Trong phiên giao dịch sáng nay ngày 17/5, giá dầu thô chịu áp lực giảm trở lại khi tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ bất ngờ tăng mạnh và các dữ liệu kinh tế Hoa Kỳ, Trung Quốc kém tích cực.
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)
Vào lúc 9h00 sáng nay, giá dầu thô Brent đạt 74,71 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) đạt 70,67 USD/thùng. Giá dầu thô chịu áp lực giảm ngày trở lại sau khi dữ liệu cho thấy lượng tồn trữ dầu thô tại Hoa Kỳ bất ngờ tăng mạnh cùng với đó là các dữ liệu kinh tế kém tích cực của Hoa Kỳ và Trung Quốc.
Trong đó, dữ liệu của Viện Dầu khí Hoa Kỳ (API) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô của Hoa Kỳ trong tuần trước đã tăng thêm 3,6 triệu thùng, trái ngược với dự báo giảm 900.000 thùng được giới phân tích đưa ra trước đó.
Dữ liệu mới nhất cũng cho thấy doanh số bán lẻ của Hoa Kỳ trong tháng 4 vừa qua chỉ tăng 0,4%, thấp hơn đáng kể so với mức dự báo tăng 0,8% của giới phân tích cũng như mức tăng 0,7% của hồi tháng 3.
Tăng trưởng doanh số bán lẻ và sản lượng sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc trong tháng 4 cũng thấp hơn dự báo. Cụ thể, doanh số bán lẻ tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tháng 4 đã tăng 18,4% so với cùng kỳ năm ngoái, cao hơn mức tăng 10,6% ghi nhận hồi tháng 3 nhưng vẫn thấp hơn dự báo tăng 21% của giới phân tích. Đồng thời, sản lượng sản xuất công nghiệp trong tháng trước của Trung Quốc chỉ tăng 5,6% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng tăng 10,9% của các chuyên gia.
Các dữ liệu này khiến nhiều nhà phân tích lo ngại động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang dần suy yếu, ảnh hưởng tiêu cực đến triển vọng tăng trưởng nhu cầu sử dụng dầu thô của nước này.
Trong khi đó, chính quyền Hoa kỳ vẫn đang bế tắc trong đàm phán trần nợ công. Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen vừa nhấn mạnh rủi ro Hoa Kỳ có thể vỡ nợ sớm vào ngày 1/6 tới đây nếu như các cuộc đàm phán trần nợ công không đạt được tiến triển. Bộ Tài chính Hoa Kỳ trước đó đã cảnh báo những hậu quả "thảm khốc" nếu Mỹ cạn tiền mặt để trang trải các nghĩa vụ tài chính; trong đó có việc không trả được lương cho các nhân viên liên bang, kéo theo khả năng tăng lãi suất tác động mạnh đến các doanh nghiệp.
Chuyên gia phân tích thị trường cấp cao Edward Moya từ hãng chứng khoán OANDA (Hoa Kỳ) nhận định về diễn biến giá dầu thô: “Triển vọng nền kinh tế toàn cầu hiện đang đối mặt với quá nhiều điều không chắc chắn và điều này khiến các nhà đầu tư trên thị trường năng lượng không tự tin trong các quyết định giao dịch.”
Các lãnh đạo tài chính từ 7 nền kinh tế lớn trên thế giới (nhóm G7) cũng vừa cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu đang ngày càng không chắc chắn. Nhóm G7 gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italia và Canada.
Thị trường hiện đang theo dõi các động thái mới của phương Tây trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhắm vào nền kinh tế Nga. Nhóm G7 hiện đang thảo luận việc trừng phạt một số quốc gia có thực hiện giao dịch thương mại và các sản phẩm năng lượng với Nga.
Trước đó, tờ Financial Times (Anh) cho biết Đại diện Cấp cao phụ trách An ninh và Chính sách Đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell nhấn mạnh EU cần phải ngăn chặn việc Ấn Độ mua dầu thô giá rẻ từ Nga rồi bán lại cho các nhà máy lọc hoá dầu tại EU.
IMF: Vị thế thống trị của đồng USD đang dần suy yếu Tường Vy