Trong phiên giao dịch thứ Sáu (19/5), giá dầu thô đã chịu áp lực giảm xuống khi tiến trình đàm phán trần nợ công của Hoa Kỳ phải tạm dừng. Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô đã tăng gần 2%, xác lập tuần tăng giá đầu tiên sau 4 tuần giảm giá liên tiếp.
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent giảm 0,8% xuống mức 75,58 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giảm 0,3%, đạt 71,69 USD/thùng.
Giá dầu thô chịu áp lực giảm sau khi đảng Cộng hoà và đảng Dân chủ tại Hoa Kỳ tạm dừng thảo luận về vấn đề trần nợ công do hai bên chưa tìm được tiếng nói chung trong một số vấn đề. Điều này khiến Hoa Kỳ khó có thể đạt được một thoả thuận vào cuối tuần này như dự kiến.
Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà cho biết việc ngưng thảo luận với Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thuộc đảng Dân chủ về vấn đề trần nợ công do nhận thấy “Nhà Trắng không có đủ sự dịch chuyển”.
Giới quan sát đánh giá việc tạm ngưng đối thoại giữa hai bên không đồng nghĩa với quá trình đàm phán đã thất bại. Tuy nhiên, điều này cho thấy, quá trình đàm phán để có thể đạt được một thỏa thuận vẫn còn nhiều thách thức trong khi hạn chót 1/6 cho vấn đề trần nợ công đang tới gần.
Nếu Hoa Kỳ chính thức tuyên bố vỡ nợ vào ngày 1/6 tới đây, hàng triệu người tại nước này sẽ mất việc làm, lãi suất đi vay tăng vọt, kéo theo đó là nguy cơ gây suy thoái kinh tế toàn cầu. Giới quan sát cảnh báo tiến trình đàm phán trần nợ công của Hoa Kỳ càng kéo dài thì rủi ro đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới càng tăng lên.
Tâm lý thị trường còn chịu tác động tiêu cực khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) Jerome Powell cho biết lạm phát vẫn “còn cách xa” mục tiêu của cơ quan này và cho biết FED chưa có quyết định nào cho vấn đề lãi suất trong tháng 6 tới đây.
Trước đó, một số thành viên của FED đã đề xuất khả năng sẽ tạm dừng tăng lãi suất trong tháng 6 để đánh giá tác động của việc siết chặt chính sách tiền tệ đối với nền kinh tế và lạm phát. Nhưng cũng nhấn mạnh quá trình thắt chặt chính sách tiền tệ sẽ chưa dừng hẳn khi lạm phát lõi tại Hoa Kỳ vẫn còn cao.
Tuy nhiên, bất chấp các thông tin tiêu cực trên, tính chung cả tuần này, giá dầu thô thế giới đã tăng gần 2%, đánh dấu tuần đầu tiên tăng giá trở lại sau mạch giảm giá kéo dài 4 tuần liên tiếp.
Thị trường cũng được hỗ trợ phần nào khi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen vừa tái khẳng định hệ thống ngân hàng của Hoa Kỳ vẫn tốt và ổn định. Phát biểu này được bà Janet Yellen đưa ra trong một phiên họp với các lãnh đạo ngân hàng của Hoa Kỳ. Qua đó, giải toả phần nào lo ngại của giới đầu tư về các bất ổn trong hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ sau khi liên tiếp 3 ngân hàng khu vực (regional bank) quy mô lớn phá sản trong vòng 2 tháng quá.
Đồng thời, dữ liệu cho thấy số giàn khoan dầu đang hoạt động tại Hoa Kỳ trong tuần này đã giảm tới 11 giàn, còn 575 giàn khoan. Đây là mức giảm theo tuần cao nhất kể từ hồi tháng 9/2021. Điều này sẽ khiến sản lượng khai thác dầu tại Hoa Kỳ giảm xuống trong thời gian tới; trong khi đó, thị trường đang dần bước vào mùa Hè - mùa cao điểm tiêu thụ nhiên liệu.
Ngoài ra, dữ liệu mới nhất cho thấy sản lượng của các nhà máy lọc hoá dầu tại Trung Quốc trong tháng 4 vừa qua đã tăng 18,9% so với cùng kỳ năm trước, chạm mức cao thứ hai trong lịch sử. Qua đó, phản ánh nhu cầu sử dụng nhiên liệu tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phục hồi tốt. Trung Quốc cũng là quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.