Các chỉ số chứng khoán chính của Phố Wall đã giảm mạnh trong phiên 15/8 sau khi dữ liệu về doanh số bán lẻ làm dấy lên lo ngại lãi suất có thể duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn…
Chứng khoán Mỹ: Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones trượt 361,24 điểm (-1,02%) kết thúc ở mức 34.946,39 điểm và phá vỡ chuỗi ba ngày tích cực. S&P500 giảm 1,16%, đóng cửa ở mức 4.437,86 điểm và kết thúc phiên giao dịch dưới mức trung bình động 50 ngày - một động thái có thể báo hiệu sự bắt đầu của xu hướng giảm. Nasdaq mất 1,14% xuống 13.631,05 điểm.
Tất cả 11 lĩnh vực chính của S&P 500 đều giảm, trong đó cổ phiếu năng lượng dẫn đầu mức thua lỗ do giá dầu thô yếu hơn.
Ngược lại, các cổ phiếu công nghệ có kết quả tốt hơn một chút nhờ cổ phiếu Nvidia tăng 0,4% sau khi UBS và Wells Fargo nâng mục tiêu giá cổ phiếu. Nvidia đã công bố tỷ lệ phần trăm trong một ngày lớn nhất kể từ cuối tháng 5 trong phiên trước đó (14/8) sau những bình luận lạc quan từ Morgan Stanley, với các nhà phân tích cho rằng giới đầu tư sẽ đổ xô vào cổ phiếu này trong thời gian sắp tới khi báo cáo thu nhập được công bố.
Berkshire Hathaway của tỷ phú đầu tư Warren Buffett cũng đóng cửa tăng 2,9% sau khi công ty tiết lộ khoản đầu tư mới vào doanh nghiệp xây dựng nhà D.R. Horton.
Trong khi đó, General Motors giảm 2,3% sau khi Berkshire Hathaway cắt giảm cổ phần của mình trong nhà sản xuất ô tô này.
Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của các công ty Trung Quốc cũng không mấy khả quan, với công ty thương mại điện tử Alibaba Group mất 2% và nằm trong số những công ty chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất sau một đợt dữ liệu kinh tế đáng thất vọng từ quốc gia tỷ dân.
Về lĩnh vực kinh tế, báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy doanh số bán lẻ đã tăng 0,7% trong tháng 7, nhiều hơn so với kỳ vọng tăng 0,4%. Điều này cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn đang hoạt động một cách mạnh mẽ.
Sau dữ liệu, các nhà giao dịch đặt cược 89% vào việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tạm dừng tăng lãi suất vào tháng tới. Tuy nhiên một số nhà phân tích cho rằng rất có thể lãi suất sẽ duy trì ở mức cao của hiện tại lâu hơn dự kiến.
Các ngân hàng ngày một chịu nhiều sức ép khi các nhà đầu tư tỏ ra lo lắng hơn về lãi suất. Đường cong lợi suất của Kho bạc Mỹ đã bị đảo ngược trong hơn một năm, với trái phiếu dài hạn mang lại lợi suất thấp hơn so với các công cụ nợ ngắn hạn. Tình trạng này gây áp lực lên lợi nhuận mà các ngân hàng có thể kiếm được từ các khoản cho vay.
Sam Stovall, chiến lược gia trưởng đầu tư tại CFRA Research, cho biết: “Chúng ta có thể sẽ phải đối mặt với đường cong lợi suất đảo ngược trong thời gian dài hơn dự đoán ngay cả khi không rơi vào suy thoái kinh tế và điều đó sẽ dẫn đến việc hạn chế cho vay”.
Trong một báo cáo riêng biệt mới được công bố, Fitch Ratings có thể sẽ hạ bậc tín nhiệm của nhiều ngân hàng Mỹ. Cổ phiếu của JPMorgan Chase giảm 2,5%, Bank of America giảm 3,2% và Wells Fargo trượt 2,3%.
Michael James, giám đốc điều hành giao dịch chứng khoán tại Wedbush Securities, cho biết: “Câu chuyện từ Fitch về khả năng hạ cấp đối với nhiều ngân hàng Mỹ đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư. Bên cạnh đó là dữ liệu doanh số bán lẻ sáng nay làm tăng khả năng cho kịch bản lãi suất dài hơi từ Fed”.
Cổ phiếu của các tổ chức cho vay khu vực PacWest Bancorp, Zions Bancorp và Western Alliance cũng đều Bank giảm từ 3,7% đến 4,5% sau đề xuất sửa đổi quy định mới nhất của Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang.
Chỉ số ngân hàng S&P 500 chạm mức thấp nhất trong một tháng, giảm 2,75%, trong khi chỉ số ngân hàng khu vực KBW cũng trượt 3,4%.
Khối lượng trên các sàn giao dịch của Mỹ trong phiên là 10,1 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với mức trung bình 10,9 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu đã giảm hơn 1% vào 15/8 do dữ liệu kinh tế chậm chạp của Trung Quốc cùng với lo ngại rằng việc Bắc Kinh bất ngờ cắt giảm lãi suất vẫn là không đủ để kích thích sự phục hồi sau đại dịch của đất nước.
Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,32 USD, tương đương 1,5%, xuống 84,89 USD/thùng, trong khi dầu thô WTI giảm 1,52 USD, tương đương 1,8% xuống 80,99 USD/thùng.
Việc cắt giảm nguồn cung của Arab Saudi và Nga, hai thành viên lớn của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và đồng minh (OPEC+), đã thúc đẩy giá tăng trong bảy tuần qua.
Tuy nhiên, cả dầu Brent và WTI đều đã giảm trong hai phiên liên tiếp khi thị trường tạm lắng, theo ông Andrew Lipow, chủ tịch của Lipow Oil Associates chia sẻ. Một yếu tố khác gây áp lực lên tâm lý thị trường là dữ liệu sản lượng công nghiệp và doanh số bán lẻ của Trung Quốc cho thấy nền kinh tế tiếp tục chững lại. Thực trạng này đã gia tăng áp lực lên tăng trưởng và khiến các nhà chức trách phải cắt giảm các chính sách lãi suất quan trọng để thúc đẩy hoạt động kinh tế.