Các doanh nghiệp nằm xen kẽ trong khu dân cư ở Bình Dương đang gặp khó trong việc di dời nhà máy vào cụm công nghiệp, khu công nghiệp.
Từ năm 2019, tỉnh Bình Dương đã ban hành đề án "Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu, cụm công nghiệp ở địa bàn phía nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu, cụm công nghiệp".
Theo lộ trình, đề án thực hiện từ năm 2020 đến 2030 sẽ kết thúc. Dự kiến sẽ có hàng nghìn nhà máy ở thành phố Thuận An, Dĩ An, Thủ Dầu Một, thị xã Bến Cát và Tân Uyên nằm xen kẽ trong khu dân cư phải di dời.
Tuy nhiên trong bối cảnh kinh tế gặp nhiều khó khăn, doanh nghiệp thiếu đơn hàng, thiếu vốn lưu động, lãi suất vay vốn tăng cao…, việc di dời nhà máy vào thời điểm này sẽ thêm gánh nặng.
Tại hội nghị tiếp xúc các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp của Bình Dương mới đây, các doanh nghiệp đã nêu những khó khăn, vướng mắc trong việc di dời nhà máy.
Cụ thể, thành viên Hiệp hội chế biến gỗ Bình Dương, ông Hoàng Kiều Phong cho biết, các doanh nghiệp ngành gỗ đang gặp khó trong tìm kiếm đơn hàng. Hầu hết các thị trường đều giảm đơn đặt hàng. Trong đó thị trường Mỹ giảm mạnh nhất, từ 30% đến 40% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiện nay doanh nghiệp ngành gỗ đang phải cố gắng giữ chân người lao động bằng cách chia ca sản xuất luân phiên. Bởi nếu cho công nhân nghỉ việc thì họ sẽ kiếm việc khác hoặc về quê, đến khi có đơn hàng trở lại sẽ không có nhân công sản xuất, việc tuyển dụng rất khó khăn, mất nhiều thời gian.
Do đó, ông Phong kiến nghị được hỗ trợ trong việc xúc tiến thương mại để tìm kiếm thị trường mới và được giãn thời gian di dời nhà máy.
Còn theo ông Nguyễn Tiến Thành, Chủ tịch Hiệp hội gốm sứ Bình Dương thì doanh nghiệp gốm sứ rất trăn trở, do đặc thù của nghề là "cha truyền con nối" đã sinh sống và làm việc tại cơ sở hiện tại nhiều năm, nếu di dời đến chỗ khác sẽ gặp nhiều khó khăn.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo thợ, tuyển dụng nhân sự lĩnh vực gốm sứ hiện nay cũng không dễ dàng. Quy mô doanh nghiệp làm gốm đa số là sản xuất nhỏ lẻ nên không có nguồn vốn lớn để xây dựng cơ sở mới.
Nếu không có chính sách và định hướng cụ thể, cơ chế đặc thù riêng thì khó có thể duy trì hoạt động của các doanh nghiệp. Ông Thành kiến nghị tỉnh Bình Dương cần xem xét, có cơ chế đối với các doanh nghiệp gốm sứ. Đơn cử như nếu doanh nghiệp thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường, phòng cháy chữa cháy thì có thể không phải di dời...
Đối với doanh nghiệp không đáp ứng các tiêu chí thì di dời. Tuy nhiên cũng cần phải nghiên cứu quy hoạch nơi di dời đến có vị trí thuận lợi về nguyên liệu, giao thông và nhân công, có chính sách hỗ trợ đất đai, thuê đất, chuyển đổi công năng.
Bà Trương Thị Thuý Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội da giày kiến nghị tỉnh Bình Dương gia hạn thêm thời gian di dời đến năm 2030, trong thời gian gia hạn không phát sinh thêm các thủ tục.
Phó Giám đốc Sở Công thương, bà Nguyễn Thanh Hà cho biết, sẽ xem xét cụ thể các chính sách và lộ trình cho phù hợp với tình hình của các doanh nghiệp. Đồng thời Sở sẽ rà soát các doanh nghiệp theo các tiêu chí đưa ra để thực hiện cho phù hợp. Sở Công thương sẽ nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu cho UBND tỉnh Bình Dương tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp di dời.
Thủ phủ khu công nghiệp Bình Dương mở cửa trở lại Tweet Theo dõi TheLEADER Từ khóa: Bình DươngDi dời nhà máy