Hoạt động du lịch Việt đã mở cửa trở lại hơn 1 năm qua, dù đã đạt những kết quả nhất định, song ngành du lịch vẫn chưa thể thu hút được khách quốc tế nhiều như trước…
Trong hơn 1 năm hoạt động du lịch chính thức mở cửa, Việt Nam đã triển khai nhiều chương trình quảng bá, kích cầu lớn, thúc đẩy du lịch nội địa và hướng tới thị trường quốc tế. Hàng loạt hoạt động liên kết hợp tác, kích cầu du lịch cũng đã được tổ chức tại các địa phương, doanh nghiệp du lịch trên toàn quốc.
Du lịch "nổ máy" hoạt động trở lại
Theo số liệu thống kê của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, số lượng khách nội địa năm 2022 đạt 101,3 triệu lượt, vượt 68% so với kế hoạch và cũng là con số cao nhất từ trước tới nay. Tuy nhiên, khách du lịch quốc tế chỉ đạt 3,6 triệu lượt khách, đạt khoảng 70% kế hoạch đề ra.
Năm 2023, ngành du lịch đặt mục tiêu đón và phục vụ 8 triệu lượt khách quốc tế, đây là con số khiêm tốn so với mức đã đạt được năm 2019 là 19 triệu lượt khác.
Đây là mục tiêu đầy thách thức do thị trường du lịch quốc tế có nhiều biến động sau đại dịch. Bởi lẽ, một số thị trường truyền thống như Nga, Trung Quốc vẫn chưa thể sôi động, sự cạnh tranh của các điểm đến trong khu vực với nhiều cách làm sáng tạo cũng là một khó khăn để Việt Nam phải trở thành một lựa chọn tốt hơn hơn cho du khách quốc tế.
Trong khi đó, việc thu hút khách quốc tế đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế quốc gia và các địa phương nơi. Minh chứng tại Việt Nam, năm 2019, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 18 triệu lượt, bằng 21% số lượt khách nội địa nhưng doanh thu chiếm gần 2/3 doanh thu ngành du lịch.
Điều này có được bởi đặc tính khách quốc tế có thời gian lưu trú dài, từ 8-12 ngày, chi tiêu từ 1.100 – 2.000 USD. Ngược lại, đặc thù khách nội địa thường đi nghỉ vào cuối tuần và mức chi tiêu cũng không bằng.
Trước đó, tại Hội nghị toàn quốc về du lịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng khẳng định việc phát triển du lịch của Việt Nam vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế, cơ hội về thiên nhiên, con người, truyền thống văn hóa – lịch sử. Đồng thời Thủ tướng cũng chỉ đạo nhiều giải pháp phát triển du lịch theo hướng an toàn, xanh, sạch, văn minh, hiện đại, hấp dẫn, đề cao văn hóa du lịch Việt Nam.
Chìa khoá cho ngành du lịch Việt Nam
Có thể nói, du lịch là một trong những ngành kinh tế năng động nhất và tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới hiện nay.
Thực tế, ngành này là động lực giúp tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa và sản phẩm địa phương. Trong mục tiêu phát triển bền vững của chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) đã khẳng định: “Du lịch đóng góp trực tiếp và gián tiếp vào việc tạo việc làm, đặc biệt là cho phụ nữ và thanh niên, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng thông qua các doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ”.
Theo báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, với mỗi công việc được tạo ra trực tiếp trong ngành du lịch. Vai trò của du lịch còn có ý nghĩa lớn hơn trong điều kiện kinh tế nhiều biến động như hiện nay tại Việt Nam.
Cụ thể, việc phục hồi ngành du lịch sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm mới, hỗ trợ chuyển dịch lao động dôi dư các ngành sản xuất đang gặp khó khăn do thị trường xuất khẩu thu hẹp.
Ngoài ra, du lịch còn là ngành xuất khẩu tại chỗ hiệu quả cho các ngành nông nghiệp, ngư nghiệp, sản xuất hàng lưu niệm, thời trang, chế tác vàng bạc đá quý. Đặc biệt, du lịch còn là động lực để phát triển ngành hàng không, các hệ thống hạ tầng phục vụ du lịch, thúc đẩy đầu tư công và đầu tư tư nhân…
Tại nhiều quốc gia, du lịch đã trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ở Thái Lan trước đại dịch, ngành du lịch đóng góp 3.000 tỷ Baht cho nền kinh tế Thái Lan năm 2019, chiếm 18% GDP cả nước, riêng khách quốc tế đóng góp 2.000 tỷ Baht tương đương với 12% GDP. Đến năm 2030, mục tiêu du lịch của Thái Lan là đóng góp 30% GDP.
Còn quốc gia phát triển như Nhật Bản, du lịch cũng được coi trọng, với mức đóng góp trung bình 6-7% GDP. Nhật bản đặt mục tiêu phục hồi lượng khách quốc tế vượt mức kỷ lục 32 triệu lượt khách vào năm 2025.
Việt Nam có nhiều tiềm năng thu hút khách quốc tế. Ảnh minh họa
Với Việt Nam, trong năm 2019, du lịch tạo hơn 4,5 triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp, đóng góp 9,2% GDP cả nước, tương đương với 32,8 tỷ USD. Đây là con số đầy ý nghĩa nhưng so với mặt bằng chung toàn cầu thì vẫn còn thấp, đặc biệt rất thấp so với tiềm năng du lịch của Việt Nam.
Thực tế, Việt Nam là đất nước có thiên nhiên hùng vĩ, tươi đẹp, đa dạng, phong phú về cả biển, núi, rừng và sông. Minh chứng, nước ta có kỳ quan thiên nhiên thế giới mới Vịnh Hạ Long; 3 di sản thiên nhiên thế giới; 15 di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại; hơn 41 nghìn di tích, thắng cảnh; 117 bảo tàng; gần 8 nghìn lễ hội. Âm nhạc dân gian có truyền thống lâu đời và vô cùng đặc sắc. Ẩm thực đa dạng, độc đáo, hương vị phong phú tại tất cả các địa phương. Mặt bằng giá cả thấp hơn so với nhiều nước…
Tuy nhiên, trong năm qua du khách quốc tế vẫn chưa trở lại Việt Nam nhiều, trong khi các quốc gia lân cận đang chứng kiến sự phục hồi ngoạn mục, thậm chí vượt qua cả ngưỡng trước đại dịch và đang đặt ra những tham vọng cao hơn.
Do đó, cần có những giải pháp cụ thể, khả thi nào trong các chương trình hành động để khơi thông các điểm nghẽn, phát huy tối đa lợi thế và tiềm năng du lịch đất nước, sớm thu hút du khách trở lại đông hơn.
Giải pháp hút khách quốc tế
Tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế” vừa diễn ra, Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam đã đề xuất ra một số giải pháp quan trọng để Việt Nam thu hút du khách quốc tế.
Ông Nuno F. Ribeiro cho rằng, hiện nay nước ta có một số vấn đề ảnh hưởng đến tính hấp dẫn của điểm đến. Cụ thể, nhận thức của công chúng và truyền thông về Việt Nam còn chưa mạnh mẽ; thủ tục hành chính rườm rà; số nước được miễn thị thực giảm; khoảng cách từ các thị trường trọng điểm còn xa, nỗ lực quảng bá chưa tương xứng và tỷ lệ khách quay lại du lịch khá thấp; cuối cùng là rào cản ngôn ngữ.
Tiến sĩ Nuno F. Ribeiro, Phó chủ nhiệm cấp cao bộ môn Quản trị du lịch và khách sạn, Đại học RMIT Việt Nam
Từ những hạn chế trên, ông Nuno đã đề xuất một số giải pháp nhằm khôi phục và phát triển thị trường du lịch Việt Nam.
Về ngắn hạn, Chính phủ cần cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, mở rộng thị thực điện tử cho tất cả các nước. Đồng thời, Việt Nam nên xem xét tăng số nước được miễn thị thực, tăng thời hạn lưu trú cho các thị trường trọng điểm.
Trong thời gian tới, ngành Tư pháp cần thực thi các luật và quy định du lịch hiện hành liên trong ngành. Cùng với đó, Việt Nam phải thúc đẩy các chương trình văn hóa và ngôn ngữ để thu hẹp khoảng cách giữa du khách và người dân địa phương.
Đặc biệt, quốc gia nên đầu tư mạnh để quảng bá tại các hội chợ du lịch quốc tế nhằm thu hút các thị trường trọng điểm.
Đối với trung hạn, quan trọng nhất Việt Nam phải giải quyết các nhu cầu cơ sở hạ tầng trước mắt dựa trên tính toán sức chứa của các điểm đến du lịch chính, giải quyết các vấn đề về vệ sinh và tái chế cùng với chính quyền địa phương
“Đồng thời, ngành du lịch cần giải quyết các vấn đề về chất lượng dịch vụ bằng cách tuyển dụng lao động có trình độ từ nước ngoài hoặc triển khai các khóa đào tạo ngắn hạn cho nhân lực du lịch và khách sạn hiện có. Chính phủ Việt Nam nên xem xét lại Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam và xác định chiến lược du lịch dài hạn cho 10-20 năm tới dựa trên phát triển du lịch bền vững” vị tiến sĩ khẳng định.
Còn về dài hạn, ông Nuno F. Ribeiro nhấn mạnh, Việt Nam nên đầu tư mạnh vào giao thông công cộng, nhất là các phương thức giao thông thân thiện với môi trường, tăng cường kết nối giữa các phương tiện vận tải.
Trình độ nhân lực nên đầu tư mạnh vào đào tạo và nâng cao ở các bậc trung học, đại học và sau đại học. Tại cá khu du lịch cần phát triển và bảo vệ các khu vực khác khỏi hoạt động du lịch quá mức. Quan trọng nhất, Việt Nam cần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của và hạn chế sử dụng tài nguyên dựa trên các chính sách phát triển bền vững.