Theo tính toán các mức lãi suất trên thị trường, EuroCham cho rằng việc lấy giá trị thấp nhất làm giá trần cho điện năng lượng tái tạo là không hợp lý, gây ra sự tiêu cực cho các dự án, và tạo ra thách thức chung cho Việt Nam.
Theo Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) trong báo cáo tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) mới đây, các mức giá trần theo Quyết định 21 của Bộ Công thương cho thấy mức giảm 20 – 25% so với các mức FIT trước đó (đối với điện gió, dựa trên tỷ giá hối đoái hiện tại), và giảm gần 40% đối với điện mặt trời nối đất.
Các dự án chuyển đổi đã được xây dựng có thể không có lựa chọn nào khác, ngoài việc chấp nhận các mức giá này, hoặc đối mặt với phá sản (lựa chọn thay thế duy nhất là doanh thu bằng 0).
EuroCham nhấn mạnh các dự án điện gió chuyển tiếp chưa được xây dựng sẽ không thể huy động tài chính với các mức giá này, vì hiện đang phải đối mặt với việc định giá tua-bin trên thị trường thế giới cao hơn 30% so với thời điểm hết hạn FIT trước đó, cũng như lãi suất cho vay và phí bảo hiểm cao hơn.
Trong khi đó, biểu giá mới nhất được đưa ra vẫn tương tự như biểu giá do EVN đề xuất vào cuối năm ngoái, với giả định rằng lãi suất cho vay nước ngoài 4,62%/năm.
EuroCham đánh giá lãi suất này là rất thấp so với mức thực tế trên thị trường, đặc biệt là trong bối cảnh tỷ giá hiện tại khi lãi suất hoán đổi 10 năm của ngân khố Mỹ là 3,7% và tỷ suất lợi nhuận USD thường thấy ở mức 3 – 3,5% mỗi năm.
Cùng với đó, các dự án tài trợ vốn vay USD tại Việt Nam thường yêu cầu bảo lãnh, với phí bảo lãnh khoảng 2 - 2,5% mỗi năm, và khoản phí này cũng sẽ được tính vào lãi suất tổng thể.
Do đó, lãi suất tổng thể ước tính là khoảng 8,7 - 9,7% so với lãi suất vay nước ngoài giả định của EVN là 4,62%. “Việc lấy giá trị thấp nhất làm giá trần là không hợp lý”, EuroCham nhấn mạnh.
Việc thẩm định giá cho các dự án trong tương lai (không phải quá trình chuyển đổi) cần tính đến các điều kiện kinh tế vĩ mô hiện tại, như vốn đầu tư cao hơn, chi phí lãi suất, ách tắc chuỗi cung ứng, mà nhiều dự án chuyển đổi đã xây dựng chưa đối mặt hết.
EuroCham khuyến nghị Bộ Công thương nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia độc lập để kiểm chứng các giả định và phương pháp luận đưa ra trước khi hoàn thiện các khung giá.
Hiện nay có 84 dự án năng lượng tái tạo, với công suất hơn 4.600MW bị chậm tiến độ vận hành thương mại so với kế hoạch. Trong văn bản gửi Thủ tướng gần đây, 36 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời cho biết chỉ tính riêng 34 dự án đã hoàn thành đầu tư xây dựng, ước tính tổng vốn đã đầu tư gần 85.000 tỷ đồng, trong đó khoảng trên 58.000 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân hàng.
Trong cuộc họp ngày 20/3 giữa Bộ Công Thương, EVN và 84 nhà đầu tư điện gió, điện mặt trời, các nhà đầu tư kiến nghị EVN huy động điện với giá tạm tính 6,2 cent/kWh. Ngoài ra, cho phép dự án hoàn thành đầu tư xây dựng, chấp thuận nghiệm thu, được đóng điện và ghi nhận sản lượng.
Theo Quyết định 21 quy định khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp được Bộ Công thương ban hành, giá trần dự án điện mặt trời chuyển tiếp là 1.185 – 1.508 đồng/kWh và điện gió 1.587 – 1.816 đồng/kWh, tuỳ loại hình.
Trong văn bản gửi EVN mới nhất, Bộ Công thương yêu cầu EVN khẩn trương phối hợp với chủ đầu tư các nhà máy điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp thỏa thuận, thống nhất giá điện trước ngày 31/3/2023 để sớm đưa các nhà máy vào vận hành, tránh gây lãng phí tài nguyên.