Nền kinh tế lớn nhất châu Âu hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lao động, đặc biệt là lao động lành nghề trong các ngành công nghiệp sản xuất quan trọng.
Theo một tiết lộ mới đây từ Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức (DIHK), hơn một nửa các doanh nghiệp nước này hiện đang phải đối phó với tình trạng thiếu lao động lành nghề trầm trọng - dấu hiệu mới nhất về những ‘cơn gió ngược’ đang đè nặng lên nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Tỷ lệ các công ty gặp khó khăn trong việc tuyển dụng đang ở mức cao nhất từ trước đến nay, DIHK nhận thấy trong cuộc khảo sát gồm 22.000 công ty, với 53% trên tổng số đã báo cáo thiếu hụt nhân lực.
Cũng trong đó, 67% các nhà sản xuất thiết bị điện và công ty cơ khí không thể lấp đầy các vị trí tuyển dụng, còn lĩnh vực sản xuất ô tô là 65%
Phó Giám đốc điều hành DIHK Achim Dercks cho biết: “Chúng tôi có thể giả định rằng khoảng 2 triệu vị trí tuyển dụng sẽ chưa thể được lấp đầy trong thời gian tới”.
Ông Achim Dercks cũng nói thêm rằng dù cho thị trường lao động có dần phục hồi, thì các công ty vẫn phải đối mặt với vô số khó khăn trước mắt. Tình trạng thiếu nhân sự, giá năng lượng cao và sự thay đổi theo hướng trung lập với khí hậu là một "sự kết hợp nguy hiểm" có thể khiến doanh nghiệp buộc phải chuyển sản xuất ra nước ngoài.
Ông Achim Dercks nhấn mạnh, những người lao động có kỹ năng ngày càng khan hiếm, kể cả trong các lĩnh vực sản xuất vốn là thế mạnh của Đức. “Sự thiếu hụt công nhân lành nghề không chỉ là gánh nặng đối với các doanh nghiệp mà còn gây nguy hiểm cho sự thành công trong các nhiệm vụ quan trọng cho tương lai như chuyển đổi năng lượng, số hóa và xây dựng cơ sở hạ tầng”.