Nghị định 91/2024/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc pháp lý khiến doanh nghiệp muốn phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí dưới tán rừng gặp không ít chông gai.
Ông Đinh Ngọc Dũng, Giám đốc Công ty CP Tư vấn quy hoạch và lâm nghiệp Việt Nam (Greenforest) trao đổi với TheLEADER về "những giá trị" Nghị định 91 mang lại cho các các dự án du lịch, nghỉ dưỡng dưới tán rừng.
Tháo gỡ nhiều nút thắt
Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 91 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018. Nghị định này có gì mới và tháo gỡ được khó khăn cho các dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng hay không?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Nghị định 91/2024/NĐ-CP (Nghị định 91) về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 156/2018/NĐ-CP của Chính phủ đã tháo gỡ những khó khăn rất lớn cho các dự án du lịch dưới tán rừng, mà trong suốt một thời gian dài trước đó, các dự án đều rất loay hoay.
Nếu như Nghị định 156 trước đây chưa định nghĩa dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng giải trí trong rừng, thì Nghị định 91 đã có quy định rất cụ thể.
Nghị định 91 quy định, dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là dự án đầu tư có sử dụng môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí và dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí có cấu phần xây dựng.
Việc lập, thẩm định, phê duyệt, quản lý các công việc thuộc giai đoạn chuẩn bị dự án, giai đoạn thực hiện dự án và giai đoạn kết thúc xây dựng của dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.
Đây là nội dung mà Nghị định 156 trước đây chưa quy định chi tiết gây khó khăn trong công tác thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, nếu như việc cho thuê môi trường rừng để phát triển dự án du lịch nghỉ dưỡng chưa có quy định trong Nghị định 156, thì Nghị định 91 đã làm rõ việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng về nội dung, thủ tục, trình tự, cách thức thực hiện dự án.
Ngoài ra, các quy định về việc lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng chưa được quy định cụ thể trong nghị định cũ, khiến nhiều chủ rừng lúng túng, cũng đã được làm rõ trong Nghị định 91.
Nghị định mới này của Chính phủ đã thể hiện rất rõ việc thông báo công khai về lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Theo đó, chủ rừng xây dựng hồ sơ kỹ thuật để lựa chọn tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng.
Sau khi lựa chọn được tổ chức, cá nhân thuê môi trường rừng, chủ rừng phải thực hiện kiểm kê, thống kê hiện trạng rừng theo trạng thái trên diện tích cho thuê môi trường rừng để làm căn cứ bàn giao mốc giới, hiện trạng và quản lý, giám sát, đánh giá việc thực hiện hợp đồng.
Nghị định 91 cũng đã tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quy chế quản lý rừng, quản lý hoạt động du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng; quy định cụ thể việc quản lý các hoạt động xây dựng công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng.
Đơn cử như các quy định về vị trí, địa điểm, quy mô, vật liệu, chiều cao, mật độ, tỷ lệ dự kiến và thời gian tồn tại của công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.
Việc cấp giấy phép xây dựng các công trình phục vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trước đây chưa được quy định cụ thể thì Nghị định 91 có gì mới không?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Nghị định 91 đã tháo gỡ một vướng mắc "rất giá trị", đó là giấy tờ chứng minh hợp pháp về đất đai trong hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xây dựng của chủ dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong rừng.
Theo quy định, các loại giấy tờ hợp pháp về đất đai để cấp giấy phép xây dựng là giấy tờ hợp pháp về đất đai của chủ rừng và hợp đồng cho thuê môi trường rừng giữa chủ rừng và tổ chức, cá nhân.
Nghị định 91 cũng đã quy định cụ thể về quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, hoặc quy hoạch tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để đánh giá sự phù hợp với quy hoạch xây dựng.
Như vậy, việc cấp giấy phép xây dựng cho các công trình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng dưới tán rừng đã có hành lang pháp lý rõ ràng để thực hiện.
Việc quyết định chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng có gì thay đổi không thưa ông?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Đối với việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, Nghị định 91 quy định thẩm quyền quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng chỉ còn một cấp là hội đồng nhân dân cấp tỉnh (trước đây là Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ).
Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng, gồm cả rừng tự nhiên và rừng trồng, không phân biệt về quy mô diện tích rừng để trình các cấp khác nhau như quy định tại Nghị định 156.
Đồng thời, trình tự thủ tục hành chính cũng được đơn giản hóa từ 50 ngày xuống còn 35 ngày. Tiêu chí xác định dự án được chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác được mở rộng hơn về đối tượng.
Những quy định thông thoáng này sẽ giúp các nhà đầu tư rút ngắn thời gian và chi phí trong quá trình tiếp cận đất đai, đầu tư phát triển dự án.
Khó khăn, vướng mắc trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đã được tháo gỡ tại Nghị định 91. Tuy nhiên, việc điều chỉnh quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quy hoạch ba loại rừng phải thực hiện thống nhất với các quy hoạch khác có liên quan quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất của địa phương.
Cần tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc còn lại để phát triển du lịch dưới tán rừng
Theo ông còn những vướng mắc gì trong việc phát triển các dự án du lịch dưới tán rừng chưa được tháo gỡ?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Những vướng mắc trong việc phát triển các dự án du lịch nghỉ dưỡng dưới tán rừng tại thời điểm hiện tại là việc các cơ quan chuyên môn về xây dựng chưa có cơ sở để thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi và thẩm định hồ sơ cấp giấy phép xây dựng của các dự án thuê môi trường rừng theo quy định tại Nghị định 15/2021/NĐ-CP, quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Nghị định này chưa có quy định cụ thể về căn cứ quy hoạch lâm nghiệp quốc gia hoặc quy hoạch tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Bên cạnh đó, phương án quản lý rừng bền vững và đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt là cơ sở để đánh giá sự phù hợp với quy hoạch xây dựng theo quy định tại khoản 1 Điều 91, hoặc vị trí, tổng mặt bằng của dự án đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại khoản 1 Điều 92 Luật Xây dựng năm 2014 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020).
Ông có kiến nghị gì đối với việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án cũng như công tác hướng dẫn thực hiện nghị định mới?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Với những quy định mới của Nghị định 91, tôi cho rằng, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cần có văn bản hướng dẫn để các địa phương hiểu rõ hơn các quy trình thủ tục thực hiện.
Các địa phương cần cử nhân sự nghiên cứu kỹ các quy định mới, để sớm triển khai trên thực tế.
Đồng thời, Chính phủ và Bộ Xây dựng cần sớm ban hành nghị định sửa đổi Nghị định 15/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng, để cơ quan chuyên môn về xây dựng có cơ sở thẩm định và nhà đầu tư triển khai hoàn thiện các bước chuẩn bị và thực hiện dự án theo quy định.
Điều này sẽ giúp tháo gỡ các khó khăn tồn tại cho các dự án du lịch nghỉ dưỡng dưới tán rừng đã được ký hợp đồng thuê môi trường rừng với chủ rừng tại thời điểm trước khi Nghị định 91 ban hành.
Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng du lịch dưới tán rừng, đóng góp của nó đối với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và ngành du lịch nói chung?
Ông Đinh Ngọc Dũng: Việt Nam có tiềm năng du lịch sinh thái dưới tán rừng là rất lớn. Cả nước có gần 14,8 triệu ha rừng, phân bố rộng khắp gần như ở tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc.
Nhiều vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên, khu dự trữ sinh quyển thế giới có giá trị tài nguyên tự nhiên cao, có giá trị đa dạng sinh học và tính độc đáo… Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch sinh thái rừng.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có chính sách, chiến lược đặt mục tiêu chung về việc phát triển giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng. Trong đó có việc phát triển các hoạt động du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí bền vững.
Các hoạt động này sẽ giúp phát huy tiềm năng, lợi thế, khai thác các giá trị về tài nguyên thiên nhiên, truyền thống văn hóa bản địa. Qua đó, các dự án nhằm giúp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên rừng, tạo việc làm, tăng thu nhập, ổn định và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người làm nghề rừng và người dân sống gần rừng.
Định hướng phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 13/06/2024 tại Quyết định số 509/QĐ-TTg đã xác định phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái dựa trên lợi thế về tài nguyên tự nhiên. Đặc biệt là tại các khu dự trữ sinh quyển thế giới, vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên và khu bảo tồn biển; coi trọng phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, sinh thái miệt vườn, sinh thái hang động, sông, hồ.
Như vậy, các dự án du lịch sinh thái rừng sẽ đánh thức và phát huy tiềm năng du lịch, mang lại sinh kế cho người dân gắn với rừng. Điều này sẽ góp phần vào công tác giáo dục môi trường, giúp du khách hiểu thêm về giá trị của rừng.
Du lịch sinh thái rừng là loại hình du lịch có trách nhiệm đối với môi trường thiên nhiên, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể cho khoảng 25 triệu người sống phụ thuộc vào rừng.
Hàng năm, doanh thu từ hoạt động du lịch tại các khu rừng đặc dụng khoảng 300 tỷ đồng. Thời gian tới, khi có sự tham gia của các cá nhân, tổ chức tham gia thuê môi trường rừng để đầu tư khai thác dự án du lịch sinh thái con số này sẽ còn tăng trưởng tích cực hơn nữa.
Du lịch sinh thái rừng, qua đó sẽ góp phần vào định hướng phát triển du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Xin cảm ơn ông!
Phương Thu