Đồng ruble mạnh có thể khiến nền kinh tế Nga phát triển chậm, lạm phát tiếp tục tăng
Đồng ruble mạnh lên nhờ các công ty xuất khẩu phải chuyển đổi nguồn thu ngoại tệ của mình thành nội tệ. Đồng tiền này đã tăng khoảng 30% giá trị so với USD trong năm nay, bất chấp kinh tế gặp khó, khiến nó trở thành đồng tiền hoạt động tốt nhất thế giới.
Mặc dù trong ngắn hạn, đồng tiền nội tệ tăng giá có thể giúp kìm hãm lạm phát tạm thời. Nhưng về lâu dài, ruble quá mạnh sẽ khiến nền kinh tế Nga phát triển chậm lại và lạm phát tiếp tục tăng.
Theo RT, Tiến sĩ Kinh tế Denis Domashchenko cho rằng sự kết hợp giữa ruble mạnh và giá dầu cao sẽ tạm thời kiềm chế lạm phát. Tuy nhiên, đồng nội tệ mạnh lên cũng có thể đẩy nhanh tốc độ tăng giá tiêu dùng trong tương lai.
Đồng tiền này đã tăng khoảng 30% giá trị so với USD trong năm nay, bất chấp kinh tế gặp khó. Ảnh: RIA
Ngoài ra, biện pháp kiểm soát vốn được áp dụng vào cuối tháng 2 để bảo vệ lĩnh vực tài chính của Nga cũng góp phần giúp đồng tiền này tăng giá.
Trước đó, vào ngày 23/5, ruble đã tăng hơn 6% so với EUR đạt mức 58,75 ruble đổi một EUR, cao nhất kể từ tháng 6/2015. So với USD, đồng tiền Nga tăng 4,6% lên mức 57,47 vào ngày 20/5, không xa so với đỉnh trong 4 năm
Tại các ngân hàng, đồng ruble yếu hơn một chút trong ngày 24/5. Sberbank - ngân hàng lớn nhất của Nga - niêm yết tỷ giá ở mức 58,2 ruble đổi một USD và 60,38 ruble đổi một euro.
Sức mạnh của đồng ruble đã làm dấy lên lo ngại về tác động tiêu cực đến thu ngân sách của Nga từ xuất khẩu. Hôm qua, Nga đã cắt giảm tỷ trọng thu ngoại tệ mà các nhà xuất khẩu phải chuyển đổi thành ruble từ 80% xuống 50%.
Dmitry Polevoy, Trưởng bộ phận đầu tư tại LockoInvest, cho biết mặc dù có sự nới lỏng nhẹ trong việc kiểm soát vốn, đồng ruble vẫn có thể duy trì vững chắc ở mức 55 ruble đổi một USD trong thời gian tới. Ngân hàng Đầu tư Sinara cho biết tỷ giá đồng ruble có thể quay trở lại mức 60-65 ruble đổi một USD vào tháng 6.