Tiền gửi ngân hàng Mỹ tăng lần đầu tiên vào tuần cuối cùng của tháng 3, dấu hiệu cho thấy lĩnh vực này đang dần bình phục sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley…
Dữ liệu của Cục Dự trữ Liên bang được công bố ngày 8/4 cho thấy tiền gửi tại tất cả các ngân hàng thương mại trong nước đã tăng lên 17,35 nghìn tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 29/3, tăng gần 49 tỷ USD so với tuần trước đó.
Đây là lần tăng đầu tiên của tiền gửi tại các ngân hàng Mỹ kể từ đầu tháng 3, đánh dấu sự kết thúc tạm thời đối với sự sụt giảm kỷ lục về tiền gửi do sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley và Ngân hàng Signature vào giữa tháng trước.
Trước đó, tiền gửi có xu hướng giảm từ giữa tháng hai, phản ánh xu thế đã giảm mạnh vào đầu tháng 3 sau sự sụp đổ của Ngân hàng Silicon Valley và Signature, đặc biệt là tại các ngân hàng nhỏ. Theo đó, tiền gửi tại các ngân hàng nhỏ đã giảm 119 tỷ USD xuống còn 5,46 nghìn tỷ USD trong tuần kết thúc ngày 15/3, cao hơn gấp đôi so với mức giảm kỷ lục trước đó và là mức giảm lớn nhất tính theo phần trăm tổng số tiền gửi kể từ 2007.
Vụ sụp đổ này đã buộc cơ quan quản lý liên bang phải đảm bảo tất cả các khoản tiền gửi tại cả hai tổ chức tài chính này để trấn an người gửi tiền. Cùng với đó, lo ngại rằng có thể xảy ra tình trạng rút tiền tương tự ở ngân hàng khác, Cục Dự trữ Liên bang Fed cũng đã nhanh chóng can thiệp bằng một chương trình cho vay khẩn cấp. Điều này cho phép các ngân hàng được vay nhanh nếu họ cần thanh toán cho người gửi tiền mà không phải bán chứng khoán của họ khi thua lỗ.
Những nỗ lực này của cơ quan quản lý Mỹ dường như đã đem lại hiệu quả. Tiền gửi tăng ở cả 25 ngân hàng lớn nhất cũng như tại các ngân hàng vừa và ngân hàng khu vực của Mỹ vào tuần cuối cùng của tháng 3.
Theo dữ liệu từ Fed, tiền gửi tại các ngân hàng lớn thuộc sở hữu của Mỹ đã tăng 49 tỷ USD lên 10,75 nghìn tỷ USD trong tuần kết thúc vào ngày 29/3. Trong khi đó, các ngân hàng vừa và ngân hàng khu vực cũng đã nhận được thêm 26 tỷ USD trong khoảng thời gian này.
Thời gian vừa qua, Fed đã tăng lãi suất mạnh nhằm làm chậm nền kinh tế với mục tiêu hạ nhiệt lạm phát. Điều này ảnh hưởng nặng nề tới các tổ chức tài chính nói riêng cũng như nền kinh tế Mỹ nói chung. Do đó, tình trạng hỗn loạn ngân hàng xảy ra vào tháng 3 đã làm trầm trọng thêm lo ngại rằng chính sách thắt chặt mạnh mẽ của ngân hàng trung ương có thể sẽ gây ra suy thoái.
Do đó, các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách đang theo dõi chặt chẽ báo cáo hàng tuần của Fed về tình hình tài chính của các ngân hàng trong nước để tìm dấu hiệu dừng lại cho sự “chảy máu” tiền gửi.
Cùng với đó, họ đang theo dõi chặt chẽ các dấu hiệu cho thấy khả năng những đơn vị cho vay có thể bắt đầu hạn chế tín dụng, một hành động có thể đẩy nhanh sự khởi đầu của suy thoái kinh tế.
Hoạt động cho vay của ngân hàng Mỹ đã giảm mạnh kể từ khi Ngân hàng Silicon Valley sụp đổ. Tổng các khoản cho vay thương mại và công nghiệp đã giảm 68 tỷ USD trong hai tuần kể từ đó.
Theo đó, tổng tín dụng từ các ngân hàng Mỹ đã giảm kỷ lục hơn 120 tỷ USD trong tuần gần nhất trên cơ sở điều chỉnh trái mùa. Nhưng đó phần lớn là kết quả của việc các ngân hàng bán 87 tỷ USD chứng khoán cho các tổ chức phi ngân hàng, chẳng hạn như các quỹ phòng hộ. Cục Dự trữ Liên bang cho biết các ngân hàng đã giảm lượng tài sản trong hai tuần gần đây nhất, phần lớn ở dưới dạng Trái phiếu Kho bạc và chứng khoán được thế chấp. Fed không nói rõ liệu đó có phải là động lực cho việc thoái vốn hay không.
Tuy nhiên, đồng thời, hoạt động cho vay đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng của các ngân hàng vẫn ổn định với 12,07 nghìn tỷ USD dư nợ cho vay khi tháng gần kết thúc, tăng nhẹ so với một tuần trước đó. Trong khi các khoản vay cho cả bất động sản thương mại và nhà ở, cũng như các khoản vay thương mại và công nghiệp, tiêu chuẩn cho tín dụng kinh doanh, đều giảm nhẹ, sự sụt giảm này được bù đắp bằng sự gia tăng các khoản vay tiêu dùng do số dư thẻ tín dụng.
Một số nhà kinh tế dự báo rằng căng thẳng đối với hệ thống ngân hàng sẽ khiến lĩnh vực này trở nên thận trọng hơn trong việc cho vay. Đồng thời, các doanh nghiệp và hộ gia đình có thể rút lại chi tiêu do sự không chắc chắn. Một số chủ ngân hàng trung ương đã nói rằng căng thẳng này làm tăng nguy cơ suy thoái. Các quan chức Fed cho biết trong những ngày gần đây rằng họ sẽ theo dõi mức độ và thời gian của những tác động dự kiến này.