Mặc dù giá dầu thô đã tăng đáng kể trong 2 phiên giao dịch cuối tuần nhưng tính chung cả tuần này vẫn mất gần 1%, xác lập tuần đầu tiên giảm giá sau 2 tuần tăng liên tiếp. Thị trường hiện tập trung theo dõi diễn biến phiên họp của OPEC+ diễn ra ngày 4/6.
Diễn biến giá dầu thô Brent và giá dầu thô WTI trong vòng 30 ngày gần đây. (Nguồn: Oil Price)
Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá dầu thô Brent tăng 2,5% lên 76,13 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) tăng 2,3% lên 71,74 USD/thùng. Đây đều là những mức giá đóng cửa cao nhất kể từ cuối tháng 5 đến nay.
Đà tăng của giá dầu thô trong phiên giao dịch cuối tuần chủ yếu đến từ việc Thượng viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật nâng trần nợ công, gỡ bỏ giới hạn số tiền Chính phủ Hoa Kỳ có thể vay để chi trả các nghĩa vụ tài chính của mình đến ngày 1/1/2025. Trước đó, Hạ viện Hoa Kỳ đã thông qua dự luật này với số phiếu áp đảo bất chấp các lo ngại ban đầu là dự luật sẽ gặp nhiều phản đối.
Qua đó, giúp nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh được viễn cảnh vỡ nợ vào ngày 5/6 và giúp các thị trường tài chính trên toàn cầu, bao gồm thị trường dầu mỏ, tránh được các biến động tiêu cực.
Giá dầu thô còn được nâng đỡ từ kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) có thể tạm ngừng tăng lãi suất trong phiên họp định kỳ giữa tháng 6 này khi thị trường lao động Hoa Kỳ đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Dữ liệu mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Hoa Kỳ trong tháng 5 vừa qua đã tăng lên mức 3,7%, so với mức 3,4% - mức thấp kỷ lục 53 năm được ghi nhận hồi tháng 4. Đồng thời, tốc độ tăng tiền lương của các doanh nghiệp tại Hoa Kỳ trong tháng 5 cũng đã chậm lại.
Hiện công cụ FedWatch của CME Group cho thấy các thị trường tài chính đánh giá có 70% xác suất chính sách lãi suất của FED trong phiên họp ngày 13 - 14/6 sẽ được giữ nguyên như hiện nay. Qua đó, phản ánh tâm lý giới đầu tư đã thay đổi đáng kể so với thời điểm cuối tháng 5 vừa qua. Việc FED giữ nguyên mức lãi suất sẽ hỗ trợ tích cực đối với triển vọng nhu cầu sử dụng dầu thô thời gian tới.
Tuy nhiên, tính chung cả tuần này, giá hai loại dầu thô chủ chốt của thế giới đã giảm gần 1%, xác lập tuần giảm giá đầu tiên sau 2 tuần tăng liên tiếp.
Hiện thị trường đang tập trung quan sát các diễn biến xung quanh phiên họp định kỳ của liên minh OPEC+ diễn ra ngày 4/6 (theo giờ địa phương). Trong phiên họp tháng 4, OPEC+ đã bất ngờ thông báo giảm sản lượng khai thác thêm 1,16 triệu thùng/ngày kể từ đầu tháng 5, nâng tổng mức giảm sản lượng khai thác lên 3,66 – 3,86 triệu thùng/ngày, tương đương 3,8% tổng nhu cầu sử dụng dầu thô toàn cầu. Động thái này được cho là nhằm củng cố đà tăng của giá dầu thô thời điểm bấy giờ. Nhưng giá dầu thô hiện đang thấp hơn cả mức giá trước thời điểm OPEC+ tuyên bố giảm thêm sản lượng.
Hãng tin Reuters dẫn lời nguồn tin cho biết OPEC+ hiện đang thảo luận về khả năng cắt giảm thêm sản lượng khai thác nhằm hỗ trợ giá dầu thô. Cuối tháng 5, Saudi Arabia đã phát tín hiệu có thể giảm thêm sản lượng khai thác nhưng Nga lại cho biết kỳ vọng OPEC+ sẽ không thay đổi chính sách khai thác hiện tại. Saudi Arabia và Nga là hai quốc gia khai thác dầu lớn nhất OPEC+.
Dự báo giá đường tăng 12%, doanh nghiệp mía đường nào hưởng vị "ngọt" nhất? Tường Vy