Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ năm 2025 sẽ hướng tới mức hai con số, với nhiệm vụ trọng tâm là giải quyết các điểm nghẽn về nguồn lực và cải thiện hiệu quả quản lý.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 34 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. HCM khóa XI mới đây, ông Mãi nhấn mạnh GRDP năm 2024 dự kiến tăng 7,17% và thành phố đặt mục tiêu tăng trưởng 9%-10% trong năm tới.
Tuy nhiên, ông thừa nhận đây là thách thức lớn khi các chỉ tiêu tăng trưởng giai đoạn 2025-2030 yêu cầu tốc độ tăng đạt tối thiểu 9,3% mỗi năm để hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ.
Thực tế, GRDP của TP. HCM năm 2024 ước đạt 7,17%, thấp hơn mục tiêu đề ra từ 7,5% đến 8%. Hội nghị đã thống nhất mục tiêu tăng trưởng năm tới là 10%.
Theo ông Mãi, để đạt mục tiêu tăng trưởng 10% giai đoạn 2025-2030, TP. HCM cần huy động 4,4 triệu tỷ đồng. Trong đó, đầu tư công dự kiến đóng góp 1,1 triệu tỷ đồng và nguồn thu thuế khoảng 500.000 tỷ đồng. Phần còn lại sẽ đến từ các giải pháp như vay vốn, khai thác tài sản công và triển khai các mô hình phát triển đô thị lấy giao thông làm trung tâm.
Ông cũng cho biết thành phố đang rà soát hơn 10.000 địa chỉ nhà đất công để tái phân bổ và thanh lý, nhằm tăng nguồn lực đầu tư. Song song, TP. HCM đang đẩy mạnh cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính và tinh gọn bộ máy.
Năm 2025, TP. HCM sẽ khởi công và hoàn thành nhiều dự án quan trọng, trong đó có cầu đường Nguyễn Khoái, khép kín dự án đường Vành đai 2, cải tạo rạch Xuyên Tâm và bờ Bắc kênh Đôi. Thành phố cũng đặt mục tiêu đưa vào hoạt động Trung tâm Tài chính quốc tế và bắt đầu giai đoạn 1 của dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Gỡ vướng cho các dự án tồn đọng
Ông Mãi nhấn mạnh cần tập trung giải quyết các tồn đọng vì các nguồn lực đang bị "chôn" vào các dự án tồn đọng.
Thành phố vừa thông báo phân công chủ tịch cùng các phó chủ tịch UBND TP. HCM trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các dự án tồn đọng, dừng thi công trên địa bàn nhằm sớm đưa vào sử dụng, chống lãng phí.
Ông Mãi cũng vừa chủ trì cuộc họp nhằm tháo gỡ khó khăn cho năm dự án bất động sản lớn, với mục tiêu không chỉ đẩy nhanh tiến độ đầu tư mà còn tăng nguồn thu ngân sách hơn 18.000 tỷ đồng
Năm dự án này gồm khu phức hợp Lotte Eco Smart City tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, do Tập đoàn Lotte làm chủ đầu tư, được định giá đất 16.000 tỷ đồng. Dự án này từng được động thổ vào tháng 9/2022 nhưng bị đình trệ do vướng mắc về nghĩa vụ tài chính. Một dự án khác tại Thủ Thiêm được xem xét tháo gỡ là Khu phức hợp Tháp quan sát do Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế Vương làm chủ đầu tư.
Ngoài ra còn có khu đất 14,8 ha tại phường An Phú, TP. Thủ Đức được thanh toán theo hợp đồng xây dựng – chuyển giao dự án đường Song Hành cao tốc Long Thành - Dầu Giây, với giá trị ước tính 3.500 tỷ đồng.
Hai dự án cuối cùng là khu nhà ở cao tầng tại phường Phú Mỹ, quận 7 của Công ty CP Đầu tư bất động sản Hưng Lộc Phát và khu thương mại và căn hộ I-Home tại quận Gò Vấp.
Theo UBND TP. HCM, việc tháo gỡ vướng mắc sẽ giúp các dự án hoàn thành các thủ tục pháp lý liên quan đến đầu tư, cấp phép xây dựng và nghĩa vụ tài chính. Điều này không chỉ tránh lãng phí đất đai mà còn thúc đẩy phát triển đô thị theo quy hoạch.
Giang Sơn