Việc bổ sung quy định cho vay trả nợ tại Thông tư 06 đã nhấn mạnh thêm thông điệp của NHNN yêu cầu khối ngân hàng phải tích cực chủ động giảm mặt bằng lãi suất.
Có hiệu lực từ ngày 1/9, Thông tư 06 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung quy định tổ chức tín dụng được xem xét, quyết định cho khách hàng vay để trả nợ khoản vay tại tổ chức tín dụng khác với mục đích vay phục vụ nhu cầu đời sống, bên cạnh mục đích phục vụ hoạt động kinh doanh như quy định trước đây.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực ngân hàng, việc mở rộng quy định này sẽ tạo điều kiện cho khách hàng tiếp cận thêm nguồn vốn tín dụng ở mức độ cạnh tranh hơn, đồng thời cũng có thêm cơ hội lựa chọn dịch vụ và tiện ích tốt hơn tại các tổ chức tín dụng khác.
Việc bổ sung quy định cho vay này đã nhấn mạnh thêm thông điệp của NHNN yêu cầu khối ngân hàng phải tích cực chủ động giảm mặt bằng lãi suất trong bối cảnh môi trường lãi suất mới trở nên cạnh tranh, nền kinh tế vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.
Thực tế, dù cho lãi suất điều hành đã được 4 lần điều chỉnh giảm cùng thanh khoản hệ thống dồi dào, thậm chí dư thừa nhưng mặt bằng lãi suất cho vay bình quân trên thị trường chưa thực sự được điều chỉnh giảm tương ứng.
Đáp ứng nhu cầu này, Vietcombank đã nhanh chóng đưa ra mức lãi suất cho vay ưu đãi chỉ từ 6,9%/năm trong 6 tháng đầu hoặc 7,5%/năm trong 12 tháng đầu hoặc 8%/năm trong 24 tháng đầu. Chỉ vài ngày sau, BIDV áp dụng lãi suất vay từ 6%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và từ 6,8%/năm đối với khoản vay trung dài hạn.
Sau đó, VietinBank cho biết các khách hàng có nhu cầu vay vốn trả nợ trước hạn tại các ngân hàng khác với các khoản vay phục vụ sản xuất kinh doanh và khoản vay phục vụ tiêu dùng có tài sản bảo đảm như vay mua nhà, mua xe… sẽ được hỗ trợ vay vốn tại VietinBank với lãi suất ưu đãi. Cụ thể, lãi suất cho vay khách hàng cá nhân từ 5,6%/năm đối với vay sản xuất kinh doanh và từ 7,5%/năm đối với vay tiêu dùng.
Quy định mới đã thúc đẩy các ngân hàng hạ lãi suất cho vay để nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Khách hàng vay vốn sẽ có cơ hội tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp tại ngân hàng khác một cách dễ dàng hơn theo định hướng giảm mặt bằng lãi suất cho vay. Đồng thời tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Về phía các tổ chức tín dụng, nếu không kịp thời có sự điều chỉnh chính sách phù hợp, làn sóng dịch chuyển dư nợ diễn ra sẽ tạo áp lực trực tiếp ở quy mô lớn tới các chỉ số hoạt động khi biên độ lãi suất niêm yết đang có sự chênh lệch rõ ràng trong nội bộ ngành.
Trước hết, sự suy giảm mạnh về dư nợ tín dụng sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới các khoản thu nhập ròng từ lãi, thu nhập dịch vụ, ... trong báo cáo kinh doanh. Thêm nữa, tăng trưởng tín dụng vốn đã ở mức thấp lịch sử nay có thể chứng kiến mức tăng trưởng âm với thị phần sụt giảm mạnh ở nhiều ngân hàng nếu không có những điều chỉnh kịp thời nhằm ít nhất đủ giữ chân được các khách hàng hiện hữu.
Đồng thời, xu hướng này cũng gián tiếp gây tác động tới nhiều chỉ tiêu nguồn vốn và tài sản như tỷ lệ nợ xấu, tỷ lệ an toàn vốn, tăng trưởng tổng tài sản, … Những tác động này được đánh giá sẽ ảnh hưởng trong cả ngắn hạn và trung dài hạn đối với tình hình hoạt động và phát triển của các ngân hàng chậm trễ trong việc thay đổi.
Do đó không chỉ các ngân hàng thương mại cổ phần vốn nhà nước, các ngân hàng tư nhân cũng nhanh chóng thông báo các chương trình cho vay lãi suất thấp tương tự như Techcombank, MB, ACB, MSB.
Cụ thể, Techcombank triển khai chương trình chuyển khoản vay bất động sản từ ngân hàng khác sang với lãi suất từ 7,3%/năm. Chương trình tương tự tại MB có lãi suất 8%/năm cố định trong 12 tháng.
ACB đưa ra mức lãi suất vay trả nợ ngân hàng khác ở mức 8%/năm trong 12 tháng đầu tiên. Còn MSB triển khai chương trình chuyển khoản vay từ ngân hàng khác với lãi suất ưu đãi chỉ từ 6,8%/năm.
Trong ngắn hạn, thị trường có thể kỳ vọng vào một giai đoạn giảm lãi suất cho vay "thực chất" và nhanh, mạnh hơn trong thời gian tới. Tuy vậy, rào cản có thể là các chi phí tất toán khoản vay trước hạn (từ 0,5% đến 3%) ở ngân hàng cũ chuyển sang ngân hàng mới, làm tăng tổng chi phí vay của khách hàng.
Nhìn chung các ngân hàng có chi phí vốn đầu vào thấp sẽ có lợi thế cạnh tranh, trong đó, một số nhà băng có quy mô lớn và có tỷ lệ tiền gửi CASA như Vietcombank, BIDV, Vietinbank, MBBank, Techcombank có chi phí vốn đầu vào bình quân chỉ từ 3-4,5% sẽ chiếm lợi thế.
Theo thống kê của NHNN, tính đến hết tháng 7, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,44 triệu tỷ đồng, tăng 4,29% so với đầu năm và tăng 8,64% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, cơ cấu tín dụng tiếp tục tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, góp phần đóng góp vào tăng trưởng GDP cả nước.
Theo kế hoạch, từ giờ tới cuối năm còn hơn 1 triệu tỷ đồng tín dụng cần được các ngân hàng giải ngân, đồng thời, áp lực cạnh tranh vốn gia tăng cũng tới từ gần 500.000 tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm lãi suất cao sẽ được đáo hạn cuối năm nay với mức huy động giảm gần 50% so với giai đoạn cao điểm cuối năm 2022.
Tạm dừng một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06 Tweet Theo dõi TheLEADER Từ khóa: thông tư 06đảo nợMua bán nợgiảm lãi suất cho vayBIg4VCBBIDV