Năm 2022 ngành du lịch Việt Nam không “bội thu” trong việc hút khách du lịch quốc tế, việc thay đổi chính sách thị thực dự kiến sẽ là bước đệm để phát triển…
Đại tá Đặng Tuấn Việt Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an tại tọa đàm (ngồi giữa)
Tại tọa đàm “Hiến kế hút khách quốc tế”, Đại tá Đặng Tuấn Việt Phó Cục trưởng Cục Quản lý Xuất nhập cảnh, Bộ Công an cho biết, hiện nay để thu hút khách nước ngoài, Bộ Công an đang gấp rút hoàn tất dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Theo đó, để đáp ứng yêu cầu thực tế của phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là du lịch, từ ngày 14/3/2023 Bộ Công an đã đăng tải trên cổng thông tin điện tử lấy ý kiến lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức và nhân dân về Luật Nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong đó nội dung nổi bật nhất là bước đột phá, cởi mở cho chính sách thị thực, trực tiếp là chính sách về miễn thị thực đơn phương và chính sách thị thực điện tử.
Cụ thể, đề xuất mở rộng diện các quốc gia được cấp thị thực điện tử hiện nay theo nghị quyết của Chính phủ. Theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ và Bộ trưởng Bộ công an, luật sẽ mở rộng tối đa cho các nước được cấp thị thực điện tử nhưng phải đảm bảo các yêu cầu của luật định. Trong đó, yêu cầu tiên quyết là phải tôn trọng và không xâm phạm đến an ninh trật tự và chủ quyền của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công an cũng đề xuất nâng thời hạn tạm trú cho người được cấp visa điện tử từ 30 lên 90 ngày và giá trị của thị thực điện tử có thể là 1 lần hoặc nhiều lần, căn cứ theo nhu cầu của người nước ngoài, khách du lịch.
Đảm bảo cho người nước ngoài, khách du lịch có thể xuất nhập cảnh nhiều lần thực hiện các công việc kinh doanh các tour kết nối.
Cùng với đó, dự thảo luật sẽ kéo dài thời gian tạm trú đối với người nước ngoài, được hưởng quy chế miễn thị thực đơn phương từ 15-30 ngày và có thể được gia hạn tạm trú, cấp thị thực thẻ tạm trú nếu đáp ứng yêu cầu khác của pháp luật.
“Đó là 3 chính sách chủ đạo trong dự án sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh quá cảnh cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam mà Bộ Công an đang xin ý kiến các bộ ngành, các cơ quan quản lý và nhân dân”, Đại tá cho biết.
Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện luật này sẽ tốn nhiều thời gian, vì vậy Bộ Công an đã chỉ đạo dự kiến đề xuất Quốc hội đưa các nội dung cơ bản liên quan đến chính sách thị thực điện tử và miễn thị thực vào 1 nghị quyết chung tại kỳ họp gần nhất.
Mặc dù, đó chưa phải là quy định của luật, nhưng là căn cứ rất quan trọng để Chính phủ chỉ đạo thực hiện ngay chính sách cởi mở, tranh thủ được thời gian cao điểm về du lịch trong năm 2023.
Ngoài thị thực, chuyển đổi số trong xuất nhập cảnh cũng rất được Bộ quan tâm. Trong công tác quản lý xuất nhập cảnh, trực tiếp là việc cấp thị thực điện tử, Bộ đã liên tục đầu tư hệ thống thông tin tiên tiến để đáp ứng được nhu cầu thị thực điện tử cho người nước ngoài .
“Ngoài ra, chúng tôi đã triển khai các cổng kiểm soát tự động tại các cửa khẩu quốc tế, các du sẽ hỗ trợ đảm bảo thông thoáng. Cùng với việc đầu tư trang thiết bị Cục Xuất nhập cảnh cũng liên tục quan tâm có nhiều chỉ đạo về việc xây dựng phong cách cán bộ công an cửa khẩu chính quy tinh nhuệ, hiện đại, thân thiện”, Cục trưởng chia sẻ thêm.
Trước đó, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về du lịch năm 2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sửa đổi, hoàn thiện chính sách về thủ tục xuất nhập cảnh cho khách quốc tế theo hướng tăng số lượng nước được miễn visa (thị thực) và kéo dài thời hạn lưu trú phù hợp với lệ phí hợp lý, mở rộng visa điện tử. Tạo điều kiện cho các hãng hàng không trong nước, quốc tế mở các đường bay và trực tiếp kết nối Việt Nam với các thị trường du lịch trọng điểm, tiềm năng.
Đồng thời, ngành du lịch cần, tăng cường hợp tác quốc tế, nhất là với các tập đoàn, tổng công ty du lịch lớn, đa quốc gia trong thúc đẩy kết nối, thu hút các thị trường khách lớn, tiềm năng theo nguyên tắc "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.