Giá vàng thế giới và vàng trong nước trong ngày hôm nay 12/7 có diễn biến cùng chiều, đều nhích nhẹ…
Đầu ngày hôm nay (12/7), giá vàng trong nước có dấu hiệu tăng nhẹ lên quanh mức 67,2 triệu đồng/lượng. Cụ thể, giá vàng DOJI tại khu vực Hà Nội đang niêm yết ở mức 66,55 triệu đồng/lượng mua vào và 67,2 triệu đồng/lượng bán ra. Tại TP.HCM, giá vàng thương hiệu này đang mua vào mức thấp hơn 50.000 đồng so với khu vực Hà Nội.
Giá vàng SJC ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng đang mua vào mức 66,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 67,22 triệu đồng/lượng. Tại TP.HCM, giá vàng SJC vẫn đang mua vào mức tương tự như ở khu vực Hà Nội và Đà Nẵng nhưng bán ra thấp hơn 20.000 đồng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.932 USD/ounce. Giá vàng giao tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.953 USD/ounce. Thậm chí đêm qua, giá vàng thế giới có lúc vọt lên 1.938 USD/ounce.
Giới phân tích nhận định thị trường vàng vẫn thận trọng trước CPI của Mỹ. Các dữ liệu tích cực liên quan đến lạm phát có thể thúc đẩy Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ lâu hơn dự kiến, nhằm kéo giảm thêm lạm phát. Một kịch bản như vậy sẽ làm USD tăng giá trên diện rộng, bất lợi cho giá vàng thế giới trong tương lai.
Trong thời gian gần đây, giá vàng bị mắc kẹt dưới mức 1.950 USD/ounce khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ duy trì các chính sách tiền tệ tích cực trong suốt mùa hè. Tuy nhiên, Kristina Hooper, chiến lược gia trưởng thị trường toàn cầu của Invesco, cho rằng mặc dù vàng phải đối mặt với môi trường đầy thách thức khi thị trường kỳ vọng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào cuối tháng này, nhưng vàng vẫn là một tài sản chiến lược quan trọng để sở hữu. Bà nói thêm rằng kim loại quý này có thể tiếp tục được hỗ trợ tốt trong thời gian tới khi các nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội phòng ngừa rủi ro ngày càng tăng trên thị trường.
Ngoài ra, theo báo cáo Invesco Global Sovereign Asset Management Study hàng năm của Invesco, ngày càng có nhiều quốc gia muốn tích trữ vàng. Cuộc khảo sát cho biết: “Một tỷ lệ đáng kể các ngân hàng trung ương lo ngại về việc Mỹ đóng băng dự trữ của Nga, với đa số (58%) đồng ý rằng sự kiện này đã khiến vàng trở nên hấp dẫn hơn”.
Invesco cho biết một phần đáng kể của các ngân hàng trung ương hiện đang lo ngại về tiền lệ đã được thiết lập với Nga.
Ngoài ra, cuộc khảo sát cho thấy 68% số người được hỏi hiện đang cất giữ vàng vật chất của họ tại nhà. Và 74% dự định làm như vậy trong 5 năm tới. Vào năm 2020, tỷ lệ đó là 50%.
Một ngân hàng trung ương ẩn danh đã lý giải quyết định của mình: "Chúng tôi đã giữ vàng ở London... nhưng bây giờ chúng tôi đã chuyển về nước để nắm giữ như một tài sản trú ẩn an toàn và cũng là để giữ an toàn".
Và theo người đứng đầu các tổ chức chính thức của Invesco có tên Rod Ringrow, người phụ trách cuộc khảo sát, ý kiến này đã được chia sẻ rộng rãi.
"'Nếu đó là vàng của tôi, thì tôi muốn nó ở đất nước của mình' đã là câu thần chú mà chúng ta đã thấy vào năm ngoái", chuyên gia Rod Ringrow nói.
Hồi hương vàng đã trở thành đề tài thống trị trong hai thập kỷ qua. Mọi con mắt đều đổ dồn vào Đức mười năm trước khi nước này bắt đầu kế hoạch hồi hương dự trữ vàng từ New York và Paris. Năm 2017, Đức hoàn thành dự án, trả lại 743 tấn vàng từ Paris và New York. Năm 2000, Đức đã hồi hương 940 tấn vàng từ Ngân hàng Anh.
Vào năm 2019, Ba Lan đã hồi hương 100 tấn vàng từ Ngân hàng Anh, nói rằng vàng tượng trưng cho sức mạnh của đất nước.
Lạm phát và căng thẳng địa chính trị là mối quan tâm hàng đầu của các ngân hàng trung ương, những người đang cân nhắc lại về cơ bản các chiến lược dự trữ của họ khi họ rời xa USD.
“Các quỹ và ngân hàng trung ương hiện đang cố gắng đối phó với lạm phát cao hơn”, Ringrow nói và nhấn mạnh: "Đó là một sự thay đổi lớn".
Tỷ giá USD/VND trung tâm hôm nay (12/7) được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.787 VND/USD, giảm 23 đồng so với mức niêm yết đầu tuần.
Ngân hàng Vietcombank báo giá 23.520 VND mua vào và 23.860 VND bán ra. Viettinbank niêm yết giá mua và bán ở mức 23.490 VND và 23.910 VND.
Tỷ giá USD trên thị trường tự do ghi nhận quanh mức 23.629 – 23.679 đồng/USD.