Trong quý 1/2023, Kho bạc Nhà nước dự kiến phát hành 108.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Riêng trong tháng 1, qua 8 phiên giao dịch, cơ quan này đã gọi thầu thành công 34.000 tỷ đồng...
Theo thống kê của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong 8 phiên đấu thầu trái phiếu Chính phủ được tổ chức kể trên, Kho bạc Nhà nước gọi thầu các kỳ hạn 5 năm, 7 năm, 10 năm và 15 năm tuy nhiên chỉ trái phiếu 10 năm và 15 năm trúng thầu, lần lượt ở mức 16.332 tỷ đồng và 16.500 tỷ đồng.
Lãi suất giảm ở nhiều kỳ hạn
Lãi suất trúng thầu trung bình của kỳ hạn 10 năm đã giảm trong tháng 1 xuống 4,45% (giảm 0,3% so với tháng 12), kỳ hạn 15 năm cũng giảm xuống 4,65% (giảm 0,22% so với tháng 12).
Giá trị phát hành trái phiếu Chính phủ trong tháng 1 tương ứng 8,2% kế hoạch năm 2023 (400.000 tỷ đồng) và 30,4% kế hoạch quý 1/2023 (108.000 tỷ đồng). Trong đó, giá trị phát hành trái phiếu 10 năm đạt 36,3% kế hoạch quý I/2023 và giá trị phát hành trái phiếu 15 năm đạt 36,7%.
Trong tháng 1 vừa qua, không có trái phiếu Chính phủ bảo lãnh nào được phát hành.
Giá trị giao dịch trung bình/ngày của giao dịch Outright ở mức 1.907 tỷ đồng/ngày (giảm 27,7% so với tháng trước) và Repo là 1.642 tỷ đồng/ngày (tăng 27,9% so với tháng trước). So với cùng kỳ năm trước, khối lượng giao dịch Outright tháng 1 giảm 80,1% và khối lượng giao dịch Repo giảm 74%. Kỳ hạn từ 7 năm đến 10 năm vẫn là những kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trong tháng.
Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng tổng cộng 362 tỷ đồng trong tháng đầu năm 2023, kéo dài chuỗi bán ròng kể từ tháng 3 năm 2022.
Điều đáng nói, theo thống kê của tổ chức này, lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm ở tất cả các kỳ hạn. Cụ thể, lợi suất trung bình trái phiếu Chính phủ trong tháng 1/2023 hầu hết đều giảm trên 20 điểm so với tháng 12/2022 ngoại trừ kỳ hạn 20 và 30 năm giảm 13 điểm. Áp lực tăng lãi suất đã suy yếu đi khá nhiều giai đoạn đầu năm nhờ VND mạnh lên so với USD và lạm phát vẫn trong mức kiểm soát.
Nguồn: Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam
Thêm vào đó, chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu Chính phủ của Việt Nam và Mỹ tiếp tục thu hẹp ở hầu hết các kỳ hạn trong tháng 1/2023, trong đó kỳ hạn 3 năm và 5 năm giảm mạnh nhất, lần lượt ở mức 9,6 điểm và 6,3 điểm so với tháng 12/2022.
Phản ánh rõ nhất vấn đề này chính là nằm ở diễn biến của lãi suất trúng thầu trái phiếu Chính phủ. Lãi suất của loại trái phiếu này có xu hướng tăng dần từ đầu năm 2022 cho đến thời điểm này, đạt đỉnh vào khoảng tháng 11/2022 nhưng đến kỳ đấu thầu tháng 1/2023 thì ghi nhận đà giảm.
Nguồn: Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam
Chưa có áp lực tăng trở lại
Trong 2 tháng tới, một câu hỏi đặt ra là diễn biến lãi suất của loại trái phiếu này sẽ như thế nào để hoàn thành mục tiêu phát hành 108.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ kể trên cũng như hỗ trợ lãi suất của các thị trường liên quan?
Nếu trái phiếu Chính phủ tăng thì là một yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư. Tuy nhiên, nếu xu hướng tăng này tiếp diễn sẽ ảnh hưởng chung đến thị trường lãi suất. Bởi theo quan điểm của các chuyên gia tài chính, nếu lãi suất trái phiếu Chính phủ duy trì đà giảm thì đây là một tín hiệu tích cực đối với thị trường. Đây cũng là một trong những điều kiện cơ sở để giảm lãi suất trên thị trường.
TS. Lê Xuân Nghĩa từng nhận định, lãi suất trái phiếu Chính phủ vốn là lãi suất chuẩn quốc gia. Điều này đồng nghĩa, nếu lãi suất trái phiếu Chính phủ giảm sẽ tác động giảm lãi suất thị trường.
Trong khoảng 3 tháng qua, lãi suất huy động của các ngân hàng đều ở mức khá cao, có ngân hàng thông báo lãi suất lên đến 9,4% tại một vài kỳ hạn. Điều này tạo nên áp lực không nhỏ cho lãi suất cho vay.
Hiện tại, mục tiêu của Chính phủ là giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động sản xuất nhanh nhất, tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để khôi phục lại niềm tin của giới đầu tư cũng như sự hồi phục của thị trường tài chính. Chính vì vậy, nhiều khả năng lãi suất trái phiếu chính phủ sẽ duy trì ở mức như hiện tại để giúp cân đối các mục tiêu lớn hơn.
Có một điểm thuận lợi rằng, thông thường những tháng đầu năm, nhu cầu vốn phục vụ cho đầu tư công sẽ nhỏ. Giai đoạn từ 2017-2022, giải ngân của 5 tháng đầu năm thường đạt từ 22% đến 26% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao. Lẽ đó, vào đầu năm 2022, hàng loạt phiên đấu thầu trái phiếu chính phủ đều thất bại do mức lãi suất của Kho bạc Nhà nước thấp hơn nhiều so với kỳ vọng của thị trường. Chênh lệch lãi suất thứ cấp và sơ cấp cùng kỳ hạn bị doãng tới gần 0,8 điểm phần trăm. Cũng vào thời điểm đó, Bộ Tài chính đã phải phát đi thông tin về việc đấu thầu không thành công là do lượng tiền lớn dôi dư vẫn chưa kịp giải ngân nên không có nhu cầu tăng lãi suất để huy động.
Quay lại với hiện tại, báo cáo của Bộ Tài chính về tình hình thanh toán vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 và tình hình thanh toán vốn đầu tư công ước 1 tháng kế hoạch năm 2023 cho thấy tỷ lệ ước giải ngân 1 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 1,72% kế hoạch.
Thậm chí, nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì tỷ lệ giải ngân đạt 1,81%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (2,50%); trong đó, vốn trong nước đạt 1,89% thấp hơn mức 2,61% so với cùng kỳ năm 2022, vốn nước ngoài đạt chưa giải ngân được đồng nào trong khi cùng kỳ năm 2022 đạt 1,01%.
Phía Kho bạc Nhà nước cho biết, trong quá trình thực hiện việc phát hành và đấu thầu trái phiếu Chính phủ, sẽ có điều chỉnh khối lượng phát hành các kỳ hạn trái phiếu phù hợp với tình hình thị trường và nhu cầu sử dụng vốn của ngân sách nhà nước. Hiểu đơn giản, cơ quan này sẽ không nhất thiết bằng mọi giá để huy động đủ mục tiêu 108.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ.