư ban đầu là hơn 510 tỷ đồng. Tương tự với Beijing Youtu, công ty cũng phải chịu khoản lỗ hơn 35 tỷ đồng bằng với số tiền đầu tư. Cùng với đó, khoản đầu tư vào Telio lỗ 99 tỷ đồng, tại Funding Asia lỗ gần 69 tỷ đồng...
Ngoài ra, trong 6 tháng đầu năm VNG phát sinh thêm khoản đầu tư hơn 104 tỷ đồng vào công ty OCG. Tuy nhiên, khoản đầu tư hiện này hiện cũng đang lỗ lũy kế 562 triệu đồng.
Trên thị trường chứng khoán, kết phiên giao dịch ngày 21/8, giá cổ phiếu VNZ đang dừng ở mức 1.139.000 đồng/cổ phiếu, tương đương vốn hóa đạt 32.730 tỷ đồng.